THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:12

Trẻ em, chiến tranh và hòa bình

 

Nhớ lại cách đây gần một nửa thế kỷ, cả thế giới phẫn nộ trước hình ảnh một cô bé Việt Nam bị bỏng nặng, chạy trốn vì bị Mỹ dội bom Napalm với tình trạng trên người không có một mảnh vải che thân. Bức ảnh đã thay đổi cục bộ chiến tranh giữa Mỹ - Việt Nam (1955- 1975) và được công chúng thế giới gọi với cái tên “Em bé Napalm”. 
Hơn 40 năm sau, hình ảnh một cậu bé tị nạn người Syria chết bên bãi biển một khu nghỉ dưỡng tại Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa làm cả thế giới xót xa, chính cuộc nội chiến Syria (2011 – nay) đã gây ra cái chết đau thương cho cậu bé và hàng nghìn người dân Syria vô tội. Thế giới tiếc thương gọi là “Cậu bé Syria bên bờ biển”, bức ảnh này đã làm cả thế giới một lần nữa thay đổi.
Từ “Em bé Napalm” đến “Cậu bé Syria bên bờ biển”
Hai bức ảnh tuy ở hai thời điểm khác nhau, nhưng chúng đã lột tả được bộ mặt thảm khốc của chiến tranh giữa các nước trên thế giới. Bức ảnh đã tạo nên làn sóng dư luận mạnh mẽ đối với các tầng lớp trên thế giới.
Chia sẻ về sự lan tỏa mạng mẽ cũng như những tác động xã hội của bức ảnh, TS. Justin Wadlow, giảng viên Báo chí, Đại học Amiens – CH.Pháp chia sẻ: “Ngày đó khi tôi vẫn ở Mỹ, trên ti vi thường chiếu về chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam vào lúc 6 – 7 giờ tối, tôi nhớ sau khi bức ảnh “Em bé Napalm” xuất hiện trên truyền hình Mỹ, dường như tất cả người dân nước Mỹ như đứng lên đòi kết thúc chiến tranh tại Việt Nam”.

 

Bức ảnh "Em bé Napalm" do Nick Ut, phóng viên hãng AP, chụp vào ngày 8/6/1972.

 

Ths. Dương Quốc Bình (James Duong), Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Bức ảnh “Em bé Napalm” đã  tạo ra sự tác động rất lớn, đó là một trong những nhân tố gây lên làn sóng phẫn nộ của người dân Mỹ - “phản chiến”. 
Cũng tương tự như “Em bé Napalm”, “Cậu bé Syria bên bờ biển” cũng đã để lại cho người xem sự phẫn nộ, sự xót xa và cảm thông cho trẻ em tị nạn nói riêng và người dân tị nạn nói chung. Thế giới như được cảnh tỉnh về sự thật tàn khốc của chiến tranh, những cuộc biểu tình đòi công bằng cho người tị nạn, những chính sách mở của biên giới của các nước vùng vịnh, những quỹ từ thiện – nhân đạo được gây dựng mỗi ngày để giúp đỡ người dân tị nạn Syria. 
Chia sẻ với tôi về những cảm xúc của mình sau khi bức ảnh “Cậu bé Syria bên bờ biển” được công bố, phóng viên ảnh người Mỹ Geoffrey Hiller nói: “Tôi thấy thật buồn khi phải nhìn một sinh linh bé nhỏ như vậy nằm bên bờ biển, và tôi tin ai cũng sẽ có cảm giác giống tôi. Bức ảnh khiến tôi đau lòng và cảm thấy chiến tranh thật tồi tệ. Nhưng cũng phải thừa nhận, bức ảnh đau thương ấy đã tạo nên những thành công nhất định trong việc cải thiện cuộc sống của người dân tị nạn Syria”.
Chiến tranh đã khiến “Em bé Napalm” – Phan Thị Kim Phúc phải chịu những cơn đau thấu xương, những vết sẹo không bao giờ có thể chữa lành, khiến cho gia đình “Cậu bé Syria bên bờ biển” – Aylan Kurdi chia cách, người thân phải chịu những mất mát quá lớn. Thế nhưng, Phan Thị Kim Phúc, hay Aylan Kurdi chỉ là một trong hàng triệu trẻ em, người dân phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh từ quá khứ đến hiện tại. 
Chúng ta đang sống trong Thế kỷ 21 – Thế kỷ của Công nghiệp hóa – hiện đại hóa, vậy mà Thế giới vẫn còn những cuộc nổ súng, những trận mưa bom. Tôi tự hỏi đến khi nào chiến tranh mới chấm dứt, trả lại cuộc sống bình yên cho con người?
Thông điệp hòa bình từ ảnh báo chí về trẻ em trong chiến tranh
Ngay sau khi bức ảnh “Cậu bé Syria bên bờ biển” được tác giả Nulifer Demir công bố, công chúng thế giới đã mang ra so sánh với “Em bé Napalm” của Nick Út. Cả hai bức ảnh đều rất thành công trong việc truyền tải thông điệp hòa bình đến thế giới. Vậy, nên hay không nên việc báo chí sử dụng hình ảnh đau thương của trẻ em trong chiến tranh để truyền tải những thông điệp hòa bình?.

Hình ảnh chấn động thế giới về cái chết của em bé Syria trên đường chạy nạn cùng cha mẹ. Ảnh: Internet

 

Là một chuyên gia báo chí – truyền thông, PGS.TS Hà Huy Phượng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Chiến tranh là do “các anh” gây ra nhưng người chịu hậu quả lại là phụ nữ và trẻ em – những đối tượng yếu thế trong xã hội. Nếu việc sử dụng hình ảnh đau thương của trẻ em trong chiến tranh mang lại hòa bình cho thế giới thì báo chí chúng ta nên sử dụng”. 
Ông cho rằng, ảnh báo chí là con dao 2 lưỡi có người cảm thấy thế này, có người cảm thấy thế kia và cái quan trọng của ảnh báo chí là  khoảnh khắc. Cả 2 bức ảnh “Em bé Napalm” và “Cậu bé Syria bên bờ biển” được các chuyên gia ảnh báo chí đánh giá không phải là bức ảnh đẹp, tuy nhiên cả 2 bức ảnh đều đã rất thành công trong việc truyền tải thông điệp hòa bình nhờ có khoảnh khắc. Khoảnh khắc Phan Thị Kim Phúc không một mảnh vải che thân, mếu máo chạy trốn khỏi bom Napalm; khoảnh khắc Aylan Kurdi “ngủ” tựa một thiên thần bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Chính nhờ những khoảnh khắc ấy mà chiến tranh Mỹ - Việt Nam kết thúc, Thủ tướng Angeka Makel mở cửa biên giới đón người tị nạn, tỷ phú Ai Cập mua đảo cho người tị nạn,.....
Mặc dù khi đăng bức ảnh Aylan Kurdi lên, có thể người nhà của nạn nhân rất đau xót. Nếu mà đứa bé chết rồi, báo chí đăng tin không cẩn thận thì có thể sẽ giết cậu bé lần thứ hai. Nhưng thay vì một cái thông điệp buồn thì người ta lại cứu vãn được bằng những thứ khác lớn hơn. 
Bên cạnh đó, thế giới cũng có rất nhiều những bức ảnh về trẻ em trong chiến tranh làm công chúng dậy sóng: bức ảnh “Kền kền chờ đợi”; “Bức tường Berlin Salvati”; “Em bé may mắn sống sót trên chiến trường Thượng Hải”;.... và gần đây nhất lại là về một cậu bé Syria “Cậu bé Syria bị thương”....
Nói đến đây không có nghĩa khuyến khích các nhà báo, phóng viên lợi dụng sự đau thương ấy của trẻ em mà đăng ảnh một cách “vô tội vạ”. Trong chiến tranh, trẻ em là những người vô tội nhất, và phải chịu đựng những cái khổ đau nhất. Việc đăng tải những hình ảnh đau thương của trẻ em không phải là điều dễ dàng đối với các nhà báo, phóng viên chiến trường, nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm cũng như sự nghiệp của họ. 
Nhưng nếu không có “Em bé Napalm” hay “Cậu bé Syria bên bờ biển” thì liệu thế giới có biết được sự thảm khốc của chiến tranh mà cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình hay không? Nếu báo chí không đăng tải những sự thật trần trụi ấy của chiến tranh thì có bao giờ người tị nạn được chào đón ở các nước hay không?...
Cuối cùng, phải có bao nhiêu “Em bé Napalm”, bao nhiêu “ em bé Syria" nữa thì thế giới mới được hòa bình?

PHƯƠNG LINH/CTV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh