Ninh Bình: Thực hiện chính sách NCC luôn đảm bảo đúng, đủ, kịp thời
- Người có công
- 01:04 - 26/06/2021
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công với cách mạng, với ý thức chăm sóc người có công không chỉ là bổn phận, là đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của đất nước, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã tiễn đưa trên 235 nghìn người con ưu tú lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nhiệm vụ Quốc tế. Kháng chiến thắng lợi, toàn tỉnh Ninh Bình có trên 16 nghìn liệt sỹ, trên 12 nghìn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, gần 9 nghìn bệnh binh; trên 6,7 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 863 người hoạt động khánh chiến bị địch bắt tù đày, 102 nghìn người được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, 1.167 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng và Cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.248 Bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: "Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có trên 22 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Năm 2020 kinh phí Trung ương ủy quyền chi thực hiện chính sách ưu đãi với NCC trên 659 tỷ đồng. Xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi Người có công là một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng".
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Bình đã luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc NCC với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân. Nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào phụng dưỡng MVNAH, tặng nhà tình nghĩa, xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Công tác chăm sóc NCC với nước đã được triển khai thực hiện thường xuyên, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều việc làm cụ thể, hình thức phong phú, sáng tạo. Phong trào đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được toàn xã hội quan tâm, phân bổ kinh phí tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, rà soát, kiểm tra, phân loại người có công thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ giáo dân và tổ chức thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công kịp thời đảm bảo theo quy định pháp luật. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách thường xuyên, hàng năm, ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà cho hang nghìn NCC, cấp thẻ BHYT cho 100% NCC và thân nhân của họ. Đời sống của các đối tượng chính sách cơ bản ổn định, trên 99% số hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân nơi cư trú.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân những người còn sống, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính những hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm cũng được tỉnh Ninh Bình trú trọng. Được biết, để đạt được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ LĐ-TB&XH, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, sự nỗ lực của Ngành LĐ-TB&XH từ tỉnh tới huyện, tới xã. Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước, tỉnh Ninh Bình luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, là hoạt động thường xuyên, phát huy được sức mạnh của cộng đồng chăm lo gia đình có công với nước.
Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc NCC ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng tu bổ nghĩa trang Liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày được cải thiện. Đến nay, hầu hết NCC và thân nhân, con em NCC đã được hưởng các ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm, cải thiện về nhà ở, 100% mẹ VNAH còn sống đã nhận được phụng dưỡng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc NCC đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hộị.
Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, NCC, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. Trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ; tham mưu, tổ chức tốt các hoạt động thăm, tặng quà cho người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; trình UBND tỉnh, Sở Tài chính cấp kinh phí hỗ trợ cho 193 đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 27/05/2020 của HĐND tỉnh với tổng số tiền 2.093 triệu đồng; trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí mộ nghĩa trang liệt sĩ năm 2021. Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xác nhận hồ sơ, giải quyết chế độ chính sách đối với trên 2.700 hồ sơ NCC với cách mạng và thân nhân của họ đảm bảo đúng quy định, không để tồn đọng. Kiểm tra kết quả thực hiện công tác rà soát hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng năm 2020 tại 05 huyện, thành phố.
Đến nay trên địa bàn tỉnh còn 193 hộ nghèo (chiếm 3,31%) có thành viên là NCC với cách mạng. Ban hành kế hoạch và thực hiện điều dưỡng cho 9.878 đối tượng NCC với cách mạng và thân nhân năm 2021, đã tổ chức đưa, đón 160 NCC đi điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn, Thanh Hóa và Trung tâm Điều dưỡng NCC, hiện nay do tình hình dịch COVID – 19, do đó Sở đã đề nghị các địa phương tạm hoãn lịch điều dưỡng NCC với cách mạng. Thực hiện tốt công tác quản lý nghĩa trang, mộ liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sỹ. Phối hợp Công ty TNHH phát triển phần mềm Văn Việt triển khai thực hiện số hoá hồ sơ người có công với cách mạng.
"Trong thời gian tới, Ninh Bình đẩy mạnh vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh; khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu đề án số hóa hồ sơ NCC. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi NCC tại địa phương, đơn vị. Đến hết năm 2021, 100% hộ NCC ở Ninh Bình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; thân nhân liệt sĩ và NCC được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, hoàn thành việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC. Tiếp nhận hồ sơ, xác nhận đối tượng và giải quyết các chế độ chính sách đối với NCC với cách mạng và thân nhân đảm bảo đúng, kịp thờI" - Giám đốc Lâm Xuân Phương nhấn mạnh.