CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:29

“Phu chữ” cao nguyên

1. Lữ hành miền nắng gió

Kể từ ngày về ở Nha Trang, lâu lâu tôi mới gặp Uông Thái Biểu. Hơn 20 năm cầm bút cần mẫn viết về vùng đất Tây Nguyên, sau nhiều năm công tác ở báo Lâm Đồng, anh chuyển sang báo Nhân Dân cho đến bây giờ. Độ 10 năm trước, khi còn là sinh viên tôi đã mê đắm và háo hức đón đọc những tác phẩm của anh. Từ thơ, cho đến khảo cứu, phóng sự, tản văn, tùy bút... tất cả cho thấy anh là người đa năng.

Đặc biệt là cuốn “Mùa lữ hành” mới xuất bản của anh, viết về cuộc sống và những chuyến đi lặn lội đến từng thôn, bản, từng cánh rừng đại ngàn, về những người dân tộc mà anh có dịp gặp, rất cuốn hút bạn đọc. Và kịch bản phim hơn 30 tập “Tình người xứ hoa” đang chiếu trên Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tháng 5/2014 cũng là cách Uông Thái Biểu bộc bạch một khát vọng níu giữ những nét đẹp của xứ Nam Tây Nguyên.

 Bìa cuốn sách “Mùa lữ hành” của Uông Thái Biểu

Sở hữu vóc dáng vạm vỡ, giọng nói hào sảng của người xứ Nghệ nhưng với những người từng quen biết, luôn thấy Uông Thái Biểu lúc nào cũng thâm trầm như đang chiêm nghiệm, nghiền ngẫm về một đề tài nào đó. Với tôi, những bài viết của anh luôn đi đến tận cùng vấn đề, dù là nhỏ nhất. Đã gặt hái được hàng chục giải thưởng trung ương và địa phương về lĩnh vực báo chí nhưng rất ít khi anh nói về nó. Để kể ra được những nơi mình từng đến và viết, với Uông Thái Biểu có lẽ đếm không xuể. Anh còn là người nặng tình với những bạn đọc, bạn viết. Tôi nhớ mãi, một chiều Đà Lạt mưa rả rích anh gọi tôi đến bảo viết bài cho anh lấy tiền mà nuôi chí học hành làm báo. Ngỡ ngàng và cảm động khi những đồng nhuận bút đầu tiên anh tận tay mang đến cho tôi.

Công việc bận đến mấy nhưng khi nhận điện thoại của lớp đàn em hay học trò hỏi về nghề nghiệp anh đều dành  thời gian tiếp chuyện. Làm nên sự hấp dẫn trong các thể loại tác phẩm của Uông Thái Biểu là những lập luận đầy tính chiêm nghiệm, chứa ẩn một hàm lượng tri thức cao.Trong tùy bút “Mùa lữ hành” của anh, có đoạn: “Đã bao nhiêu lần rong ruổi trên những nẻo đường gần xa của vùng đất hoang dã và bí ẩn này, tôi đã gặp họ. Người Bana, người Jarai vấn khố lội qua đầu nguồn sông Ba hùng vĩ. Người Êđê, người Mơnông ngập thân trong dòng K’Rông Ana, K’Rông Anô nghĩa tình rồi xuôi về thảo nguyên Madrăk.

Người Châu Mạ, người Kơho ngược dòng Đạ Dâng và thung thăng giữa cao nguyên Lang Bian, DJiring bát ngát dã quỳ vàng. Người Churu theo những lối mòn xuyên giữa rừng già tìm hướng về phía biển. Có những đoàn người đi. Những người đàn bà lưng khoác gùi, mặt chúi về phía trước. Những người đàn ông đóng khố, vai trần, tay cầm xà gạt. Họ đi trong lặng thinh. Trong đầu họ là những tâm sự ẩn chìm và cũng có thể là những giấc mơ phóng túng...”.

Ngay cả khi mệt mỏi với những bước đi, những xô bồ cuộc sống là lúc anh nhớ về quê cũ bên dòng sông Lam. Và, những chiêm nghiệm về dòng sông quê hương, anh bảo: “Sông Lam trong tôi cũng là hình ảnh của người đàn bà sinh nở sau những quằn quại để vượt cạn. Ở phía thượng nguồn, sông vật vã bấu víu cỏ cây, bấu víu vào những vách đá, bấu víu vào lòng bùn đất của mình. Nước từ nguồn đổ về, từ màu đỏ của đất, màu nâu của đá trở thành màu xanh hiền hòa khi càng gần với biển”...

2. Tình người thắm mãi

Võ Khắc Dũng đã ngoài 50 tuổi và được xem là một trong những nhà báo có khối lượng tác phẩm viết nhiều nhất về Tây Nguyên. Một phần tư thế kỷ miệt mài với con chữ, mang trong mình bệnh tật liên miên, nhưng anh vẫn không ngưng nghỉ. Võ Khắc Dũng là người hòa đồng và nhiệt tình với bạn bè, đồng nghiệp, ghét những thị phi, giả dối. Có lần anh tâm sự với tôi: “Làm báo cũng có nhiều cái sợ, sợ nhưng vẫn phải cười vui, ư hử một vài điều với những thứ đãi bôi ẩn trong đó nhiều cạm bẫy”.

 Nhà báo Võ Khắc Dũng

Hầu như ai từ xa đến tìm hiểu thông tin về Tây Nguyên cũng tìm đến anh để hỏi han. Sức yếu là thế nhưng đùng một cái,  năm 2012 Võ Khắc Dũng cho xuất bản liền một lúc 5 tập sách với đủ thể loại:  Ký, truyện, nhạc... Viết nhiều nhưng không nhạt đó là điều khiến tôi khâm phục ở anh. Sau hàng trăm phóng sự-ghi chép,  tập sách “Đại ngàn độ lượng” của anh như một sự khắc ghi, xác lập và khẳng định sự bao dung của đại ngàn, của những vùng đất, con người Tây Nguyên.

Con người có vùng vẫy đến mấy cũng cảm thấy nhỏ bé trong cái sự bao bọc đó. Bởi,  ở vùng đất này, đang hiện diện sự quần tụ của các cộng đồng, các quần thể văn hóa, các giá trị cần lưu giữ... và đó là những thông điệp Võ Khắc Dũng muốn gửi gắm đến người đọc.

Từng có lúc làm chức nọ, chức kia ở tòa soạn báo Lâm Đồng nhưng niềm đam mê với nghề viết vẫn là thứ duy nhất khiến anh có thể lao đi bất kể lúc nào. Võ Khắc Dũng luôn khát vọng truyền nghề cho các thế hệ sau. Thời gian rảnh rỗi anh lại đi thỉnh giảng ở Đại học Đà Lạt. Ngày rời xứ ngàn hoa, tôi nói với anh: “Thầy khiến em nhớ, như nhớ... một người tình”. Nhiều vui buồn, cô độc tôi đều gửi tin nhắn cho anh, dù là nửa đêm, dù cả khi  anh đang bận giảng dạy. Bao giờ cũng thế, nhận được tin, anh trả lời ngay! Có lẽ không riêng gì tôi, với nhiều người khác, Võ Khắc Dũng cũng chọn cách hành xử ấy.Chữ phản ánh người đúng với con người của Võ Khắc Dũng. Những đau đáu, những khắc khoải trên trang viết cũng chính là những thực tại cuộc sống của anh.

Năm 2012, tập phóng sự “Khắc khoải tiếng còi tàu” tập hợp hơn 40 phóng sự của anh đã đăng tải trên các báo đã lột tả được phần nào những nỗi đau thắt, những mất mát, những giá trị thực và quý của vùng đất Tây Nguyên. Nhiều lần tâm sự với nhau, anh thổ lộ với tôi rằng: Dù tác phẩm báo chí chỉ là phản ánh thôi, nhưng khi đã viết về những vùng đất, những con người cụ thể cũng cần có tính nhân văn, có sự nhìn nhận ở góc độ con người nhất. Ai cũng có thể lầm lỗi, lạc lối.

Cái cần ở báo chí là khơi dậy tính thiện trong họ chứ không phải xô thêm để họ ngã luôn. Nếu không thật sự khắc khoải với cuộc sống này thì cũng không thể nào có những tác phẩm hay được- Võ Khắc Dũng nói và luôn làm như vậy. 

Văn Đạo

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh