CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:22

Những nghiệt ngã ở bãi vàng

Luật bất thành văn

Dù đã bị các lực lượng chức năng liên tục truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng trộm ở Sơn Hòa (Phú Yên) và Phú Ninh, Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn liên tục diễn ra rầm rộ dưới mọi hình thức. Điều này không còn mấy ai xa lạ, bởi có vấn nạn ấy là do những quy luật riêng đầy nghiệt ngã tại các “thánh địa” vàng này.

Được sự giới thiệu của một người bạn, trong vai người đi xin làm phu vàng, chúng tôi được Nguyễn Triển (một ông chủ bãi vàng ở Sơn Hòa) bật mí: Tất cả các phu vàng khi thấy khách lạ đều phải giả ngơ ngác như đang đi tìm một loại cây rừng hay thuốc quý nào đó.

Các phu vàng làm việc trong điều kiện, môi trường hết sức nguy hiểm (ảnh MH).

Trước kia chưa căng thẳng thì mỗi lần xuống thị trấn đi hiên ngang. Nhưng những ngày đầu năm 2014 này, các phu vàng về thị trấn hay khu dân cư cũng phải đóng giả là người dân tộc bản địa. Nếu ai vi phạm nguyên tắc này có thể sẽ bị các chủ bãi vàng xử nặng. Có người bị chặt một ngón tay vì tùy tiện “phun” tin làm lộ bí mật của các chủ bãi vàng.

Bên cạnh đó tại thánh địa vàng, ở những bãi đất, khoảnh rừng có vàng, các chủ bãi ngấm ngầm chia nhau bằng cách cắm mốc. Cuối năm 2013, một cuộc hỗn chiến kinh hoàng giữa hai bãi vàng đã diễn ra ở Sơn Hòa do lấn chiếm lãnh địa của nhau. Cuộc tranh giành đẫm máu đó đến giờ vẫn còn là ám ảnh với nhiều phu vàng.   

Ở các “thánh địa” vàng còn có một quy tắc săn mạch vàng khá lạ lẫm nhưng bất kì ai trong đội phu vàng tiết lộ công nghệ này ra bên ngoài thì sẽ bị chặt một ngón chân. Vàng có thể tồn tại kiểu lộ thiên, lẫn trong đất đồi, cát. Họ săn mạch vàng bằng cách ngụy trang dạng hầm nhỏ, bên trên trải một lớp lá, rồi các phu vàng âm thầm đào xuống như một cái giếng.

Mỗi khi xuống độ sâu thêm một nấc, người ở trên buộc cây tre thả xuống, chốc chốc lại khua cây tre khắp lòng giếng đánh tan khí độc ngưng tụ, tạo không khí cho phu vàng hít thở. Bí quyết tìm này có thể gọi là tìm vàng theo “nẹp đứng”, có tí nào là “vét” tí đấy. Để có thể thuận tiện trong việc tháo chạy, dân ở các bãi vàng còn có kiểu đánh hầm “xương cá”. Cách “đánh vàng” này cực kỳ nguy hiểm. Hình dung ở độ sâu hàng chục mét trong lòng đất, lại làm các "ngách" ra mọi phía như xương cá, sơ sảy, hầm sập thì coi như cầm chắc cái chết.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch ở các bãi vàng là “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bất kể một phu vàng nào muốn ra khỏi bãi cũng phải có sự giám sát chặt chẽ và được sự cho phép của các chủ bãi mới được ra, nếu không sẽ bị đánh gẫy chân, thậm chí bị giết chết. 

Núp bóng bảo vệ, để đào trộm vàng

“Giấc mơ vàng” đã làm đảo điên, mờ mắt nhiều ông chủ các Cty ở Phú Yên khiến họ bấp chấp pháp luật, phá rừng đào vàng chẳng khác nào các thành phần “bất hảo”. Trước nhiều nguồn tin và chứng cứ xác thực, UBND huyện Sơn Hòa đang tiến hành làm rõ và xử lý việc Cty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Vạn Hạnh ngang nhiên tổ chức khai thác vàng trái phép.

Theo như tư liệu UBND huyện Sơn Hòa cung cấp; Cty Vạn Hạnh được giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường, có chức năng phát hiện các đối tượng khai thác vàng trái phép để bảo vệ bãi vàng cho huyện. Tuy nhiên, Cty này đã đi ngược lại nhiệm vụ của mình luôn xưng danh là bảo vệ bãi vàng nhưng lại ngấm ngầm liên kết với các đầu nậu để khai thác vàng trái phép.

Bên cạnh đó, Cty còn phá rừng mở đường, kéo điện để khai thác trộm hiệu quả hơn. Theo ước lượng của những người dân thì chỉ trong một thời gian ngắn, Cty Vạn Hạnh đã đào ủi, phá gần 10ha rừng, mua 2 sà lan, lắp đặt bể sắt rộng chừng 5 m để đãi vàng.

Hiện trường bãi vàng còn sót lại

 Trước sự lộng hành của “vàng tặc, mới đây Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an tỉnh Phú Yên đã tiến hành truy quét một số điểm nóng ở huyện Sông Hinh. Tại các bãi vàng này, công an đã tịch thu được nhiều dụng cụ và máy móc khai thác. Nhưng điều đáng tiếc nhất là chẳng bắt được “vàng tặc” nào cả!.

 Tiếp tục tiến hành truy quét các điểm nóng ở huyện Sơn Hòa, cơ quan chức năng cũng thu được; một chiếc sà lan, 60 chiếc gàu sắt múc cát, 1 mô tơ phát điện có công suất 50kW, 3 máy nổ D4, 1 máy ô tô tải IFA-W50, cùng một số phu vàng và chủ lái sà lan bị đưa về xử lý. Tuy nhiên các ông chủ bãi vàng vẫn lọt lưới một cách tài tình.

Cuộc chiến này chưa biết khi nào mới có thể kết thúc trong khi rừng vẫn cứ từng ngày bị phá. Ông Bá Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) lo lắng: “Lực lượng cấp xã thì mỏng quá, lại không được trang bị các công cụ hiện đại nên “vàng tặc” không sợ, phần lớn chúng đều là những tay máu mặt. Trên địa bàn xã Sông Hinh có nhiều bãi vàng sa khoáng lộ thiên như suối Pháp, suối Giếng, suối Tre,  suối Ma Đói... nên tình hình địa phương rất phức tạp, nhiều kẻ xấu hay trà trộn vào nhà dân. Để dẹp yên tình trạng này cần sự phối kết hợp giữa nhiều cơ quan chức năng một cách quyết liệt”. Cuộc đào thoát và những phận đời “vàng mắt”

Làm phu vàng để mong có vàng, nhưng những phu vàng ở Sơn Hòa, Phú Ninh, Phước Sơn lại đang chết dần chết mòn trong đói khát và khổ cực. Nhiều cuộc đào thoát trở về trong tay trắng. Giữa tháng 4/2014, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam, cho biết: Đơn vị đã tiếp nhận em Phạm Văn Hảo (17 tuổi) và Phạm Văn Cường (19 tuổi), đều người dân tộc Mường, quê ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), bỏ trốn khỏi vãi vàng vì bị đầy ải, khổ cực và đánh đập dã man.

Các phu vàng này cho biết: Trong các bãi vàng ở Phước Sơn có có mấy chục lao động đang lâm cảnh như thế. Các chủ bãi vàng hứa trả công mỗi tháng 4-6 triệu đồng nhưng bắt lao động quần quật suốt ngày đêm. Chỉ khi nào kết thúc đợt khai thác mới trả lương. Ai về trước sẽ không được trả còn bị bắt quay về cho lao động gấp đôi. 

Phu vàng làm trong điều kiện rủi ro vầ an toàn lao động rất cao

Ở bãi vàng Sơn Hòa, nhiều phu vàng cũng cho biết: “Ở đây sợ nhất là đoàn kiểm tra đến bắt hay chủ bãi đến quấy rối. Vì chủ bãi nói kiểm tra bắt thì phu đãi thuê cũng có tội. Năm 2012, ông chủ bãi vàng về tuyển các lao động vào bãi vàng. Tiền công, lương thưởng không đủ ăn. Các phu vàng nữ thì bị ông chủ dụ dỗ, dọa nạt bắt cặp bồ chán rồi họ lại thôi.

Nguyễn Thị Lan, một phu vàng lâm cảnh như thế rưng rưng: “Cuộc đời vào đây coi như tăm tối. Tôi sinh hai đứa con. Một đứa sinh ở bãi Hòn O, sau khi sinh người đàn ông đó chết vì ma túy, tôi dặt dẹo sống ghá ghép vào một phu nam khác và sinh ra đứa thứ hai rồi người đàn ông thứ hai cũng chết vì ma túy. Ở các bãi vàng này chết vì ma túy như cơm bữa”.

Giống như những thân phận khác. Trần Văn Toàn, Nguyễn Huy Hiếu ở xã Phước Năng (huyện Phước Sơn) cũng đang lâm cảnh bần cùng. Trần Văn Toàn tâm sự: “Mọi lời hứa của các chủ bãi vàng đều là hứa hão hết. Quy luật ngầm ở đó thì kinh lắm, có khi không được trả lương mà vẫn phải cay đắng trốn về. Ngày tôi đi lành lặn với 1 triệu đồng trong túi mà khi trốn về bị đứt mất một ngón tay do phạm luật ngầm, trong túi thì không còn một cắc bạc nào.

Hết đời này cũng không bao giờ nghĩ đến giấc mơ đổi đời khi vào các bãi vàng trái phép nữa”. Nguyễn Huy Hiếu cũng chẳng sáng sủa gì hơn. cho biết: “Lúc đó háo hức bao nhiêu thì lúc về thê thảm bấy nhiêu. Rất nhiều người bạn của tôi vì muốn chống trọi lại những cơn đói rét và sốt cao giữa rừng già nên đã tìm đến thuốc phiện. Đó cũng là nguyên nhân vì sao các phu vàng nghiện ngập nhiều thế đấy. Nghiện xong thì có bao nhiều tiền cũng đổ hết vào đó xong rồi còn đi vay mượn các chủ bãi nữa”.

ĐÔNG HƯNG - TẤN TRỰC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh