Nhiều thách thức đối với phát triển nông nghiệp
- Huyệt vị
- 12:56 - 08/10/2016
Tài nguyên cạn kiệt
Theo số liệu thống kê, Việt Nam đã mất 73.000 ha đất canh tác hàng năm, do đô thị hóa, ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu nông dân; diện tích trồng lúa giảm 6% chủ yếu là do công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng. Diện tích đất được giao để sản xuất lúa gạo dự kiến giảm gần 10% vào năm 2030. Hiện nay, cả nước có khoảng 13 triệu hộ nông nghiệp, nhưng tư liệu sản xuất đặc biệt nhất là đất canh tác, chúng ta mới có chưa đầy 0,3ha/hộ.
TS. Vũ Thị Hoài Thu, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, hiện có ba thách thức lớn đối với tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam: đất nông nghiệp sản xuất nông nghiệp ngày khan hiếm, diện tích đất có thể khai thác đã được sử dụng tới hạn; diện tích đất sản xuất nhỏ, các diện tích lớn chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước quản lý (chiếm khoảng 20%) diện tích đất nông nghiệp dành cho cây trồng lâu năm. Khoảng 13 triệu hộ nông dân sử dụng phần đất còn lại. Không những ít đất, mà đất có chất lượng cao ở Việt Nam không nhiều, khoảng 30% nguồn tài nguyên đất có chất lượng tốt, chủ yếu là đất phù sa ở ĐBSH và ĐBSCL, phần còn lại có giới hạn về độ phì của đất. Hơn 50% đất canh tác được phân loại là đất có vấn đề về dinh dưỡng thấp, độ thẩm thấu quá nhiều: chua, mặn, nhiều nhôm và đất xám (đất sét không màu mỡ, tỷ lệ nhôm cao).
Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên nước tương đối phong phú, nhưng có sự khác biệt đáng kể theo vùng và mùa vụ. Có tới 95% lượng nước ngọt được dùng cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng tình trạng hiếu nước ở các địa phương thường xảy ra vào mùa khô, đặc biệt là ở các tỉnh Đông Nam bộ. Hơn nữa, gần 60% nguồn nước của Việt Nam bắt nguồn từ bên ngoài, làm cho nguồn nước của Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi quyết định của các nước ở thượng nguồn. Điều này đã có những tác động đến sự phát triển cây trồng vật nuôi của một số địa phương trong mùa khô.
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, tăng trưởng trong ngành nông nghiệp đã có dấu hiệu suy giảm trong vài năm trở lại đây, năm sau tăng trưởng chậm hơn năm trước. 6 tháng đầu năm nay ngành nông nghiệp chính thức giảm 0,18% GDP. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này: Thứ nhất tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập và thứ hai nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt. “Chúng ta tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên quá nhiều, dẫn tới cạn kiệt nên tốc độ tăng trưởng cũng bắt đầu chững lại. Tài nguyên đất, nước,... và sức lao động đã được huy động hết. Duy chỉ có vốn là không vào. Nếu bây giờ tiếp tục khai thác tài nguyên, sức lao động nữa thì ngành nông nghiệp vẫn không thể tăng trưởng như kỳ vọng"- ông Sơn cho hay.
Tổn thất do biến đổi khí hậu lên tới 250 triệu USD/năm
Năm 2016 biến đổi khí hậu đã tác động khốc liệt tất cả 7 vùng kinh tế xã hội của Việt Nam. Đặc biệt trong những vùng trọng điểm nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần đầu bị giảm lương thực tới 1,3 triệu tấn. Tây Nguyên, Nam Trung Bộ hạn nặng, 14 tỉnh phía Bắc ngoài đợt rét lịch sử đầu năm thì những cơn bão vừa rồi thiệt hại rất lớn, kể cả người, vật chất, tài sản.
Tại Hội thảo Đánh giá nhanh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên chuỗi ngành hàng lúa gạo và cây ăn trái tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), bà Trần Thu Hà - Chuyên viên cao cấp của OXFAM Việt Nam đã đưa ra con số, sản xuất nông nghiệp đóng góp 20% GDP và 20% doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của BĐKH, mỗi năm, ngành này mất đi 250 triệu USD (chiếm tỷ lệ 1 – 1,5% GDP cả nước). Do ĐBSCL là một trong những vùng nông nghiệp chính của cả nước nên BĐKH còn làm cho nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất, trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập và sinh kế của không ít hộ gia đình.
Theo bà Trần Thu Hà, các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mưa bất thường, nước biển dâng đang không ngừng gia tăng tại ĐBSCL do tác động của BĐKH. Những hiện tượng thời tiết cực đoan này gây xói mòn đất sản suất và làm ảnh hưởng đến nguồn nước, hệ quả là sản lượng cũng như chất lượng ngành nông nghiệp trong vùng sụt giảm đáng kể.
Còn tại một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, diện tích tự nhiên của ĐBSCL vào khoảng 40,5 nghìn km2, dân số hơn 17,5 triệu người và hiện là một trong những vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, theo kịch bản biến đổi khí hậu trong thời gian tới, nếu BĐKH làm mực nước biển dâng lên 01 mét thì sẽ có hơn 40% diện tích toàn vùng bị ngập. Nếu xâm nhập mặn vào 100 mét thì gần 2 triệu ha đất sản xuất lúa (trên tổng số hơn 4 triệu ha hiện tại) bị ảnh hưởng. Điều này tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp đồng bằng.
Đại diện Công ty CP Hồng Minh Nhật (một doanh nghiệp lâu năm trong ngành lúa gạo) cho biết: “Thời tiết tiêu cực, thiếu nước khiến chất lượng và sản lượng gạo giảm rõ rệt (chất lượng giảm 15%, sản lượng giảm khoảng 20%). Đồng thời, chi phí vận chuyển, tạm trữ tăng lên khoảng 5 – 10% dẫn đến lợi nhuận cũng giảm”.