CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:32

Những mùa dưa "đắng"

Đến Tây Sơn, (Bình Định) cách đây mấy tháng sẽ được chứng kiến cuộc di dân lớn. Từ mảnh đất quê hương Quang Trung -Nguyễn Huệ những người dân tỏa đi khắp nẻo. Đích đến của họ miễn  nào có đất trồng được dưa. Hành lý của những người nông dân này là nắm hạt giống. Tôi hình dung đôi chân của họ đi đến đâu thì đất ở đó sinh sôi nảy nở, những hạt mầm trong túi của họ sẽ làm thửa đất cằn bung ra quả ngọt… Họ là những người trồng dưa.

Trên một chuyến công tác ở EHLeo ( Đăk Lák), cái nắng ban trưa trên những đường đất đỏ tạo cho người ta cảm giác mệt mỏi, trước mắt tôi là một khoảng đất chừng 2ha chen  giữa một con suối và khe đá, tôi nhớ chỉ 1 năm trước chuyến đi này, ở đây là những cây lau lách, cây sậy... mọc chổng chơ, còn bây giờ là một vườn dưa xanh ngắt, những trái dưa lổm ngổm tròn trĩnh...

Người nông dân thương khó và cánh đồng dưa

Ghé thăm lán của người trồng dưa, chào hỏi mấy câu tôi biết anh là người Bình Định, bởi cái giọng của anh thì đi khắp nơi tôi cũng không lạc. anh tên là Trần Xuân Bá, nhà ở xã Tây Giang, (huyện Tây Sơn), đến đất này được hơn một tháng, nhấp một ngụm nước rồi nghe anh kể về những chuyến mưu sinh: "Mỗi năm ba vụ, chưa hết vụ này đã bồn chồn lo vụ khác. Nhà cửa, con cái cũng chẳng có thời gian mà quan tâm chăm sóc. Tết nhất tôi cũng ở lại đây để trông dưa, bà xã thì cả tuần ghé thăm nhà 1 được lúc, nghĩ mà thấy tội hai đứa nhỏ ở nhà. Đó là nỗi khổ về tinh thần, còn việc trồng cái thứ cây này cũng thật lắm khó khăn, anh nhà báo ạ”. Theo như anh Bá trồng dưa có rất nhiều công đoạn như: giăng dòng, rải vôi, bón phân, kéo bạt, chạy nước. Sau đó chuyển sang gieo hạt. Khi dưa được khoảng 20 ngày, phải bắt nhánh và chăm sóc đến khi thu hoạch. Đưa điếu thuốc lên miệng rít một hơi thật mạnh, nhả làn khói khắp cái chòi bạt nhỏ xíu, anh Bá nói tiếp: "Có khi gần thu hoạch rồi thì trộm nó đến phá dưa, mấy người phải thay nhau trông. Trong số anh em tôi không ít người đi viện vì coi dưa".

Lại thêm một mùa dưa đắng.

Vất vả, cay đắng của những tháng ngày rong ruổi chưa hết, thì ngày thu hoạch lại bộn bề những loa toan. Anh Bá cho biết: “ Chẳng mấy khi những quả da xanh ruột đỏ này mang lại niềm vui đâu, hầu hết là những mùa đắng, nhưng cái nghiệp trồng dưa thì cứ phải đi, ở quê tôi cũng lắm người phá sản rồi”

Hôm nay tại Lạng Sơn trong cái nắng của ngày chuyển mùa, và thời gian cũng đã vừa đầy 3 tháng, đây chính là lúc thu hoạch dưa. Trong một quán nước nhỏ tôi gặp anh Nguyễn Hào, tài xế xe tải từ Bình Định ra. Thoạt nhìn tôi cũng biết nhiều đêm rồi anh chưa được ngủ, anh nói; “ Nằm đây đã 3 ngày rồi mà chưa được thông quan, phía trước là mấy trăm xe, chắc chuyến này mất công rồi”.Theo quan sát của chúng tôi phía trước xe anh Hào còn chừng 600 xe nữa, phía sau thì còn quá dài, mùi hôi thối, chua nồng đang bốc ra từ một vài xe ở đây, có thể dưa đã hỏng.

                                                                                          Đoàn xe chở dưa chờ làm thủ tục ở cửa khẩu

Đến đây tôi nghĩ về anh Bá và những người như anh Bá, bao ngày tháng vất vả cùng dưa, bao công lao để cõng những trái ngọt từ Bình Định ra đây, bây giờ những người nông dân thương khó như anh Bá nhận được trái đắng, trái đắng thật rồi.

Lam Phương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh