Những người quản trang thầm lặng
- Người có công
- 22:43 - 28/07/2021
Những ngày tháng Bảy trời miền Trung nắng nóng như đổ lửa. Theo lịch hẹn trước với ông Hồ Thống, Trưởng BQL Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), chúng tôi có mặt tại Nhà điều hành nghĩa trang. Đảo mắt khắp căn nhà nhưng chẳng thấy bóng người, tôi cứ ngỡ đã lỡ hẹn. Bỗng điện thoại reo. Hoá ra, tất cả mọi người đều đang thực hiện công việc của mình ở phía bên trong các khu mộ và khu tượng đài chính.
Theo ông Hồ Thống, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền được xây dựng năm 1981, với diện tích khoảng 220.000 m2, hiện có 3.595 mộ liệt sĩ đang được an táng, trong đó có hơn 2/3 mộ chưa xác định danh tính. Xét về quy mô và số lượng mộ, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền hiện là nghĩa trang lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, hằng năm thường tổ chức, đón tiếp nhiều đoàn đến dâng hương, thăm viếng mộ liệt sĩ.
Cũng theo ông Thống, hiện có 4 nhân viên, lao động làm công tác quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ này, trong đó 2 người có hợp đồng lâu dài, 2 người hợp đồng có thời hạn.
"Công việc chính, thường xuyên của chúng tôi là quản lý, bảo vệ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh và các công trình khác trong nghĩa trang đảm bảo luôn sạch đẹp và trang nghiêm; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các tổ chức, cá nhân và nhân dân đến thăm viếng nghĩa trang… Liệt kê thì nghe đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy vất vả vô cùng. Đặc biệt, thời điểm mùa hè nắng nóng, chúng tôi thường phải tranh thủ đi sớm, về muộn để vừa hoàn thành công việc, đồng thời bảo đảm sức khoẻ của mỗi người. Ở miền Trung nói chung, Huế nói riêng, mùa hè nắng nóng cực độ, mùa mưa thì kéo dài lê thê. Tất cả đều ảnh hưởng không nhỏ đến công việc vốn thường xuyên ở ngoài trời như chúng tôi", ông Thống chia sẻ.
Dù công việc vất vả, tiền lương hàng tháng còn thấp, nhưng khi nói chuyện với các nhân viên, lao động làm công tác quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền, chúng tôi nhận thấy ở họ thực sự yêu nghề, muốn gắn bó lâu dài với công việc. Như trường hợp của ông Hồ Văn Hùng và vợ, cả 2 cùng vào làm việc tại nghĩa trang từ năm 2014 đến nay, với tiền công cộng lại hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng họ chưa nghĩ đến chuyện thôi việc. Hay như trường hợp ông Nguyễn Đoàn, lao động theo diện hợp đồng thời hạn với tiền công khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài đạp xe đến nghĩa trang, hoàn thành công việc được phân công.
Nở nụ cười hồn hậu, mắt ánh lên niềm tự hào về quá trình gần 30 năm làm nghề thầm lặng của mình, ông Nguyễn Hữu Minh (51 tuổi), nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế cho biết, ông đã vào làm việc tại đây từ năm 1992, thời điểm nghĩa trang vừa được thành lập, khi đó ông mới tuổi đôi mươi. "Tôi cũng không biết cơ duyên nào đã đưa mình đến với công việc này, nhưng nó đã gắn bó với tôi trong suốt gần 30 năm qua. Những ngày đầu, công việc phải nói là vô cùng vất vả. Khi đó, nghĩa trang mới được thành lập, mọi thứ còn đơn sơ, điện, nước chưa có, thậm chí cả khu vực xung quanh chỉ có vài hộ dân sinh sống. Mỗi khi hạn hán kéo dài, chúng tôi phải đem can nhựa đi gần 10 cây số để chở nước về ăn uống, mà đường đi đâu phải đã được mở rộng, thảm nhựa như hiện nay", ông Minh kể.
Một trong những việc làm ông Minh nhớ nhất là vào năm 1995. Khi đó, số lượng hài cốt liệt sĩ được quy tập, cất bốc từ Lào đem về vượt hơn so với số lượng vỏ hộp mộ đã được chuẩn bị sẵn. Trước 5 ngày, các hài cốt được đưa về để an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế, ông Minh cùng nhân viên quản trang còn lại (đã chuyển công tác và nghỉ hưu) được giao nhiệm vụ đào thêm các huyệt mộ. "Vùng này toàn sỏi đá. 2 anh em chúng tôi phải ra sức đào liên tục hơn 2 ngày mới xong. Dù vất vả, nhưng khi nhìn thấy các anh được yên nghỉ trong lòng đất mẹ, chúng tôi lại thấy xúc động và tự hào vô cùng", ông Minh chia sẻ.
Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế hiện là một trong những nghĩa trang lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, được Sở LĐ-TB&XH tỉnh giao TP.Huế quản lý từ năm 2008. Công trình được thành lập năm 1992 dưới chân núi Thiên Thai thuộc phường An Tây, TP.Huế. Hiện có gần 2.100 phần mộ liệt sĩ đang được an táng tại đây, bao gồm cả các hài cốt liệt sĩ được cất bốc, quy tập từ nước bạn Lào về hàng năm. Để phục vụ công tác quản trang, TP.Huế hợp đồng bố trí 2 nhân viên làm việc 24/24h và một tổ nhân viên thuộc Trung tâm Công viên cây xanh Huế làm vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, vườn hoa hàng ngày.
Ông Ngô Sinh, nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Huế cho biết, trước đây mọi việc từ tổ chức tiếp đón thân nhân liệt sĩ, các đơn vị, tổ chức, cá nhân đến thăm viếng cho đến chăm sóc cây xanh, vệ sinh môi trường, bảo vệ đều do 2 nhân viên quản trang thực hiện. Từ năm 2010 đến nay, TP.Huế mới giao phần việc chăm sóc cây, vệ sinh môi trường cho Trung tâm Công viên cây xanh. "Bây giờ có thể phần việc đã đỡ hơn trước nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải có mặt tại đây 24/24h. Hai anh em đều là con thương binh, gia đình có công với cách mạng nên chúng tôi xác định công việc tại đây cũng như việc của gia đình mình, phải hết sức tận tâm phục vụ", ông Sinh nói.
Theo ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 63 nghĩa trang liệt sĩ với hơn tổng số 18.000 mộ liệt sĩ. Ngoài ra còn có 80 công trình ghi công liệt sĩ là đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ. Hàng năm, từ nguồn kinh phí Trung ương và kinh phí địa phương, các công trình nghĩa trang liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa, tu bổ.
Cũng theo ông Dần, phần lớn nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện đều hợp đồng dài hạn 1 đến 2 người làm công tác quản trang hoặc hợp đồng với Trung tâm Công viên cây xanh Huế, Công an huyện cử cán bộ để chăm sóc, quản lý. Phần lớn các lao động có hợp đồng dài hạn tham gia BHXH. Đối với nghĩa trang liệt sĩ các xã, phường, thị trấn có nhiều hình thức hợp đồng, phân công quản lý khác nhau, nhưng phần lớn là cán bộ chính sách xã, phường kiêm nhiệm. Một số xã, phường hợp đồng quản trang ngắn hạn, hàng năm hoặc dài hạn. Cũng có trường hợp tự nguyện làm công tác quản trang không có lương.
"Nhìn chung, các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh được xây dựng bảo đảm mỹ quan, bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương. Đa số nghĩa trang được xây dựng trên những khu đất rộng rãi, thoáng mát và thiết kế trang nghiêm, có cây bóng mát, có tường rào, có quản trang trông coi. Công tác quản lý mộ, nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ tại Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện đều phân công 1 đồng chí lãnh đạo Phòng hoặc chuyên viên phụ trách với nhiệm vụ tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện Quy chế quản lý, sử dụng các công trình ghi công liệt sĩ", ông Dần cho biết.