Những liệt sĩ xa quê - Nhưng không bao giờ đơn độc
- Người có công
- 13:54 - 29/07/2019
Đoàn tỉnh Thanh Hoá dâng hoa tại Nghĩa trang Tân Biên – Tây Ninh
Dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính
Trong những ngày tháng 7 này, Đảng, Nhà nước và người dân cả nước cùng tỏ lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ trên khắp cả nước. Bằng với những việc làm thiết thực nhằm tưởng nhớ công lao của những người con ưu tú đã hy sinh, cống hiến vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, chủ nghĩa xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân và phồn vinh của Tổ quốc.Đây không chỉ là tỏ lòng tri ân và còn là thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng liệt sĩ.
Tháng 7 về, Đảng bộ, chính quyền và người dân tỉnh Thanh Hoá đã tỏ lòng thành kính tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước bằng các hành động thiết thực. Ngoài việc tổ chức các đoàn đến thăm gia đình than nhân liệt sỹ, các gia đình thương bệnh binh, tỉnh Thanh Hoá còn tổ chức các đoàn đến thăm viếng, dâng hoa tại các nghĩa trang trên cả nước có người con Thanh Hoá đã hy sinh anh dũng.
Chúng tôi về Tây Ninh vào những ngày giữa tháng 7, nắng vùng biên xanh ngắt một màu. Tây Ninh không chỉ nổi tiếng là vùng đất du lịch, mà còn là thủ đô kháng chiến, nơi đóng Trung ương Cục miền Nam trong những năm chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, là vùng đất có truyền thống cách mạng. Chúng tôi đến thăm và dâng hương viếng các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nơi yên nghỉ của hàng nghìn các anh hùng liệt sĩ trên khắp cả đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ chủ quyền biên giới đất nước.
Được biết, hiện nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 1.761 mộ liệt sĩ là con em người Thanh Hóa hiện đang yên nghỉ, trong đó Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Thành có 354 mộ liệt sĩ, Nghĩa trang liệt sỹ huyện Tân Biên 724 mộ liệt sĩ, Nghĩa trang Gò Dầu 778 mộ liệt sĩ. Các liệt sĩ chủ yếu là quân đội tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mỗi liệt sĩ người Thanh Hoá nằm tại nơi đây đều có những hoàn cảnh hy sinh khác nhau. Mặc dù không nằm trên mảnh đất quê hương, nhưng các anh thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Mỗi ngày lễ, tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đều đến dâng hoa, dâng hương, quyét dọn, lau chùi sạch sẽ từng ngôi mộ của các anh. Sự ấm áp mà chúng tôi cảm nhận được tại các nghĩa trang liệt sĩ đó là sự chăm sóc chu đáo tại các ngôi mộ, tỏ lòng thành kính của quản trang, người dân và các em học sinh, đồng thời cũng đã dâng những đoá hoa tươi thắm lên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ.
Các cựu chiến binh thăm đồng đội tại nghĩa trang Tân Biên – Tây Ninh
Tại nghĩa trang huyện Châu Thành, Tây Ninh chúng tôi đến dâng hương tại mộ liệt sĩ Hoàng Lê Kha. Được biết liệt sĩ Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh ngày 17 tháng 02 năm 1917, tại làng Trang Các, tổng Ngọ Xá (nay thuộc xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).Năm 1931, ông ra Hà Nội học và bắt đầu tham gia cách mạng. Đến năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kỳ.Trong quá trình tham gia cách mạng, ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định (1945 – 1946); Tỉnh đội trưởng Dân quân, Trưởng Ty Thông tin Gia Định (1947 – 1948); Tỉnh ủy viên kiêm Trưởng Ty Kinh tế canh nông tỉnh Gia Định (1949 – 1950); Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Gia Định Ninh (1951 – 1952); Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu (1952 – 1954); Tỉnh ủy viên, phụ trách quân sự tỉnh, đồng thời phụ trách huyện Châu Thành và Thị xã thuộc Đảng bộ Tây Ninh (1955 – 1959).Tháng 8 năm 1959, ông bị địch bắt. Rạng sáng ngày 12 tháng 3 năm 1960 (tức ngày 15 tháng 02 năm Canh Tí), ông bị địch bí mật hành hình bằng máy chém theo luật 10/59 tại ấp Tam Hạp, Trảng Lớn (nay là ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).Năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh đã quyết định lấy tên ông đặt cho một ngôi trường và một xưởng in trong vùng giải phóng. Sau năm 1975, để vinh danh ông, Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng cho ông Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Mãi mãi ghi nhớ công ơn các anh hùng
Tại các nghĩa trang liệt sĩ, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Thanh Hoá và các thành viên trong đoàn đã đặt vòng hoa, dâng hương, dành phút mặc niệm và thắp lên từng phần mộ liệt sỹ những nén tâm hương tỏ lòng thành kính vô hạn tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi thanh xuân hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh cho biết: “Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc muôn đời của nhân dân. Trước anh linh các liệt sĩ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa nguyện đoàn kết một lòng, không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang, tập trung trí tuệ và nguồn lực, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.
Tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP Cần Thơ có 778 mộ liệt sỹ. Trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ có 306 mộ liệt sĩ; Nghĩa trang liệt sĩ Ô Môn có 369 mộ liệt sĩ; Nghĩa trang liệt sĩ Thốt Nốt có 101 mộ liệt sĩ. Đến nghĩa trang Ô Môn, chúng tôi bắt gặp những giọt nước mắt xúc động của thân nhân liệt sĩ Ngô Văn Vị quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá hy sinh năm 1980. Suốt gần bốn mươi năm đi tìm mộ khắp trên mọi miền đất nước, gia đình liệt sĩ Ngô Văn Vị khi tìm thấy đúng phần mộ của con em mình đã không nén được những giọt nước mắt trào dâng vì xúc động, ông Ngô Văn Tuấn - chú của liệt sĩ Ngô Văn Vị nghẹn ngào nói: “Đúng cháu tôi đây rồi, bố nó và gia đình uỷ quyền cho tôi cùng em gái nó đã đi tìm kiếm mộ suốt bao nhiêu năm, thắp hương cho bao nhiêu đồng đội của cháu cầu xin chỉ lối dẫn đường tìm được phần mộ của cháu, gần 40 năm tròn, gia đình chúng tôi đã thay phiên nhau đi tìm trên tất cả các nghĩa trang Tây Nam bộ. Hôm nay lần đầu tiên chúng tôi đến nghĩa trang Ô Môn cũng không dám hy vọng sẽ tìm được đúng mộ phần của cháu. Bởi vì mỗi lần có tin cháu đang nằm ở nghĩa trang nào là chúng tôi lên đường đi tìm, nhưng khi đến nơi lại không phải mộ phần con cháu mình, chỉ là trùng tên, hoặc trùng quê. Sau mỗi lần như thế là gia đình lại thêm một lần thất vọng, rồi lại hy vọng. Cứ như thế suốt bao nhiêu năm nay. Hôm nay, gia đình chúng tôi đã tìm được phần mộ của cháu, hiện nay chúng tôi đang xin làm thủ tục để xin đưa hài cốt của liệt sĩ Ngô Văn Vị về quê hương Triệu Sơn, được gần với gia đình, với tổ tiên”.
Được biết, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công với nước. Nhiều chủ trương, quan điểm ưu đãi đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, luật pháp, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng… Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chính sách ưu đãi người có công không ngừng được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội. Hằng năm, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng, tu bổ tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; xác định hài cốt liệt sĩ, thông báo phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang và giúp đỡ người thân của liệt sĩ đến thăm viếng và thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công.
Chia tay các anh, chúng tôi trở về quê hương Thanh Hoá, nơi mảnh đất đã sinh ra những người con ưu tú của đất nước. Các anh ở lại nằm dưới sự bao bọc của đất mẹ, cùng sự ấm áp yêu thương chăm sóc chu đáo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Chúng tôi, những thế hệ sau sẽ luôn nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của đất nước, đời đời nhớ ơn sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chúng tôi, những thế hệ sau nguyện sẽ sống xứng đáng với những chiến công vĩ đại và sự hy sinh to lớn của các anh. Phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.