“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”: Biên niên sử những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn
- Văn hóa - Giải trí
- 17:21 - 29/04/2017
"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là một tiểu thuyết tư liệu lịch sử do nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, người đã có mặt trong những giờ phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ bù nhìn, tay sai của đế quốc-thực dân và cũng là giờ phút hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.
Trần Mai Hạnh là một trong những nhà báo hiếm hoi của Hà Nội có mặt tại Sài Gòn để chứng kiến khoảnh khắc Bắc – Nam về một mối. Bài tường thuật Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng của ông là một trong những bài báo viết về chiến thắng đầu tiên được truyền đi cả nước và ra thế giới, ngay trong đêm 30/4… Nhưng ký ức ngày thống nhất không phải chỉ có câu chuyện về sự chuyển giao quyền lực. Mà đó là hành trình tìm kiếm những “mặt khác nhau của cuộc chiến”. Suốt từ năm 1965, nhà báo Trần Mai Hạnh là đặc phái viên của Thông tấn xã Việt Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; bám sát các binh đoàn chủ lực tiến vào các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn. Một phần của cuộc chiến, mà ông chứng kiến, qua các mặt trận đã được ghi chép lại. Những tư liệu này, đã được giữ nguyên vẹn gần nửa thế kỷ sau.
Sau ngày chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, nhà báo Trần Mai Hạnh ở lại Sài Gòn trong thời gian 2 tháng. Với giấy giới thiệu đặc biệt, ông đi khắp thành phố, tới nhiều địa điểm khác nhau để khi lên tàu biển về Bắc, hành trang mang theo không gì khác là một ba-lô đầy tài liệu từ “phía bên kia”. Từ những lá thư lính Mỹ gửi cho gái điếm, thư nhà gửi lính Việt Nam Cộng hòa trong những ngày “lòng người dao động” cho tới rất nhiều văn bản Mật của tướng lĩnh chính quyền Sài Gòn trước sự sụp đổ…
Ra mắt sách Biên bản chiến tranh (tác giả Trần Mai Hạnh là người thứ 2 từ trái sang)
Cuốn sách được tác giả Trần Mai Hạnh ấp ủ và hoàn thành sau gần 40 năm kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/04/1975 ở Dinh Độc Lập mà tác giả là phóng viên may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam và được xây dựng kỳ công trên cơ sở chắt lọc từ khối lượng tài liệu đồ sộ và quý giá, phần nhiều trong số đó có giá trị nguyên bản mà tác giả có cơ duyên tiếp cận được. Trong 19 chương, gần 600 trang của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”, tác giả Trần Mai Hạnh đã phác hoạ sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4/1975). Lần đầu tiên, rất nhiều những tài liệu hiếm có của “phía bên kia” mà ông Hạnh có được sau hơn nửa đời người tìm kiếm, đã được công bố. Đó là một cuốn sách có số phận cũng trầm luân không kém gì tác giả của nó.
Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75, bằng tư liệu cụ thể, những tài liệu chính nhất của các cơ quan đầu não tối mật, những biên bản nóng của nhiều nhân chứng, sĩ quan cao cấp Việt Nam Cộng hòa, chính khách chế độ, đã chỉ ra sai lầm lớn nhất, sự thất bại có tính chiến lược và chiến thuật của tất cả nền tảng tạo nên sức mạnh quân sự của Việt Nam Cộng hòa. Chính vì lẽ đó, mà những trang viết của Trần Mai Hạnh hiện rõ một cuộc chiến với tầm vóc và kích cỡ khác, đẫm máu và khốc liệt. Nó khái lược toàn bộ cái thế thua được, hết thất bại này tới thất bại khác của cả một guồng máy chiến tranh bị động, chế độ mục ruỗng tận bàn đế…
Với những chứng cứ không thể bác bỏ, kể cả từ những cuốn hồi ký, tự truyện, sách của những tướng lĩnh bại trận tháng 4 năm 1975 như Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, những lời nói, văn bản của Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên... "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được viết lên từ tư liệu dày công thu thập và một khả năng tài tình tiếp cận để đứng từ "phía bên kia" nhìn ra, chi tiết và đầy chân thực. Vì vậy, nó không chỉ làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam mà còn góp phần bác bỏ luận điệu sai trái của những kẻ muốn xuyên tạc lịch sử hòng bào chữa cho thất bại và mưu toan hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta…
Nói về hành trình tìm kiếm tư liệu và cho ra đời cuốn sách, tác giả Trần Mai Hạnh cho biết: "Năm đó tôi mới 32 tuổi, nên mới dám liều lĩnh làm chuyện “tày trời” như thế. Chứ nếu bây giờ thì chắc không dám, bởi vì quá trình đó cực kỳ gian khổ. Tìm kiếm toàn bộ hồ sơ và tài liệu tuyệt mật của cuộc chiến phía bên kia là chuyện không tưởng. Nhưng đã có rất nhiều người giúp đỡ tôi. Hơn 30 năm qua, tôi liên tục truy tìm cả trong nước lẫn nước ngoài, tôi đã có tư liệu để xây dựng cuốn sách. Tôi đã viết dưới ánh sáng của hành trình mới, tức là tôn trọng tuyệt đối với các văn bản, tài liệu thu thập đươc, tôi không có bất cứ nhận xét đánh giá nào. Cũng không biểu lộ bất cứ tình cảm nào của mình, để cho diễn biến sự thật trên tài liệu nguyên bản, nguyên gốc để cho độc giả đánh giá, xã hội đánh giá.”
Nhà báo Trần Mai Hạnh ( đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXVN trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975 (Nguồn: Văn Bảo/TTXVN-ảnh tư liệu)
Cảm nhận sau khi đọc tác phẩm, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết: “Gắn bó với cuộc chiến mà tác giả mô phỏng, tôi- một nhân chứng tham chiến, bị nó cuốn theo, đọc đi đọc lại, nhiều lần. Đọc đi đọc lại để hồi tưởng và suy nghĩ. Trần Mai Hạnh đã sử dụng rất nhiều tư liệu có thật, những biên bản tài liệu của chế độ Việt Nam Cộng hòa mà kho lưu trữ của ta thu giữ được, còn nóng hổi mùi thuốc súng ngày 30/4/1975, cả những cuốn hồi kí mà phía người Mỹ tổ chức cho nhiều tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa viết, khi họ di tản sang Mỹ. Những câu chuyện đời tư của nhiều tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa và cả những lời khai của chính họ, bộc lộ về phía họ, khiến cho cuộc chiến trở nên sinh động lạ thường nhờ vào sự mô phỏng, tính tự thuật, tự thú cao. Chính vì thế, lịch sử những tháng cuối cùng của một chế độ cũ và nát, thối tha từ trong ruột, đã được dựng lại khá công bằng và cận sự thật. Cho nên,có thể nói, biên bản chiến tranh 1-2- 3-4.75 của Trần Mai Hạnh là một cuốn sách khá điển hình ở thể loại tiểu thuyết lịch sử, khi dựng lại lịch sử với những chân dung nhân vật có thật mà không làm lịch sử bị bóp méo…”
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật ấn hành lần đầu vào tháng 4/2014 và được đông đảo bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Trong hai năm, tác phẩm liên tiếp giành được những giải thưởng danh giá trong nước và khu vực như: Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015… Đầu năm 2016, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật đã tái bản có bổ sung lần 2 cuốn tiểu thuyết này, trong đó bổ sung hơn 100 trang in toàn văn 21 tài liệu tham khảo nguyên bản về cuộc chiến. Những tài liệu nguyên bản này có giá trị tham khảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về những ngày tháng sụp đổ cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Mới đây, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã Quyết định về việc dịch tác phẩm này sang Anh ngữ nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc