THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:07

Những tác động của TPP đến chính sách đầu tư của các doanh nghiệp

TPP sẽ giúp các DN Việt Nam tiếp cận rộng hơn với các thị trường lớn

Công cụ lớn nhất mà TPP sử dụng nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi miễn giảm thuế mà các nước cam kết sẽ dành cho nhau. Thông qua việc dỡ bỏ hoặc cắt giảm 18.000 hàng rào thuế quan, TPP sẽ giúp các DN Việt Nam tiếp cận rộng hơn với các thị trường lớn, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản. Từ đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu một số nhóm sản phẩm lớn mà DN Việt Nam có lợi thế so sánh như: dệt may, da giầy, thủy hải sản và nông lâm sản.

Ngành dệt may được đánh giá là ngành hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia vào TPP. Hiệp định được ký kết sẽ có thị trường rộng hơn và mức độ giảm thuế về 0% nhanh hơn. Đây là cơ hội lớn để ngành dệt may đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, năng lực tự sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu của các DN còn hạn chế, ngành xuất khẩu hàng may mặc và da giầy của DN Việt Nam hiện đang phụ thuộc rất nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc (nước không tham gia TPP). Vì thế, Việt Nam khó có thể đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP. Năm 2014, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành may mặc và da giầy của Việt Nam là 4,69 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc 32,9%; Hàn Quốc 16,97%; EU 5,8%.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm đang là vấn đề được các DN quan tâm, khi Việt Nam tham gia TPP sẽ tạo điều kiện để các DN mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Trong quan hệ thương mại với các nước TPP, Việt Nam ở vị thế xuất siêu khá lớn, xuất siêu tới 7/11 thị trường của TPP. Năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP đạt 58,41 tỷ USD (trong đó, có đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài), chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước này.

Điều quan trọng nhất là, thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0% sẽ tác động tích cực đến thu nhập của người dân, cải thiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, sử dụng lao động phổ thông nhiều như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất... Ngoài ra, xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa trở nên yếu.

Bên cạnh đó, các DN cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của DN phù hợp với các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các DN cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.

Báo cáo tác động của TPP do Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) công bố mới đây đánh giá rằng khi tham gia và TPP, đầu tư nước ngoài được dự đoán sẽ tăng khoảng 13 tỷ USD, mức tăng gần bằng thu hút FDI vào Nhật Bản, gấp đôi mức tăng FDI vào Australia, Malaysia…

Tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nước TPP vào Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD vốn đăng ký của những dự án còn hiệu lực, chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam. Mức tăng đầu tư sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho DN Việt Nam khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp. Gia nhập TPP sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác với các nước nhằm giúp DN hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. TPP quy định các hàng hóa Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu tự sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thành viên TPP. Điều này thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và mở rộng quy mô sản xuất của các DN Việt Nam.

Các DN Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các DN có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, DN và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Ngoài ra, Hiệp định TPP khác với những Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia ký kết, Hiệp định TPP đặc biệt quan tâm đến vấn đề Lao động và Công đoàn (điều này đã được đề cập rất chi tiết trong Chương 19 của Hiệp định), qua đó chú trọng đến việc cải thiện các chế độ, điều kiện làm việc cho người lao động dẫn đến gia tăng chi phí của các DN.

TPP là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các nước tham gia Hiệp định, kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước thành viên TPP; tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hàng hóa, quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Để hội nhập TPP, các DN cần phải nắm vững thông tin, yêu cầu từ hiệp định, từ đó phân tích những tác động đối với DN nhằm đưa ra giải pháp phát triển hợp lý. Các hiệp hội DN cần có các chương trình hỗ trợ cho khu vực DN vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập. DN cần tập trung vào những thị trường có ưu đãi thuế quan vì những thị trường đó chúng ta có lợi nhất, đồng thời là phải tìm được đối tác bạn hàng từ những thị trường đó hướng đến thị trường có ưu đãi thuế quan, tổ chức lại sản xuất kinh doanh vì điều kiện thâm nhập vào các thị trường bao giờ cũng kèm theo những điều kiện về xuất xứ và có những rào cản về thu nhập vượt qua được các rào cản. Vì vậy, quá trình tổ chức sản xuất phải được tổ chức lại để đáp ứng yêu cầu này.

Kỳ cuối: TPP và những tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

ThS. Lê Hoàng Trọng- Khoa QTKD, ĐH Bình Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh