CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:17

Dấu ấn 'nổi bật" của Cục Việc làm giai đoạn 2008-2018

 

Đăng ký việc làm tại Sàn GDVL TP. Thái Bình.     Ảnh: MD

Đăng ký việc làm tại Sàn GDVL TP. Thái Bình. Ảnh: MD

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý lao động nói riêng và công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói riêng, từ năm 2008 đến nay Cục Việc làm đã phối hợp với các cơ quan để hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động. Cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến các quy định pháp luật về quản lý lao động, đặc biệt liên quan đến lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực. Rà soát, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc chia sẻ thông tin và quản lý lao động nước ngoài. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài.

 Tổ chức thẩm định chặt chẽ nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài vào từng vị trí công việc mà lao động Việt Nam không đáp ứng được theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo sử dụng có hiệu quả lao động nước ngoài và đảm bảo việc làm cho lao động Việt Nam; chỉ cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào làm việc tại các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam. Hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện kỹ năng, ý thức thái độ và tác phong làm việc của người lao động Việt Nam, tạo nguồn giới thiệu, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, nhà thầu trên địa bàn.

 Thường xuyên rà soát, báo cáo theo quy định hiện hành về tình hình lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn, đặc biệt là các đối tượng làm việc trái phép (nếu có) và kiến nghị biện pháp chấn chỉnh phù hợp, hiệu quả. Xây dựng Cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn  để thực hiện cấp giấy phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trực tuyến, kết nối với Cổng Thông tin điện tử Quốc gia.

Về nhiệm vụ năm 2018, Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung cho biết, sẽ tập trung vào các vấn đề về nâng cao năng lực hoạt động, thông tin thị trường lao động chính là công tác dự báo thông tin thị trường lao động, trung tâm DVVL tiếp tục thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn” tăng cường công tác quản lý lao động. Phối hợp tốt giữa các ngành... trong việc tuyên truyền, chia sẻ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, cập nhật tình hình biến động lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn. 

Chủ động tham mưu các cơ chế chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động

Trong 10 năm qua, Cục Việc làm đã tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng, tham mưu trình Bộ trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các vấn đề về việc làm theo quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy và bảo đảm việc làm theo hướng bền vững cho người lao động.

Ngoài phối hợp tham mưu trình Bộ Bộ luật Lao động số 10/2012/QH12 và các văn bản hướng dẫn, Cục Việc làm cũng đã tham mưu trình Bộ trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua Luật việc làm ngày 16/11/2013 (Luật số 38/2013/QH13). Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, quyết tâm phấn đấu giải quyết các vấn đề xã hội ngay trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, Cục Việc làm đã tham mưu trình Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là nhóm lao động yếu thế như chính sách việc làm công; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, phụ nữ nghèo nông thôn, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; cơ chế, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, thị trường lao động, tăng cường công tác quản lý lao động nói chung và công tác quản lý lao động nước ngoài nói riêng, góp phần ổn định xã hội, an sinh xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 

Nguyên Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Đại Đồng phát biểu tại hội nghị.

Nguyên Cục trưởng Cục Việc làm Nguyễn Đại Đồng phát biểu tại hội nghị.

 

Bên cạnh đó, Cục Việc làm còn tham mưu cho Lãnh đạo Bộ xây dựng các văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ, Cục cũng đã xây dựng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chính sách về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động.

Tham mưu xây dựng các Chương trình, Đề án hỗ trợ tạo việc làm "trúng" mục tiêu

Song song với việc tham mưu trình ban hành các chính sách pháp luật về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, Cục Việc làm cũng đã trực tiếp xây dựng và tham gia xây dựng trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều Chương trình, Đề án nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động như: Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm qua các giai đoạn (giai đoạn 2006 - 2010, 2011 - 2015), Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020; các Đề án hỗ trợ phụ nữ, thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015; Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế...

 

Đăng ký việc làm tại Sàn GDVL TP. Hà Nội.

Đăng ký việc làm tại Sàn GDVL TP. Hà Nội.

