Đầu tư công và gánh nặng nợ công
- Huyệt vị
- 02:22 - 06/08/2015
Đầu tư công kém hiệu quả do yếu kém ?
Tại Hà Nội, dự án tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được phê duyệt vào tháng 11/2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng, có chiều dài 11,5km. Tuy nhiên, ngay từ khi ký kết dự án và rà soát lại thì dự án này đã đội vốn khủng, lên khoảng 51.750 tỷ đồng (tăng 164%), gấp gần 3 lần so với dự kiến ban đầu... Dự án đường sắt trên cao Hà Nội đoạn Cát Linh- Hà Đông, đội” vốn khoảng 60% lên 868,06 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Tại TP HCM, các dự án ĐSĐT cũng đều chậm và đội mức đầu tư lớn. Cụ thể như tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt vào năm 2007, với mức đầu tư là 17.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2007-2018. song dự án này cũng đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vào năm 2011 là 47.325 tỷ đồng (tăng 172%). chưa biết khi hoàn thành đầu tư và quyết toán , các dự án này còn "phát sinh" thêm bao nhiêu ngàn tỷ nữa.
Theo Luật Xây dựng quy định nhà thầu chỉ được điều chỉnh vốn đầu tư dự án tăng tối đa 10% tổng mức đầu tư . Nhưng luật xem ra kém hiệu lực thi hành với những dự án đội vốn khủng này. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do trình độ yếu kém, các dự án ODA của ta hầu hết là vay nước ngoài, trình độ ta còn "non kém" khi đàm phán hợp đồng nên thường bị "hố", đến khi thực hiện thì "đâm lao thì đành phải theo lao", chưa nói đến tham nhũng, riêng phải lạy lục họ vay tiếp để thực hiện cho xong nốt dự án gây nên gánh nặng đột xuất thêm cho ngân sách nhà nước.
Đầu tư công lãng phí bởi “loạn dự án” trùng lặp, không cấp thiết
Cách đây chưa lâu, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức một hội thảo bàn về “Tiêu chí nội dung, địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý 4 năm 2015. Tại cuộc hội thảo này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - cho hay: “Với lòng tôn kính Bác, đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống cách mạng, chính quyền và nhân dân địa phương đã xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến nay nhu cầu đó càng nhiều”.
Sau khi khảo sát, Bộ VHTTDL đưa ra con số: Cả nước có 103 tượng Bác được xây dựng trong các khuôn viên, trụ sở (trong đó đã có 45 tượng “Bác Hồ với bộ đội Biên phòng” được nhân bản từ một mẫu). Có 31 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị. Hiện, các tỉnh và thành phố đã đề xuất đưa vào quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 là 58 tượng và các nhóm tượng đài. Tượng đài là dấu ấn lịch sử ghi lại cho thế hệ sau, ở các nước trên thế giới số lượng này cũng không có nhiều mà chi phí đầu tư cũng không" khủng", họ cũng không đầu tư tượng đài trùng lặp như ta.
Chưa ai thử thống kê lại xem trong 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện có, Ngân sách Nhà nước đã bỏ ra bao nhiêu tỷ ? Liệu Bác Hồ đang yên nghỉ có vui không khi con cháu cứ đua nhau làm tượng đài mình, làm trái di chúc của Người?
Và hiện có bao nhiêu công trình văn hóa khủng hàng ngàn tỷ, hàng chục ngàn tỷ trùng lặp khác như Bảo tàng có thực sự cấp thiết khi gánh nặng nợ công đang vượt ngưỡng an toàn? Trong khi tổng kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 chỉ là 27.509 tỷ đồng (QĐ Số: 1489/QĐ-TTg ngày 08 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ). Kết quả: theo số liệu thống kê, cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 11,76%, đến cuối năm 2014 còn 5,8%., dự kiến cuối năm 2015 chỉ còn dưới 5%.
Gánh nặng nợ công gia tăng vượt ngưỡng an toàn
Theo Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của WB vừa được công bố trong đó có cảnh báo đáng ngại về nợ công của Việt Nam với số nợ đang là 110 tỉ USD vượt xa con số mà Bộ Tài chính đã từng công bố. Tuy nhiên, các con số do một báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội mới đây nói rằng “tỷ lệ trả nợ và viện trợ của Chính phủ năm nay đã lên tới 31% thu ngân sách, tức vượt ngưỡng cho phép”.
Thiết nghĩ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực này cần rà soát kỹ lại danh mục các dự án, chấm dứt và hạn chế đầu tư công vào những dự án chưa thực sự cần thiết, trùng lặp gây lãng phí lớn NSNN trong khi đang phải đi vay để giảm bớt áp lực nợ công khi đã tiến sát ngưỡng mất an toàn.