Thêm lựa chọn khi xử lý nợ xấu
- Huyệt vị
- 17:43 - 15/09/2015
Muốn xử lý được nợ xấu cần đẩy mạnh khâu phát mãi tài sản và bán nợ theo giá thị trường
Thông tư số 14/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cụ thể hóa những thay đổi trong Nghị định số 34/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/3/2015 sẽ có tác động lớn tới hoạt động mua - bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, do có những sửa đổi, bổ sung quan trọng. Những sửa đổi, bổ sung này làm tăng thêm lựa chọn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) bán lại nợ xấu.
Cụ thể, Thông tư quy định việc VAMC mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường bằng phát hành trái phiếu trực tiếp cho TCTD bán nợ xấu. Với hình thức mới này, trái phiếu phát hành qua việc mua theo giá trị thị trường thực sự là một tài sản gắn với các lợi ích cụ thể để các TCTD cân nhắc bán lại nợ xấu cho VAMC.
Theo đó, trái phiếu do VAMC phát hành dùng để thanh toán cho TCTD bán lại nợ xấu, được chuyển nhượng giữa NHNN với các TCTD và giữa các TCTD với nhau (trái phiếu đặc biệt thì không được chuyển nhượng).
Bên cạnh đó, sau khi bán lại nợ xấu và TCTD sở hữu trái phiếu thì không phải trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đó. Ngoài ra, các TCTD được xác định hệ số rủi ro của trái phiếu là 0% khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trong khi với trái phiếu đặc biệt là 20%.
Thông tư 14/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/10/2015, nhưng dự kiến ngay trong năm nay, VAMC sẽ bắt đầu thí điểm phương án mua lại nợ xấu theo giá trị thị trường, với mục tiêu đạt ít nhất 500 - 700 tỷ đồng.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, với cơ chế trên, việc xử lý nợ xấu sẽ phần nào bớt khó khăn. Theo TS. Lịch, Chính phủ đang chỉ đạo, yêu cầu chỉnh sửa các thủ tục trên để có thể sớm xử lý các vấn đề khó khăn trong quá trình phát mãi tài sản, bởi muốn xử lý được nợ xấu thì cần đẩy mạnh khâu phát mãi tài sản và bán nợ theo giá thị trường.
“Chúng ta vẫn còn 2 vướng mắc lớn là xử lý tài sản đảm bảo và hình thành thị trường mua - bán nợ. Hy vọng, một khi cơ chế mua - bán nợ theo thị trường được triển khai sẽ thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực trong xử lý nợ và việc mua - bán nợ xấu”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, với Thông tư 14/2015/TT-NHNN, VAMC có thể mua nợ xấu bằng giá thị trường và từ đó phát hành trái phiếu, bên cạnh trái phiếu đặc biệt trước đó.
Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, cơ chế này tuy tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu của thị trường, bởi việc mua - bán theo quy định của Thông tư 14/2015/TT-NHNN xem ra vẫn chưa thực sự là mua đứt.
Theo phân tích của TS. Hiếu, một ngân hàng thương mại khi bán nợ xấu cho VAMC theo cơ chế mới thì VAMC đương nhiên trở thành chủ nợ mới, với toàn trách nhiệm và quyền lợi của chủ nợ, tức là VAMC trong chức năng mới sẽ xử lý nợ xấu theo cách tốt nhất của mình như xử lý nợ, thanh lý tài sản, tranh tụng trước pháp luật và bán nợ cho một chủ thể khác mà không cần có sự đồng ý hay hợp tác của chủ nợ cũ và con nợ. Nhưng liệu điều này có thực hiện được khi một số tòa án vẫn chưa chấp nhận chủ nợ mới và việc thi hành án vẫn còn lệ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của các con nợ.
Chính vì thế, theo ông Hiếu, Thông tư 14/2015/TT-NHNN vẫn chưa đưa ra cơ sở để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nếu mà các quy định khác của luật pháp chưa được sửa để trao cho chủ nợ mới quyền lực cần thiết để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo như tại các nước tiên tiến.
“Để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn thì việc thay đổi quy định pháp luật liên quan đến quyền của chủ nợ và thanh lý tài sản bảo đảm là tối cần thiết. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cho VAMC cần tiếp tục được xem xét. Cuối cùng, phải có một thị trường mua - bán nợ quốc gia thì mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề nợ xấu”, TS. Hiếu nói.