 

Triển khai thực hiện các hoạt động nhằm vận hành có hiệu quả thị trường lao động

Để hoàn thiện và vận hành có hiệu quả thị trường lao động, đảm bảo và hạn chế tối đa mất cân đối cung, cầu lao động trên thị trường lao động, từ năm 2008 đến nay Cục Việc làm đã phối hợp với các cơ quan để hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện các hoạt động, cụ thể  đã triển khai các hoạt động thu thập thông tin thông qua điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, khảo sát, ghi chép cập nhật cung, cầu lao động, phân tích, tổng hợp dữ liệu từ các cuộc điều tra về lao động, việc làm. Trên cơ sở đó, Cục đã xây dựng các báo cáo xu hướng việc làm, các bản tin cập nhật về thị trường lao động, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để hoạch định chính sách, các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo và tuyển sinh phù hợp, người sử dụng lao động và người lao động nắm bắt được nguồn cung, cầu lao động hiện có trên thị trường và xu hướng tuyển dụng lao động.

Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm thông qua việc vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Giai đoạn 2008 - 2017, ước cả nước hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận lao động yếu thế là người khuyết tật vào làm việc, đến nay có gần 240 ngàn lao động là người khuyết tật có việc làm ổn định.

Tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp người lao động thất nghiệp sớm tìm kiếm việc làm, đồng thời bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị thất nghiệp.

 Hiện cả nước có khoảng 11,26 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,5% lực lượng lao động cả nước; số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 680.310 người, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2016 (592.440 người), số có quyết định hưởng trợ cấp thất  nghiệp là 671.789 người, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2016 (586.254 người), tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.113.934 lượt người, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2016, số người được hỗ trợ học nghề là 34.723 người, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2016 (28.537 người); từ năm 2008 đến hết năm 2017, Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 4 triệu lượt người và hỗ trợ học nghề cho 123 nghìn người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

 

NLĐ kê khai thông tin đăng ký tuyển dụng.

NLĐ kê khai thông tin đăng ký tuyển dụng

 

Tập trung phát triển và hình thành hệ thống các Trung tâm DVVL nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động; hướng dẫn cấp phép và quản lý các doanh nghiệp hoạt động DVVL, doanh nghiệp cho thuê lại lao động, tạo sự linh hoạt trong việc cung ứng và sử dụng lao động, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống Trung tâm DVVL phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động DVVL, các doanh nghiệp cho thuê lại lao động để chia sẻ, kết nối thông tin nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động DVVL.

Với các hoạt động triển khai thời gian qua, thị trường lao động cũng đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2009 - 2016: tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 3,2% xuống còn 2,1%; số người lao động có việc làm từ 47,744 triệu người tăng lên 53,303 triệu người; tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 51,54% xuống còn 41,9%.

NLĐ lắp ráp máy tại Cty Ford (Hải Dương).    Ảnh: MD

NLĐ lắp ráp máy tại Cty Ford (Hải Dương). Ảnh: MD

 

Tạo thương hiệu về các Trung tâm DVVL

Từ năm 2008 đến nay, Cục Việc làm đã tham mưu trình các cấp các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm DVVL nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ nhằm nâng cao năng lực hệ thống các Trung tâm DVVL, đặc biệt là 63 Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐ-TB&XH. Về cơ bản, các Trung tâm DVVL ngành LĐ-TB&XH đã được đầu tư cơ bản, đủ điều kiện để thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề thông thường; thực hiện các chính sách, chương trình điều tiết thị trường lao động ở địa phương như chính sách thị trường lao động chủ động (thông tin thị trường lao động, tư vấn, chắp nối việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ duy trì việc làm, hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,...); chính sách thị trường lao động bị động (đăng ký, chi trả trợ cấp thất nghiệp), hỗ trợ tuyển và quản lý lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam,... Tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động gắn liền với hoạt động tư vấn. Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động cũng đã tăng tính hiệu quả hơn thông qua hoạt động giao dịch việc làm của các sàn giao dịch việc làm. Hiện cả nước có 48 địa phương tổ chức sàn giao dịch việc làm. Trong giai đoạn 2008 - 2017, toàn quốc đã tổ chức được 7.642 phiên giao dịch việc làm. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức với tần suất ngày càng tăng, số doanh nghiệp tham gia trung bình trong một phiên giao dịch việc làm khoảng 25 - 30 doanh nghiệp; số người lao động tham gia trong một phiên giao dịch khoảng 400 - 450 lao động, trong đó số lao động được sơ tuyển trong một phiên giao dịch việc làm khoảng 200 - 230 lao động. Đặc biệt, đã kết nối 64 website của các Trung tâm DVVL thuộc ngành LĐ-TB&XH trên toàn quốc tại Cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam (vieclamvietnam.gov.vn), tạo thành hệ thống và chia sẻ thông tin việc làm trống và thông tin người tìm việc giữa các địa phương.

 

 

 

 

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh