Những "tấm lòng vàng" tại Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh
- Người có công
- 20:45 - 31/03/2022
Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh được thành lập ngày 8/9/1999. Trong 20 năm qua, Trung tâm đã quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung 189 người, trong đó có 49 nam, 140 nữ.
Hiện Trung tâm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 100 đối tượng, trong đó: 1 Mẹ Việt Nam anh hùng, 12 thương binh, vợ, con liệt sĩ; 28 người khuyết tật nặng; 60 cụ người cao tuổi. Hầu hết thương, bệnh binh ở đây đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm trên 81% sức lao động, mọi sinh hoạt hàng ngày đều nhờ vào sự chăm sóc giúp đỡ của các cán bộ y, bác sĩ. Công tác chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn được Trung tâm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đáp ứng nhu cầu về đời sống, sinh hoạt của đối tượng; thường xuyên quan tâm đến chế độ, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng như ăn, ở, sinh hoạt, rèn luyện và phục hồi chức năng. 20 năm qua, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng cho trên 40.000 lượt người có công với cách mạng của 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Là người đã gắn bó gần 20 năm với Trung tâm, bà Lê Thị Xanh, thương binh 3/4 cho biết: "Ở Trung tâm, chúng tôi nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần. Qua nhiều thế hệ, giám đốc, cán bộ công nhân viên trung tâm luôn coi chúng tôi như người thân. Hàng ngày đều có người đến thăm khám, động viên, những đêm trái gió, trở trời bệnh tình tái phát, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, canh trực, chăm sóc tận tình."
Chị Trần Thị Viết Hường, cán bộ phục vụ dinh dưỡng đã hơn 20 năm gắn bó với công tác chăm sóc các thương, bệnh binh chia sẻ: Tùy theo mức độ bệnh tật của mỗi người mà chia bệnh nhân ở Trung tâm thành nhiều nhóm. Đặc biệt là chăm sóc hoàn toàn cho các bệnh nhân từ ăn uống tới sinh hoạt hàng ngày. Chăm sóc những người bình thường đã khó, chăm sóc những người có vấn đề về thần kinh còn khó khăn, vất vả hơn rất nhiều.Tuy vậy, bằng tấm lòng và tâm huyết, ai cũng nghĩ rằng các bác đã hy sinh cả cuộc đời nơi chiến trường, dành độc lập cho dân tộc nên đều cố gắng hết sức chăm sóc tốt cho các bác.
Qua từng năm, tuổi tác của các thương, bệnh binh ở đây ngày càng cao. Vì vậy, những bệnh nền về huyết áp, tim, gan, thận… cũng tăng theo. Trong những đợt bệnh nặng phải lên tuyến trên điều trị, Trung tâm đều cử cán bộ đi cùng chăm sóc cho đến khi các thương, bệnh binh, người có công có sức khỏe tốt nhất.
Những năm trở lại đây được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, đời sống của các thương bệnh binh không ngừng được cải thiện, được trang bị thêm các thiết bị y tế, thiết bị phục hồi chức năng. Tình trạng sức khỏe của các thương, bệnh binh, người có công cũng ổn định hơn trước.
Bác Nguyễn Thị Minh, vợ liệt sĩ xúc động nói: "Tôi đã ở đây gần nữa đời người. Lúc mới vào, Trung tâm rất khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và nhà nước nên cơ sở vật chất và điều kiện rất tốt. Các chế độ được hưởng đúng, đủ, đội ngũ y, bác sĩ ở đây nhiệt tình chăm sóc.
Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh Trần Viết Tới cho biết: Hơn 20 năm qua, việc chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng luôn được Trung tâm triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ đáp ứng nhu cầu về đời sống, sinh hoạt của đối tượng; thường xuyên quan tâm đến chế độ, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng cho đối tượng như ăn, ở, sinh hoạt, rèn luyện và phục hồi chức năng.
Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều trang thiết bị phục vụ cho trung tâm đã bị xuống cấp; đặc biệt thời gian dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều bác tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền khiến công tác điều trị, phục vụ tại trung tâm gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thời gian tới, mong các cấp lãnh đạo và các ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ tăng cường thêm cơ sở vật chất cho trung tâm, đặc biệt là các thiết bị phục hồi chức năng; quan tâm hơn nữa để đảm bảo hơn nữa công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho các đối tượng thương bệnh binh.
Chiến tranh đã đi qua nhưng giá trị của những đóng góp và cống hiến mãi trường tồn với thời gian. Tri ân với quá khứ, có trách nhiệm với hiện tại cũng chính là đạo lý của dân tộc được cán bộ Trung tâm Điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh hướng tới, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, góp phần thể hiện sự trân trọng của lớp người đi sau với thế hệ cha anh.