CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:29

Những tồn tại trong tuyển sinh ĐH, CĐ cần được khắc phục

Không xảy ra tình trạng thí sinh đậu thành rớt

Như chúng ta đã biết, kỳ tuyển sinh THPT quốc gia 2015 vừa qua xuất hiện nhiều tâm thư và hàng loạt thí sinh ở nhiều trường chuyển từ đậu thành rớt do khai không đúng ưu tiên, rồi phần mềm của Bộ không chính xác...

Lý giải về việc này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, nguyên nhân đến từ hai phía là thí sinh và người hướng dẫn. Thực tế cho thấy, năm nay có nhiều trường hợp thí khai sai chính sách ưu tiên đến từ việc giáo viên không nắm vững quy chế. Trong khi đó, bản thân thí sinh cũng không tìm hiểu để rà soát đúng diện ưu tiên mình khai vào hồ sơ.

Về việc phần mềm của Bộ GD&ĐT không chính xác, Bộ từng có công văn yêu cầu các sở GD&ĐT rà soát và xác lập khu vực ưu tiên tại địa phương mình dựa trên các văn bản quy định của Nhà nước. Trên cơ sở báo cáo của các sở, Bộ chuyển dữ liệu ưu tiên khu vực vào phần mềm tuyển sinh để áp dụng cho năm 2015. Tuy nhiên, một số trường ĐH đã rà soát và phát hiện sai sót ưu tiên khu vực từ chính phần mềm tuyển sinh so với quy định Nhà nước. Theo đại diện một trường ĐH, điều này xảy ra do Bộ không kiểm tra lại mà lệ thuộc hoàn toàn thông tin các sở cung cấp. Trong đó, có những sở đã xác định không đúng khu vực ưu tiên của địa phương. Đại diện này cũng cho biết, có khả năng còn nhiều sai sót về khu vực ưu tiên xảy ra ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet).

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho rằng, chỉ cần đơn vị tiếp nhận hồ sơ nắm vững quy chế để hướng dẫn cho thí sinh thì sẽ không gây ra sai sót. Trên cơ sở đó, trường ĐH rà soát, thậm chí liên lạc trực tiếp với thí sinh kiểm tra thông tin chính xác nhất trước khi công bố trúng tuyển.

Thí sinh và phụ huynh cần lưu ý

Để kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 không còn xuất hiện nhiều tâm thư cũng như hàng loạt thí sinh đậu thành rớt, các thí sinh nên xác định rõ ngành mình cần học để đăng ký, tránh tình trạng đăng ký theo phong trào, hoặc thấy trường này năm ngoái lấy điểm cao hơn so với năm nay... Ngoài ra, thí sinh nên tìm hiểu và đọc kỹ qui định và qui chế tuyển sinh được dán và thông báo trong các trường ĐH, CĐ.

Đối với khối các trường quân đội và công an, đều có những qui định rất rõ ràng và nghiêm ngặt, vì vậy nếu thí sinh muốn đăng ký để thi vào, trước hết thí sinh phải đọc, tìm hiểu kỹ về những điều kiện, qui định bắt buộc để được đứng trong hàng ngũ bộ đội và công an để khai thông tin chính xác vào hồ sơ. Tiếp đến, thí sinh nên đi khám sức khỏe, siêu âm, chụp tim, phổi... tại các bệnh viện để phát hiện dấu hiệu bất thường, cũng như những dị tật bẩm sinh mà trước đó thí sinh chưa được biết. Thí sinh không nên đi khám sức khỏe theo kiểu sơ tuyển tại các phòng khám tư nhân, hoặc những cơ sở khám chữa bệnh không được cấp phép, vì khi nhập học nhà trường sẽ kiểm tra lại sức khỏe của mỗi thí sinh.

Các bậc phụ huynh phối hợp cùng với thí sinh trong việc chọn trường, chọn ngành dự thi. Tìm hiểu, định hướng và phân tích rõ để thí sinh có trách nhiệm với bản thân, cũng như nhận thức được những gì mình cần và phải làm, chứ không chỉ chạy theo những suy nghĩ nhất thời, để rồi không đạt được kết quả như mong muốn.

 Trong khi các thí sinh cũng không thể chờ đợi thêm một năm nữa, bởi vì thời gian kéo dài, đồng nghĩa với việc kiến thức sẽ bị mai một, khi đó cơ hội đến với giảng đường đại học sẽ càng khó khăn nhiều hơn.

Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh khi làm hồ sơ xét tuyển ĐH

Quyền Vụ trưởng Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Nếu nhầm lẫn do thí sinh gây nên, dù rất đáng tiếc, các em vẫn phải tự chịu trách nhiệm. Thực tế thí sinh đã có ít nhất ba lần rà soát điều chỉnh thông tin gồm: Khi đăng ký dự thi tại trường THPT; khi đi thi tại các cụm thi và khi đăng ký xét tuyển.

Nếu chưa hiểu rõ, thí sinh còn được các trường, Bộ GD&ĐT (qua đường dây nóng, email) và các cơ quan truyền thông... tư vấn, hỗ trợ. Ngoài quy định của quy chế: “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không bảo đảm các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin với hồ sơ gốc”, thì cơ chế hậu kiểm luôn bắt buộc thí sinh phải tìm hiểu và khai thông tin chính xác. Cơ chế “tiền đăng hậu kiểm” như trên cũng tạo tiền đề để tiến tới đăng ký trực tuyến ở những năm sau khi điều kiện cho phép.

CÙ HÒA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh