Nỗ lực chăm lo đời sống người lao động
- Huyệt vị
- 13:42 - 27/04/2019
Lễ hội ẩm thực xuân cho công nhân quận Gò Vấp.
Xuất phát điểm nhiều khó khăn
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, số lượng doanh nghiệp gia tăng nhanh, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng hàng chục ngàn lao động, nên lượng người từ khắp mọi miền đất nước đổ về các tỉnh thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (chủ yếu là TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An) ngày càng đông đảo. Tính đến nay, số lao động nhập cư đến sinh sống, làm việc tại các KCN, KCX đã lên đến hàng triệu người.
Chính quyền các địa phương cũng như nhiều doanh nghiệp luôn đánh giá cao những đóng góp của NLĐ, đặc biệt là lao động nhập cư đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, song hành với việc thu hút nhiều NLĐ, hàng loạt thách thức được đặt ra, trong đó nan giải nhất là các vấn đề: Nhà ở cho các gia đình NLĐ, trường học cho con em NLĐ, các cơ sở phúc lợi và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của NLĐ.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp (DN) chăm lo cho NLĐ, xem NLĐ là vốn quý, cũng có không ít DN chưa xem trọng sự đóng góp của công nhân lao động vào sự phát triển của DN và xã hội, để có những phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý hay có những chính sách đãi ngộ tương xứng với công sức công nhân lao động đã bỏ ra.
Khu nhà ở xã hội giá 100 triệu đồng.
Tình trạng một số DN tìm cách “thay máu” lao động khi một số người sau hàng chục năm làm việc sức khỏe suy giảm, không phù hợp những công việc lao động giản đơn đòi hỏi dùng nhiều sức lực, đã khiến các cơ quan hữu trách phải “đau đầu” tìm cách xử lý, nhưng vẫn chưa có giải pháp triệt để nhằm dung hòa giữa quyền lợi chính đáng của NLĐ với lợi ích của DN.
Bên cạnh đó, tiền lương của đại đa số công nhân lao động còn chưa đủ đáp ứng mức sống tối thiểu nên rất nhiều công nhân phải tăng ca để có thêm thu nhập. Hiện, đại đa số công nhân lao động vẫn phải sống trong các khu nhà trọ, thiếu những hoạt động văn hóa cần thiết, sống với mức tối thiểu; nhiều nữ công nhân phải đưa con về quê hoặc gửi con trong các nhóm trẻ, nhà trẻ dân lập chưa đạt chất lượng nuôi dưỡng. Cá biệt còn xảy ra nhiều việc đau lòng như con công nhân không được chăm sóc chu đáo, bị bạo hành khi gửi ở các nhóm trẻ tự phát; thậm chí không ít nữ công nhân mang thai ngoài ý muốn, không đủ khả năng nuôi, đành phải bỏ…
Tình trạng công nhân ở một số nơi rơi vào “vòng xoáy” tín dụng đen, đặc biệt nữ công nhân bị lừa đảo cả tình lẫn tiền, phải sống trong môi trường không thật sự an toàn, đặt ra những bài toán khó, không thể giải quyết cùng lúc, trong thời gian ngắn.
Bắt đầu từ chuyện an cư
TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 187.000 doanh nghiệp, trong đó 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân, lao động đang làm việc trong 17 KCX, KCN, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Vì vậy, vấn đề cung cấp chỗ ở cho NLĐ là rất bức thiết.
Thời gian qua, chính quyền thành phố có chủ trương xây dựng, phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân, nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo các điều kiện tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa, giải trí cơ bản, coi đó là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Thực hiện chủ trương này, thành phố đã và đang triển khai xây dựng một số công trình nhà ở xã hội cho công nhân như: Khu nhà lưu trú công nhân Tân Thới Hiệp (quận 12), Khu chế xuất Linh Trung I, II (quận Thủ Đức), Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7)… Mặc dù vậy, đến nay mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân.
Siêu thị công đoàn ở Bình Dương.
Để tháo gỡ vấn đề này, chính quyền và các đoàn thể nhiều địa phương đã ra sức tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ chia sẻ khó khăn với công nhân bằng việc không tăng giá điện, giá nhà… Một số nơi còn thành lập những khu nhà lưu trú cho công nhân.
Để giải quyết vấn đề chỗ ở một cách căn cơ, TP.Hồ Chí Minh đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân do các DN đầu tư xây dựng. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quỹ đất phù hợp quy hoạch, gần các KCN tập trung để xây nhà lưu trú cho công nhân. Ngoài ra, thành phố tiếp tục hỗ trợ, mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu với thời hạn 10 năm để thu hút doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân.
Trong khi đó, tỉnh Long An đang tìm kiếm quỹ đất để đầu tư xây dựng, hiện đã xác định được quỹ đất ở huyện Đức Hòa và cố gắng trong năm 2019 thực hiện được một thiết chế xây dựng nhà ở, nhà cho thuê cũng như một số thiết chế khác cho công nhân lao động.
Đến chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
Mặt bằng thu nhập thấp chính là nguyên nhân chính yếu dẫn tới nhiều vấn đề nan giải cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của NLĐ. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã sáng tạo ra những cách làm hay nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó hơn với doanh nghiệp. Đơn cử như mô hình siêu thị Tươi mart của Công ty TNHH Giày Ching Luh (KCN Thuận Đạo, tỉnh Long An). Siêu thị này bắt đầu hoạt động từ năm 2016, do công đoàn công ty điều hành, bán các mặt hàng giá rẻ, đảm bảo chất lượng cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp khác ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh cũng có các mô hình liên kết giữa công đoàn công ty với các nhà bán lẻ để mở siêu thị giá rẻ đặt trong khuôn viên công ty.
Trường mầm non cho con công nhân ở TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có những mô hình hay nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Một số tổ chức công đoàn doanh nghiệp tại Long An, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đã vận động chủ nhà trọ chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân nơi họ tạm trú. Cụ thể, tạo điều kiện cho thành lập khu nhà lưu trú văn hóa, thường xuyên kết hợp tổ chức gameshow quy mô nhỏ 100 - 200 công nhân để họ được sinh hoạt, giải trí lành mạnh; giảm 10 - 35% chi phí khi đến khám bệnh tại một số bệnh viện; giảm giá thuê sân bãi để công nhân được tham gia một số hoạt động thể thao…
Vấn đề chỗ học tập của con công nhân cũng đã bước đầu được quan tâm. Ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều trường mầm non cho con công nhân đã đi vào hoạt động ở huyện Củ Chi, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè... Một số doanh nghiệp cũng tham gia đầu tư xây trường, hợp đồng giáo viên để tổ chức các trường mầm non cho công nhân của mình. Tuy vậy, so với nhu cầu thì khả năng đáp ứng của các trường hiện rất nhỏ bé. Hơn nữa, quỹ đất, kinh phí đầu tư, nguồn giáo viên cùng các chính sách phù hợp để duy trì hoạt động… là các vấn đề khiến mô hình này khó nhân rộng đại trà.
Chăm lo đời sống NLĐ chính là cách đầu tư khôn ngoan và hiệu quả nhất để các doanh nghiệp phát triển. Những nỗ lực của các địa phương và nhiều doanh nghiệp ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua, đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, sự hy sinh quả cảm và nhất là cần có những tháo gỡ hiệu quả từ cơ chế.