Nợ xấu lại “vật” nhà băng
- Huyệt vị
- 19:20 - 29/05/2016
Nợ xấu “dềnh” lên
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu tính đến tháng 3/2016 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12/2015. Báo cáo tài chính quý I/2016 của một số ngân hàng cũng cho thấy, nợ xấu đang quay đầu tăng trở lại. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh. Riêng nợ mất vốn của 10 ngân hàng lớn đã lên tới trên 1 tỷ USD.
Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, số nợ xấu mới phát sinh riêng trong năm 2015 là hơn 45.000 tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, số nợ xấu mới phát sinh năm 2016 còn cao hơn nữa.
Trong khi nợ xấu mới vẫn sinh sôi hàng ngày, thì nợ xấu cũ mà VAMC mua về từ hơn 40 tổ chức tín dụng vẫn đang nằm chờ giải cứu. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC cho biết, tính đến đầu tháng 5/2016, VAMC đã phát hành 207.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 244.000 tỷ đồng nợ gốc. Trong tổng số nợ xấu đã mua, VAMC mới xử lý được 44.000 tỷ đồng.
Chính vì nợ xấu vẫn được nhốt chủ yếu trong kho VAMC, nên 2 năm qua, nhất là năm 2015, dù tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đã giảm xuống dưới 3%, nhưng các ngân hàng vẫn chịu áp lực nặng nề. Riêng trong năm 2015, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng tăng đột biến, phần nhiều trong đó là những khoản trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu bán cho VAMC, nhưng VAMC chưa kịp xử lý, với mức trích lập lên tới 20%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thực tế, một lượng lớn nợ xấu bán cho VAMC vẫn chưa được xử lý, dẫn tới khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng giảm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB dự đoán, tình trạng này của các ngân hàng có thể tiếp diễn trong 5 năm tới, nếu VAMC không nhanh chóng xử lý được số nợ tồn đọng.
Muốn có thị trường, giá phải hợp lý
Với quyết tâm xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có buổi làm việc với VAMC để tìm hiểu vướng mắc. Theo kế hoạch, trong năm 2016, VAMC sẽ thí điểm mua nợ theo giá thị trường với số lượng khoảng 5.000 tỷ đồng dư nợ gốc, với giá mua là 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, VAMC cũng đặt mục tiêu xử lý, thu hồi 30.000 tỷ đồng nợ xấu, gần gấp đôi năm 2015. Tuy nhiên, nếu mục tiêu này hoàn thành, VAMC cũng chỉ xử lý được vài trăm khoản nợ, trong số hàng chục nghìn khoản nợ mua về.
Theo lãnh đạo VAMC, để xử lý nhanh nợ xấu, cần phải có thị trường mua bán nợ tấp nập. VAMC đang tích cực chuẩn bị danh mục các khoản nợ xấu chào bán để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, một số ngân hàng đã bày tỏ ý định thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc (AMC). Việc nhiều ngân hàng nhảy vào thị trường này cho thấy, mua bán nợ là một lĩnh vực tiềm năng và việc hình thành thị trường mua bán nợ không hẳn là “bất khả thi”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một công ty mua bán nợ, thị trường nợ xấu chưa thể khai thông và hình thành bởi bị trói buộc trong 4 chữ: trách nhiệm - giá bán. “Khi chúng tôi đặt vấn đề mua nợ, nhiều lãnh đạo ngân hàng rất muốn bán nợ, kể cả bán lỗ, nhưng lại sợ trách nhiệm hình sự nếu để thất thoát tài sản. Chính vì vậy, họ chấp nhận bán nợ cho VAMC để giãn thời gian xử lý, chứ cũng không kỳ vọng VAMC sẽ xử lý được nợ. Nếu tình hình này kéo dài, nợ xấu vẫn sẽ ẩn nấp và thị trường mua bán nợ không thể hình thành”, đại diện công ty này cảnh báo.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu, nếu được bán với giá hợp lý, thì rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ nhảy vào mua, thị trường mua bán nợ sẽ tự hình thành mà không cần phải hô hào nhiều. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế định giá cho nợ xấu vẫn chưa rõ ràng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng kiến nghị, nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giá mua và giá bán nợ xấu theo kiểu “lỗ cùng chịu, lãi cùng chia” để tạo động lực cho các ngân hàng bán nợ. Cơ chế bắt buộc tổ chức tín dụng phải chịu rủi ro hoàn toàn khi bán nợ hiện nay là nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà bán nợ cho VAMC, nhất là trong bối cảnh VAMC và ngân hàng khó tìm được sự đồng thuận về giá bán tài sản.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận, định giá là một trong những khó khăn lớn nhất của VAMC khi thực hiện mua nợ theo giá thị trường. Để tháo gỡ khó khăn này, VAMC đang đề xuất thành lập Trung tâm Đấu giá trực thuộc VAMC.