THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:01

Đối thoại để người lao động và chủ sử dụng lao động cùng có lợi

 

Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), VCCI, Công đoàn Hà Lan, đối với doanh nghiệp, đối thoại giữa người sử dụng lao động - Ban Giám đốc công ty và thương lượng tập thể có thể mang lại những lợi ích như: Giảm tranh chấp lao động và đình công; người lao động có tay nghề sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp; lực lượng lao động tại doanh nghiệp ổn định hơn; người sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn, nhờ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện để giải quyết các vấn đề tại doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua đối thoại, thương lượng sẽ giúp cải thiện thông tin giao tiếp, đối thoại hai chiều giữa người sử dụng lao động và người lao động... nhằm hướng tới mục đích góp phần giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn.

 

Người sử dụng lao động và người lao động thường xuyên đối thoại sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

 

Qua thực tiễn triển khai Dự án hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan triển khai thực hiện thí điểm trong ngành dệt may tại 3 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa người lao động - Ban Giám đốc công ty và thương lượng tập thể hiệu quả tại các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam cho thấy: Đối thoại xã hội giúp ngăn cản nguy cơ một bên nào đó quyết định tất cả vấn đề, tạo nên sự công bằng, dân chủ giữa các bên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung. Để có thể thực hiện tốt việc này, cần có sự tôn trọng những quyền cơ bản của công ước quốc tế, đối thoại xã hội là một mục tiêu của Liên Hợp quốc.

Các yếu tố quyết định sự thành công của công tác đối thoại xã hội và thương lượng tập thể là phải có tầm nhìn dài hạn, những thành quả không chỉ đạt được trong ngày một ngày hai, phải có sự đầu tư. Phải xây dựng một mối quan hệ lao động thật tốt, để có sự thấu hiểu lẫn nhau. Các thương lượng phải minh bạch, tôn trọng ý kiến của các bên. Đây là một quá trình cần sự nỗ lực quan tâm, từng ngày.

Vai trò của đối thoại giữa người lao động – Ban giám đốc công ty và kết quả thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan: Ví dụ như tăng năng xuất lao động cao hơn cho người sử dụng lao động, điều kiện việc làm tốt hơn cho người lao động và nền kinh tế ổn định hơn về phái chính phủ. Nói cách khác, mục đích của đối thoại hướng đến là “tất cả các bên cùng có lợi”.

Đối với các doanh nghiệp, vai trò của việc đối thoại giữa người lao động – Ban giám đốc công ty và kết quả thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích như: Giảm tranh chấp lao động và đình công, người lao động gắn bó với doanh nghiệp hơn, lực lượng lao động tại doanh nghiệp ổn định hơn; người sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn nhờ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tại thị trường quốc tế…

Công tác đối thoại và xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) tại các doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Số lượng TƯLĐTT được ký kết chưa được như mong muốn; thương lượng tập thể còn chưa thực chất, chưa đúng trình tự, quy định của pháp luật; chất lượng các bản TƯLĐTT còn nhiều hạn chế, số bản TƯLĐTT có nội dung về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca còn ít; vai trò hỗ trợ, hướng dẫn của công đoàn cấp trên cơ sở chưa tương xứng; việc mở rộng, triển khai TƯLĐTT ngành còn chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra …

Đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Định nhận xét, phần lớn các TƯLĐTT chưa tiến hành đúng quy trình thương lượng, chất lượng chưa cao, chưa bắt nguồn từ ý chí của người lao động. Rất ít CĐCS thương lượng được những quy định có lợi cho người lao động về tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương.

Đại diện LĐLĐ thành phố Đà Nẵng thì phản ánh, qua tổng hợp đánh giá của các cấp công đoàn, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn xem TƯLĐTT chỉ là sự “đòi quyền lợi” của tổ chức công đoàn và người lao động đối với doanh nghiệp; chính vì vậy công tác xây dựng thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp chưa được người sử dụng lao động hiểu và nhìn nhận một cách đúng đắn, vẫn còn những bản Thỏa ước lao động tập thể mang tính hình thức và chưa thực chất. Thực trạng hiện nay về Thỏa ước lao động tập thể đang tồn tại “4 cái không thật”, đó là: Đối tác không thật - thương lượng không thật - nội dung không thật - thực hiện không thật.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh