Nợ xấu của 5 ngân hàng gần 30.000 tỷ đồng
- Huyệt vị
- 12:36 - 24/11/2015
Theo thống kê, tính đến cuối tháng 9, nợ xấu trung bình của 15 ngân hàng vào khoảng 1,9%, giảm mạnh so với mức 2,24% đầu năm 2015. Với chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra, đa phần các ngân hàng đã hoàn thành việc đưa nợ xấu về dưới 3%.
Nợ xấu các ngân hàng tại thời điểm 30/9/2915
Ngân hàng | Nợ xấu thời điểm 30/9/2015 (tỷ đồng) | Tỷ lệ tại thời điểm 30/9/2015 (%) | Tỷ lệ tại thời điểm 31/12/2014 (%) |
Vietinbank | 4.760 | 0,95% | 1,11% |
Vietcombank | 7.141 | 2% | 2,3% |
BIDV | 11.925 | 2,16% | 2,03% |
MBBank | 1.956 | 1,72% | 2,72% |
VPBank | 3.139 | 2,94% | 2,54% |
ACB | 1.973 | 1,5% | 2,17% |
Eximbank | 1.402 | 1,64% | 2,46% |
Sacombank | 2.345 | 1,6% | 1,18% |
LienVietpostbank | 483 | 0,88% | 1,23% |
ABBank | 700 | 2,52% | 4,5% |
SHB | 2.922 | 2,38% | 2,02% |
Techcombank | 2.131 | 2,28% | 2,38% |
Kienlongbank | 202 | 1,33% | 1,94% |
NCB | 408 | 2,1% | 2,51% |
VIB | 1.034 | 2,33% | 2,51% |
Để giảm nợ xấu, có hai cách mà các ngân hàng thường áp dụng. Một là, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài sản các Tổ chức tín dụng (VAMC), cách này được các ngân hàng áp dụng nhiều và hiệu quả ngay. Hai là, báo cáo tài chính 9 tháng của các ngân hàng cho thấy tín dụng tăng nhanh, đạt trên 10%, dự kiến cả năm có thể lên tới 17%. Tổng dư nợ cho vay tăng cao, khi mẫu số lớn lên, làm cho nợ xấu bất ngờ giảm sâu.
Tuy nhiên, thành tích nợ xấu mới dừng lại ở tỷ lệ. Con số nợ xấu thực tế đang tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm nợ có khả năng mất vốn. Tổng nợ xấu của 15 ngân hàng thương mại được thống kê vào khoảng 42.520 tỷ đồng, tăng 7,15% so với mức 39.683 tỷ đồng đầu năm.
Riêng 5 ngân hàng có nợ xấu lớn là BIDV, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, SHB tổng nợ đã lên 28.886 tỷ đồng, tăng 13,1% so với mức 25.542 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo đó, nợ xấu của Vietcombank là 7.141 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lến tới 4.938 tỷ đồng, tăng 38,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng trên 10%, đạt gần 356.400 tỷ đồng.
Nợ xấu của BIDV tăng tới 32,3% trên 11.925 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 72,4% đạt 5.631 tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 541.688 tỷ đồng, tăng gần 23,4% so với đầu năm.
Dư nợ cho vay của Vietinbank cũng tăng 13,6% đạt 499.582 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ xấu của nhà băng này đạt 4.760 tỷ đồng, giảm 2,9% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên nợ có khả năng mất vốn lại tăng trên 600 tỷ đồng lên 2.685 tỷ đồng.
Ngân hàng VPBank, dư nợ cho vay tăng 36,6% lên 107.044 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 2,94% tương ứng 3.139 tỷ đồng. So với hồi đầu năm, nợ xấu của ngân hàng tăng 58%, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 203% lên 1.563 tỷ đồng.
SHB lại có tổng dự nợ là 122.566 tỷ đồng, nợ xấu ở mức 2.922 tỷ đồng, tăng 38,7% so với đầu năm.
5 ngân hàng có nợ xấu lớn nhất đạt gần 29.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2015. |
Dù không công bố báo cáo tài chính, song Agribank cho biết tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 10 là 2,41%. Đây là con số rất bất ngờ, bởi trước đó Agribank được ví như một trong những nhà băng nặng nợ xấu nhất của hệ thống. Có thời điểm năm 2013, nợ xấu của ngân hàng này chiếm một phần tư "cục máu đông" của toàn ngành.
"Ngân hàng chủ động trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, đồng thời cũng đã thu hồi được trên 10.000 tỷ đồng đối với nợ đã xử lý rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo tài chính toàn ngành", đại diện nhà băng này cho biết. Agribank cũng là một trong những ngân hàng mạnh tay bán nợ xấu cho VAMC nhất.
Nợ xấu cũng “ăn mòn” lợi nhuận khiến các nhà băng phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản nợ đầy rủi ro này. Đơn cử như Vietcombank đã phải trích lập trên 4.700 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng dự phòng.
Tại Hội thảo định vị hệ thống ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cho biết, từ đầu năm đến nay VAMC đã mua nợ của 39 tổ chức tín dụng tương ứng với 91.963 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua là 82.681 tỷ đồng. Lũy kế từ 2013 đến 30/9/2015, VAMC đã mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc 225.518 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ khi lập đề án xử lý nợ xấu vào tháng 9/2012 với tỷ lệ khoảng 17,4% đến nay, nợ xấu đã về mức 2,9% đúng như lời hứa của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trước Quốc hội.