Nợ công thêm quan ngại
- Huyệt vị
- 14:11 - 10/08/2015
Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế VN của WB công bố cảnh báo, tình trạng mất cân đối tài khóa kéo dài đang trở thành mối quan ngại trong bối cảnh gia tăng nợ công. Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2014, tổng nợ công của VN, bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương ước tính là 2,35 triệu tỉ đồng (khoảng 110 tỉ USD).
Tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh, từ 50% năm 2011 lên 59,6% năm 2014; 79,6% trong số này là nợ Chính phủ, 19% là nợ được Chính phủ bảo lãnh và khoảng 1,4% là nợ của chính quyền địa phương.
Cũng tại buổi công bố này, Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do chính sách thắt chặt tài khóa.
Trong một báo cáo mới công bố, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, đơn vị đang đầu tư hơn một tỷ USD tại VN đánh giá bức tranh tài khóa trong nước đang gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là nợ công. Tình hình nợ công ngày càng tệ trong những năm gần đây. Ngay cả JICA cũng đánh giá cơ cấu nợ công của VN đang xuất hiện những tín hiệu đáng quan ngại…
Theo cơ quan này thì điều đáng quan ngại trước hết là tỷ lệ chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách nhà nước liên tục tăng (hiện lên tới 60%) đang gây áp lực lên cân đối ngân sách. Thêm nữa lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (nguồn chính của vay nợ nội địa) tăng nhanh, với thời gian vay ngắn sẽ tạo áp lực lớn cho việc trả nợ.
Do vậy, các tổ chức quốc tế đều cho rằng Chính phủ cần tìm ra những giải pháp kiểm soát nợ công hữu hiệu và bài học tại Hy Lạp có thể nhìn nhận nghiêm túc.
Thực tế không phải chỉ có WB, JICA, IMF đã đưa ra cảnh báo này mà ngay cả các chuyên gia kinh tế của VN cũng đã có cảnh báo từ lâu. Vấn đề cho đến nay con số của VN và con số của quốc tế đưa ra còn chênh nhau nhiều chứng tỏ tiêu chuẩn để tính thế nào là nợ công giữa hai bên hiện vẫn đang còn khác nhau.
Thực tế cho thấy, thâm hụt đáng kể đầu tư công đã bắt đầu diễn ra từ năm 2012. Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 545 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nội địa đạt trên 404 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước trên 42 nghìn tỷ đồng, giảm gần 34% so với cùng kỳ 2014.
Trong khi đó, lũy kế chi 7 tháng đầu năm đạt trên 645 nghìn tỷ đồng, bằng 56,3% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản chi lớn là chi phát triển các sự nghiệp kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh bằng 58,2% dự toán tăng 5,9% so với 2014.
Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 69% và chi trả nợ, viện trợ chiếm gần 15% tổng chi ngân sách. Đồng thời, chi trả lãi nợ cũng đang chiếm gần toàn bộ phần tăng trưởng của thu ngân sách. Ước tính bội chi ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm 2015 đã đạt 106,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 44,5% dự toán năm.
Từ số liệu trên cho thấy, nợ công vẫn có xu hướng tăng lên nhưng ở mức dưới 75% GDP. Như vậy nếu không có biện pháp thắt chặt tài khóa nền kinh tế VN vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro thách thức khó có thể tăng trưởng và phát triển bền vững…
Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới đã phân tích, nguồn thu của Việt Nam không ổn định, bởi ngoài vấn đề giá dầu sụt giảm, VN còn bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại. Trong khi đó, Việt Nam nới lỏng tài khóa nên đã dẫn tới thâm hụt lớn.
Do vậy, biện pháp quan trọng lúc này Chính phủ phải đưa ra giải pháp thắt chặt chính sách tài khóa nhằm huy động, phân bổ và sử dụng vốn vay hiệu quả, đảm bảo trong giới hạn các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia
Cụ thể, chủ động cải tiến công cụ quản lý nợ công, đa dạng hóa các hình thức vay vốn với chi phí hợp lý, chuyển đổi cơ cấu vay theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần mức độ vay nước ngoài. Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay công và nợ nước ngoài của quốc gia, có lộ trình giảm đầu tư công bằng nguồn vốn vay.
Đồng thời, tăng cường công tác thẩm định, kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, thu hẹp dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ; Thúc đẩy, phát triển thị trường vốn trong nước để tăng cường huy động vốn trái phiếu kỳ hạn dài, góp phần giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn đối với danh mục nợ trái phiếu chính phủ và trái phiếu được bảo lãnh Chính phủ; Tiếp tục chủ động bố trí đầy đủ nguồn để trả nợ đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, đảm bảo uy tín và các cam kết của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, phấn đấu tăng thu để giảm bội chi, tăng chi trả nợ để giảm nợ Chính phủ, nợ công.