THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Những kỷ lục làng báo thế giới

 

 

Tuy nhiên, đối với báo chí chính thức, một ấn phẩm của tờ báo khổ nhỏ xuất bản năm 1470 ở Cologne của Thụy Điển hiện vẫn lưu giữ được. Còn báo có tuổi thọ cao nhất là tờ Post och Inrikes Tidningar của Thụy Điển, do Viện Văn học Hoàng gia xuất bản  suốt từ năm 1645 đến nay. Tờ dạng chuyên đề lâu đời nhất là Haarlems Dagblad/Oprechte Haarlemsche xuất bản tại Haarlem (Hà Lan), hiện vẫn phát triển mạnh, chuyên về lĩnh vực thương mại - ấn phẩm đầu tiên của tờ này mang tên Weeklycke Courante Van  Europa, ra ngày 8/1/1656.

Khổ báo lớn nhất, nhỏ nhất

Từ ngày 16/8 đến 16/9/2001, tạp chí Technology and Economic Review dựng trước sân vận động Hockey Thủ đô Helsinki (Phần Lan) ấn phẩm của mình (nội dung về công nghệ cao và thay đổi 2 lần mỗi tuần) với kích thước lớn nhất trong lịch sử báo chí thế giới: 15x10m. Còn kỷ lục hoàn toàn ngược lại thuộc về tờ Vossa Senhoria của Brazil, tuần báo này gồm 16 trang và bìa, có đủ tin, bài viết về văn hóa, chính trị và thơ, dù khuôn khổ của nó chỉ là 3,5x2,5cm.

Báo nặng nhất, nhiều trang nhất

Danh hiệu “báo nặng vô địch” chắc chắn dành cho tờ Sunday New York Times (Mỹ) số phát hành vào tháng 8/1987 vì khối lượng đạt 6,35kg. Nhưng tờ nhiều trang nhất lại là tạp chí Hongkong Toys (do Ủy ban Phát triển Mậu dịch Hồng Kông ấn hành) với 1.356 trang trong kỳ xuất bản vào tháng 1/1992.

 

 

Báo có số phát hành nhiều nhất

Nếu như con số phát hành 1 triệu bản mỗi năm được coi là thành công của một tờ báo lớn thì Le Petit Journal ở Paris (Pháp) là tờ báo đầu tiên đạt được định mức này vào năm 1886. Chưa đầy 9 thập niên sau, kỷ lục được nâng gấp 1.000 lần bởi tờ tuần báo Mỹ có số phát hành vô địch thế giới TV. Guide: 1 tỷ bản vào năm 1974. Còn nguyệt san có số phát hành cao nhất hiện nay là Reader's Digest ( Mỹ): mỗi kỳ 29 triệu bản. Trong số báo có lượng phát hành lớn phải kể đến nhật báo Trud của Hội đồng Trung ương các công đoàn Liên Xô trước đây, được in ở 53 thành phố với lượng phát hành 15,4 triệu bản mỗi kỳ. Tháng 9/1990, tại Nga, nhật báo Komsmolskaya Pravda đạt tới mức kinh ngạc: 21.765.000 bản. Tuy nhiên, kỷ lục tuyệt đối lại thuộc về tuần báo Argumenty i Fakty, cũng của Nga và cũng vào tháng 9/1990, đạt 33.431.000 bản một kỳ.

Báo có quy mô lớn nhất

Yomiuri Shimbun của Nhật Bản (ra đời năm 1874) là một trong những tờ báo có quy mô lớn nhất hiện nay, với 468 văn phòng thường trú ở khắp nơi trên thế giới, gần 3.500 người làm việc, mỗi kỳ phát hành hàng chục triệu bản cả vào buổi sáng lẫn buổi chiều (như ngày 1/4/1987 in 14.247.132 bản, gồm số buổi sáng 9.278.686 bản, số buổi chiều 4.968.446 bản). Nguyệt san Reader's Digest của Mỹ (ra đời năm 1922) cũng nổi tiếng không kém với 48 loại ấn phẩm bằng 19 thứ tiếng phát hành ở nhiều nước trên thế giới tổng số 29 triệu bản (riêng ở Mỹ là 17 triệu) mỗi kỳ.

Thâm niên làm báo cao nhất

Người có thâm niên làm báo nhiều nhất là ông Etienn Dupuch (1899 - 1991) ở Nassau (Bahamas). Ông chính thức giữ chức Tổng biên tập tờ The Tribune từ ngày 1/4/1919 đến năm 1972 và sau đó vẫn làm biên tập viên báo này tới tận khi ông qua đời ngày 23/8/1991 (như vậy, ông đã dành hơn 72 năm liền cho sự nghiệp làm báo). Còn cộng tác viên nhiệt tình và trung thành nhất đối với một tờ báo là Eric Hardy ở Liverpool (Anh): suốt 65 năm, ông chỉ viết cho chuyên mục “Đồng quê” của tờ Daily Post.

 

 

Người viết nhiều báo nhất

Kỷ lục viết báo cho nhiều báo nhất thuộc về nhà bình luận Ann Landers (tên thật là Eppie Lederer, sinh ngày 14/7/1918) bởi  người ta thấy bài của bà xuất hiện trên ít nhất 1.200 tờ báo khắp thế giới với tổng số bạn đọc ước chừng 160 triệu người và có những bài được cùng lúc đăng trên 1.000 tờ báo khác nhau. Còn họa sĩ có tranh đăng trên nhiều báo nhất là Ranan R.Lurie được in cùng lúc trên 400 nhật báo tại 51 nước với tổng số phát hành 62 triệu bản mỗi kỳ.

Nhuận bút cao nhất

Tác giả có nhuận bút cao nhất là ông Ernest Hemingway (Mỹ), người từng đoạt giải thưởng báo chí quốc gia Fulitzer và giải thưởng Nobel về văn học năm 1954. Với một bài viết ngắn khoảng 2.000 chữ về cuộc chọi trâu đăng trên báo ảnh Sport, ông được hưởng mức nhuận bút 30.000 USD (như vậy trung bình mỗi chữ trả nhuận bút tới 15 USD).

Tin ngắn nhất Năm 1986, tại thành phố Lyon (Pháp) có tổ chức một cuộc thi đưa tin về thể thao trên báo chí. Phóng viên Vilion đã giành được giải vàng bởi trong bản tin của anh chỉ hiện hữu mấy chữ: “Ồ, ồ, không, không”.

Bài xã luận ngắn nhất

Trong số ra tháng 4/1968, báo Star của Mỹ đăng bài xã luận ngắn nhất thế giới với dung lượng vẻn vẹn một từ: “Tuyệt!”.

Báo có giá quảng cáo cao nhất

Kỷ lục này thuộc về tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản: trong tháng 4/1989, khách hàng nếu muốn được quảng cáo cả một trang thì phải trả tới 41,55 triệu yên Nhật cho số báo ra buổi sáng và 32,27 triệu với số ra buổi chiều.

 

 

Quảng cáo trên báo lâu nhất

Chưa cá nhân hoặc tổ chức nào vượt được kỷ lục quảng cáo của tiệm may The Jos Neel Co ở Macon, bang Georgia, Mỹ (thành lập năm 1880): liên tục đăng quảng cáo hàng ngày trên 2 trang của tờ Macon Telegraph, tổng cộng 35.760 lần đăng trong hơn 98 năm (từ ngày 22/2/1889 đến tháng 3/1987).

Báo “dễ chịu” nhất

Danh hiệu này được đông đảo bạn đọc bình chọn cho tạp chí Reader's Digest bởi những ưu thế thực sự “dễ chịu” của nó: thông tin chính xác, hấp dẫn, thái độ tôn trọng công luận, giá cả phải chăng, mức phổ biến rộng rãi... Đặc biệt, lối hành văn giản dị khiến tờ tạp chí này rất dễ đọc, không đòi hỏi người xem phải có trình độ tiếng Anh cao. Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ độc giả cảm thấy thoải mái khi Reader's Digest tại nhà chiếm 73% (tỷ lệ tương  ứng với báo Time là 41,2%, Newsweek - 38,8%, Aisaweek - 37,6%, Far    Eastern Economic Review - 29,2%, Yahou Zhoukan- 43,5%...)

Nước xuất bản nhiều báo nhất

Một thời gian dài, Mỹ từng là quốc gia xuất bản nhiều báo nhất, đỉnh cao là hơn 70 triệu ấn bản mỗi ngày và có 2.202 đầu báo chính thức vào năm 1910. Tuy nhiên, kỷ lục đó hiện nay đã nhường cho Ấn Độ bởi nước này đang có 4.235 đầu báo chính thức với tổng lượng hơn 100 triệu ấn bản mỗi ngày.

Nước có nhiều người đọc báo nhất

Nước có nhiều người đọc báo nhất là Thụy Điển: Thời gian gần đây, trung bình cứ 1.000 người Thuỵ Điển mua và đọc 680 tờ báo mỗi năm. Lượng người mua báo ở Phần Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Nhật Bản và một số quốc gia khác cũng đạt xấp xỉ tỷ lệ trên, nhưng tỷ lệ đọc báo ở những nước này lại thấp hơn nhiều vì họ mua báo để dùng vào nhiều việc, chứ không chỉ để... đọc!

 

 

Báo dài nhất

Tờ Tuyết bảo nhật báo của Pháp đã cho ra số đặc san dài tới 2.500m, được lưu hành dưới hình thức gấp xếp, trở thành tờ báo có kích thước dài nhất thế giới.

Tên báo chỉ một chữ

Một nhóm nhà báo Hoa kiều đã lập ra được một tờ báo đang bán rất chạy tại Mỹ. Tờ báo độc đáo này tên chỉ gồm  một chữ A. Mục tiêu của tờ báo là cổ vũ cho cộng đồng người châu Á đang vươn lên ở Mỹ. Ý nghĩa chữ “A” ở đây có thể được hiểu là dạng viết tắt của “Asian” (thuộc châu Á), “Asian - American” (người Mỹ gốc châu Á) hoặc “Asianising of America” (Á châu hóa nước Mỹ).

Báo có tên dài nhất

Ngày 2/1/1763, ở nước Nga phát hành tờ báo Tin tức về những sự kiện quân sự và những sự kiện khác đáng được biết tới và đáng được ghi chép đã xảy ra ở Vương quốc Moskva và các nước láng giềng. Đây là tờ báo mang tên dài nhất thế giới vì phải dùng tới hơn 30 chữ.

Báo xuất bản hàng giờ

Trên những chuyến bay qua lại giữa Washington và New York, hành khách có thể đọc được tờ Tin tức mới nhất dày 24 trang do một nhà xuất bản Mỹ ấn hành. Tờ báo này nhận tin từ các hãng thông tấn UPI và AP, cứ mỗi giờ in ra một số, cung cấp kịp thời cho hành khách những tin tức sốt dẻo, tình hình kinh tế và dự báo thời tiết.

 

 

Báo xuất bản trên xe môtô

Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, Thủ đô Brussels (Bỉ) bị quân Đức chiếm đóng, nhưng tờ báo Nước Bỉ tự do vẫn xuất hiện hàng ngày kêu gọi nhân dân đứng dậy đấu tranh chống phát xít Đức. Quân Đức ráo riết lùng sục, kiếm tìm nơi xuất bản, song vô ích. Mãi sau khi chiến tranh kết thúc thì địa chỉ xuất bản tờ báo mới được tiết lộ. Đó là việc những người làm báo yêu nước đã bố trí thiết bị và tiến hành công việc trên một chiếc xe môtô. Chọn bài, biên tập, hiệu đính, ấn loát, phát hành... đều diễn ra trên xe và thường phải chọn nơi vắng để làm việc, công việc xong xuôi lại phải di chuyển ngay.

 Báo kiêm thức ăn

Ở Mỹ và Canada phát hành những tờ Báo bánh lớp. Người ta dùng phẩm màu ăn được in lên các lớp bánh tráng mỏng, qua xử lý vô trùng sẽ mang xuất bản. Bạn đọc xem xong một trang là có thể ăn ngay trang đó, tức là có thể hấp thụ từ báo cả “món ăn tinh thần” lẫn “món ăn vật chất”.

Báo kiêm khăn tay

Tây Ban Nha có tuần báo Khăn tay là báo được in trên khăn với những thứ mực không độc và dễ tẩy. Sau khi xem xong tin tức, bạn đọc có thể giặt sạch để dùng làm khăn tay.

Báo kiêm khăn trải bàn

Thủ đô Paris của Pháp hàng ngày xuất bản tờ Báo muối ớt chuyên phục vụ các nhà hàng, quán cà phê để dùng làm khăn trải bàn. Báo sử dụng mực không độc, in trên giấy không thấm nước, dành cho khách hàng bận rộn hoặc đang chờ đợi món ăn, thức uống có thể đọc được tin tức trong ngày, giúp họ vừa tiết kiệm thời gian vừa không tốn tiền mua báo. Hôm sau, “khăn” này được lột đi để thay bằng “khăn” mới xuất bản của ngày hôm đó.

Báo chỉ đăng bài về sự lập dị, điên rồ

Tờ báo Điên rồ (Mad) phát hành ở Mỹ từ năm 1950 khá thu hút bạn đọc vì chỉ loan báo những tin tức và viết về sự kiện lập dị, điên rồ. Đến nay, báo vẫn tồn tại mạnh với lượng phát hành mỗi kỳ hơn 300.000 bản và được nhiều người ham thích.

 

 

Báo chỉ có một người làm

Ông Diphela Hamat, hơn 70 tuổi, một thượng nghị sĩ của Jordanie đã sáng lập và vẫn đang làm tuần báo Tin phóng viên dày 16 trang đăng đủ các loại bài về chính trị, du ký, tiểu phẩm, thơ châm biếm… Một mình ông kiêm nhiệm mọi công việc từ lấy tin, viết bài... đến biên tập, quản lý, phát hành... và mỗi tuần ông phải viết khoảng 250.000 từ.

Báo dành cho triệu phú

Tạp chí nổi tiếng Doanh nhân của Mỹ gần đây cho phát hành đặc san Triệu phú (The millionaire) chỉ dành cho bạn đọc và người giàu tầm cỡ triệu phú trở lên. Robert White, Tổng biên tập tạp chí cho biết ý tưởng xuất bản đặc san mang tên Triệu phú đã được ông nuôi dưỡng từ lâu và ông đã đặt mối quan hệ với 457.000 triệu phú, 353 tỷ phú cùng 2.500 quý tộc ở châu Âu. Những đối tượng này giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn khởi đầu của đặc san. Hiện số lượng phát hành mỗi tháng của “Triệu phú” đã lên tới 160.000 bản.

Báo không cần bán

Nhà báo Pelle Anderson đã sáng lập nhật báo Tàu điện ngầm (Metro) tại Thủ đô Stockholm (Thụy Điển) năm 1995 và báo này nhanh chóng thu hút đông đảo bạn đọc do đưa tin ngắn gọn, súc tích, cập nhật nội dung đa dạng, bổ ích và đặc biệt là báo được phát không cho bạn đọc (bạn đọc không phải trả tiền mua báo). Báo dày 40-60 trang, phát hành 250.000 bản mỗi ngày và có tới hàng trăm phóng viên, cộng tác viên. Tất cả mọi chi phí để tờ báo không cần bán này tồn tại đều nhờ vào số tiền quảng cáo thu được khá cao.

Báo truyền hình

Tờ báo truyền hình đầu tiên trên thế giới được lưu hành ở bang Ohio (Mỹ) mang tên Tin nhanh. Người xem chỉ cần nhấn lên phím chọn, báo liền hiện trên màn hình kèm theo tiếng đọc cùng hình ảnh. Mỗi giờ xem tốn 5 USD.

Báo bằng bánh gatô

Kỷ niệm 125 năm ngày ra đời tờ Người quảng cáo Honolulu ở Hawaii (Mỹ), người ta đã cho xuất bản tờ báo khổng lồ bằng bánh gatô, với kích thước tương đương 4 bàn bóng bàn ghép lại, đủ cho 8.000 người ăn. Các nhà làm bánh đã dùng ca cao, bơ và mứt để in chữ, vẽ hình... mừng tờ báo 125 tuổi.

Báo quảng cáo thơm

Người đọc khi mở mục quảng cáo trong tờ Thời báo Chartanuta ở bang Tennessee (Mỹ) sẽ luôn thấy thơm nức các hương vị khác nhau, tương ứng với mùi của sản phẩm được báo này quảng cáo.       

KỲ HOA, THIÊN HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh