THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:45

Nợ công: Đại biểu Quốc hội lo lắng, Chính phủ nói an toàn

.

Lo lắng về vấn đề nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), nói: tại kỳ họp họp thứ 8 cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có một báo cáo, giải trình rất chi tiết về nợ công, nhưng khi tiếp xúc cử tri thì cử tri vẫn rất lo lắng về sự an toàn nợ công, các đại biểu Quốc hội thì cho rằng là lo âu, lo ngại và thậm chí lo quá. Chính phủ thì báo cáo nợ công tuy cao và tăng nhanh nhưng vẫn nằm trong mức giới hạn an toàn theo nghị quyết của Quốc hội. “Vậy vì sao có sự lỗi nhịp trong suy nghĩ về nợ công ở nước ta hiện nay? Chính phủ đã và sẽ triển khai biện pháp cụ thể gì để đem lại sự an toàn, sự an dân và an toàn nợ công?”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Nợ công quan trọng là khả năng trả nợ"

Trả lời câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nói: “Tỷ lệ nợ công trên GDP luôn là vấn đề tranh của các nước. Ví dụ, Nhật Bản  tỷ lệ nợ công trên GDP  đến 300%, cho nên điều quan trọng nhất của nợ công chính là khả năng vay và khả năng trả nợ như thế nào và hiệu quả khoản vay rất quan trọng chứ không phải chỉ đơn thuần là một tỷ lệ”.

Lý giải vì sao tỷ lệ nợ công thời gian qua tăng cao, Phó Thủ tướng, cho biết: Trong thời gian qua do nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hạ tầng, chúng ta đã có mức tăng tỷ lệ nợ công cao hơn tăng tỷ lệ GDP, đến nay tỷ lệ nợ công ở mức 6% GDP và giới hạn mà Quốc hội cho phép là 65% GDP.

“Nhằm hạn chế tăng tỷ lệ và đảm bản nợ công, trong điều kiện kinh tế chưa phục hồi, Chính phủ rất thận trọng trong việc mở rộng các khoản này”. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 02 vừa qua với một số biện pháp để đảm bảo nợ công như sau: tăng cường quản lý chi tiêu công, nhất là các khoản vay mới gắn với dự án cụ thể, cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng vay dài hạn, giảm áp lực trong ngắn hạn, tăng vay trong nước, giảm nợ nước ngoài, vay ODA ngoài nước với lãi suất thấp…

“Điều rất lớn, rất quan trọng là Chính phủ tiếp tục duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đây là căn cơ nhất. Vì có tăng trưởng tốt thì mới có khả năng trả nợ và tăng thu ngân sách, môi trường đầu tư tốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả tạo nên môi trường đầu tư tốt, hệ số tín dụng cao thì vay mới dễ được. Cho nên, những giải pháp như vậy trước mắt sẽ tạo ra điều kiện tốt để chúng ta kìm chế nợ công”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), nêu thực trạng: tới thời điểm này chúng ta còn 6 tháng 17 ngày là kết thúc kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) . Trong kế hoạch này, một trong nhiệm vụ ưu tiên tái cấu trúc là doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn, tổng công ty. Ghi nhận Chính phủ rất nhiều nỗ lực trong cổ phần hóa thực hiện. Nhưng tới thời điểm này chúng ta còn 289 doanh nghiệp Nhà nước toàn là xương xẩu, chưa thể cổ phần hóa được. Đại biểu Trần Du Lịch hỏi: “Như vậy liệu chúng ta hoàn thành kế hoạch không?Thứ hai là hậu cổ phần hóa,  mục tiêu chúng ta nâng doanh nghiệp lên sau cổ phần hóa và sử dụng phần thoái vốn nhà nước như thế nào?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Cho rằng vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước luôn được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và vấn đề này cơ bản đang thực hiện đúng mục tiêu. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc việc cổ phần hóa doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường chứng khoán, vào phát triển đi lên nền kinh tế. “Nếu bán cho doanh nghiệp, bán cho SCIC hay cho cán bộ công nhân viên thì dễ, nhưng bán cổ phần hóa thành công đại chúng thì phải theo thị trường và sự sôi động của thị trường. Chúng tôi đang cố gắng làm hết sức mình để thực hiện chủ trương 289 doanh nghiệp này trong thời gian tới”

Theo Phó Thủ tướng thì vấn đề này cũng không phải quá lo lắng “chúng ta không phải cổ phần hóa bằng mọi giá. Quyết tâm phải làm, nhưng phương án phải quyết liệt, cụ thể, chống thất thoát tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa”, Phó Thủ tướng nói.

Trả lời câu hỏi "tiền của cổ phần hóa làm gì?", Phó Thủ tướng cho biết: theo Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX, thì tiền cổ phần hóa trước hết là giải quyết chế độ cho công nhân viên. Thứ hai là hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn về tài chính để phục vụ tái cơ cấu. Thứ ba là dùng vào lĩnh vực đầu tư phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh