CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:02

Già hóa ở nông thôn: Nguy cơ thiếu hụt nhân lực ngành nông nghiệp

 

Nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm

Kết quả điều tra biến động dân số - kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Trong khi các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già, với tỷ lệ dân số hơn 65 tuổi chiếm 14%. Dự báo, đến năm 2050, Việt Nam sẽ là nước có dân số "siêu già" giống Nhật Bản hiện nay, với hơn 21% dân số có độ tuổi từ 65 trở lên.

Trong khi đó, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hầu hết họ đều gặp khó khăn về cuộc sống và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải tự lao động, bươn chải vất vả trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

Năm 2014, trong một nghiên cứu của các nhà khoa học, Việt Nam có khoảng 43% người cao tuổi đang làm việc, trong đó phần lớn người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp, có thu nhập thấp và không ổn định. Tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 23% lao động nông nghiệp.Tuy nhiên, thực tế tại các vùng nông thôn hiện nay cho thấy, một bộ phận lớn lao động trẻ tại đây đang có xu hướng rời bỏ quê hương để tìm kiếm các công việc khác.

Theo nghiên cứu, nếu người nông dân bỏ ra 70% tổng chi phí sản xuất cho cây lúa thì chỉ thu lời được chưa tới 30%. Đây cũng là một phần lý do khiến người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng. Phương án được người nông dân lựa chọn là rời quê hương đến làm việc tại các khu công nghiệp ở thành thị. Người trẻ bỏ đi, người có tuổi ở lại, lao động tại nông thôn đang ngày càng già hóa. Thực tế này đã tạo ra thách thức cho quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhất là quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương thuần nông nghiệp.

Xu thế của ngành nông nghiệp hiện đại không phải “con trâu đi trước cái cày theo sau” mà là nông nghiệp cơ khí hóa toàn diện, sản phẩm đạt chuẩn VietGap, GlobalGap để có thể buôn bán với các thị trường khó tính… được vận hành bởi nông dân trí thức. Nhưng rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là chất lượng nguồn nhân lực bởi có trên 97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo, dĩ nhiên nền nông nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của những “lão nông tri điền”.

 

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực

Việc thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thi vào các khối ngành nông, lâm nghiệp lại đang gặp không ít khó khăn. Theo số liệu thống kê tại Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội cho thấy, năm học 2009-2010 ngành khoa học đất chỉ thu hút được 10 thí sinh đăng ký; ngành sư phạm kỹ thuật tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ được 50; ngành cơ khí tuyển 3 lớp nhưng chỉ được 1 lớp; nhiều ngành khác đã phải “đóng cửa” sau 4 năm liền không mở được lớp do ít sinh viên theo học.

Hiện cả nước mới có 13 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về nông, lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm nghề có dạy nghề nông, lâm nghiệp. Số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông, lâm nghiệp ra trường hằng năm không cung ứng đủ nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn nhận: “Tư duy của nhiều người coi ngành nông nghiệp là làm nông dân, gắn với đồng ruộng vất vả nên không muốn con em theo học. Thực tế, nông nghiệp là ngành đang được nhà nước quan tâm và đầu tư lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các DN, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Do đó, ngành này rất cần những người có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao. Đây là cơ hội nghề nghiệp trong tương lai dành cho các bạn trẻ”.

Chia sẻ với báo chí, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Do trong nước không đáp ứng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hiện nay có thực trạng nhiều doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nông nghiệp từ nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD. Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, các doanh nghiệp nên liên kết với các trường đại học, học viện đào tạo theo nhu cầu. Nếu không, khi Việt Nam gia nhập TPP và Cộng đồng chung ASEAN, rất có thể các doanh nghiệp sẽ phải thuê các chuyên gia, kỹ sư từ nước ngoài”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh