THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:38

Nữ Tổng biên tập đầu tiên của báo chí Quốc ngữ

 

 

Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê (có nơi ghi là Nguyễn Xuân Khuê hay Nguyễn Xuân Hạnh), sinh ngày 8/3/1864 tại Ba Tri (Bến Tre). Bà là con gái thứ 4 của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và được sinh ra vào thời kỳ nhà thơ về Bến Tre nương mình “cho tròn phận tóc da” trong những ngày chạy giặc. Lớn lên giữa cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót quân thù; bên người cha - nhà thơ, chí sĩ tài năng, giàu khí tiết, suốt đời cùng ngọn bút không mệt mỏi đấu tranh vì nhân đạo, vì tự do và người mẹ hiền thục, tảo tần, nên Ngọc Khuê thừa hưởng được chí cha, đức mẹ, có bản lĩnh hơn người và luôn nuôi ước vọng tạo nên “một sự nghiệp”. Lấy chồng năm 24 tuổi, được mấy năm thì chồng chết, bà ở vậy nuôi con gái.

Sương Nguyệt Anh đã toan an bài với số phận, không màng tới thế sự nhưng tài năng, nhiệt huyết của bản thân cùng cảnh đời đau thương mà sôi động lại chẳng thể làm bà dửng dưng. Những năm đầu thế kỷ XX, khi Phan Bội Châu phát động phong trào “Đông du”, bà đã nhiệt tình hưởng ứng, bán cả đất vườn lấy tiền gửi giúp du học sinh. Phong trào bị đàn áp rồi thất bại, bà vẫn không nản lòng, tiếp tục tìm mọi cách góp sức mình vào công cuộc cứu nước...

Năm 1917, được một nhóm chí sĩ ái quốc mời ra làm chủ bút tờ báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) - tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, bà vui vẻ nhận lời. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 15 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên và bà chính thức trở thành nữ chủ bút đầu tiên. Báo phát hành định kỳ ngày thứ Sáu hàng tuần, in typô, khuôn khổ 41x29cm, với 18 trang nội dung và 8 trang quảng cáo, giá bán là 40 xu/tờ. Báo có các chuyên mục là: Phần xã thuyết, phần văn nghệ, phần dạy gia chánh, phần học nghề, cùng các trang cách ngôn, lời hay ý đẹp và mẹ con nói chuyện. “Nữ giới chung” là tờ báo đầu tiên chú trọng đến việc dạy nữ công, đức hạnh phụ nữ và phê phán luật lệ khắt khe đối với nữ giới thời đó, đồng thời chủ trương đấu tranh mạnh mẽ cho vấn đề bình đẳng nam - nữ (thể hiện ngay từ các câu thơ khẳng định tôn chỉ của tờ báo: Vang lừng nữ giới những hồi chuông/ Thúc bạn quần thoa thoát cửa buồng…). Suốt hơn hai chục số báo, bà dành trọn tâm huyết và tài năng góp phần chấn hưng tinh thần nữ giới nước nhà. Bà không những có vai trò rất lớn trong việc làm thức tỉnh và cổ vũ độc giả nữ trước thời thế mới mà còn làm đa dạng, phong phú, hoàn thiện thêm hoạt động báo chí của Việt Nam khi đó, đồng thời tạo tiền đề tốt cho hàng loạt báo chí về phụ nữ sau này xuất hiện như: Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm… Tháng 7/1918, tờ Nữ giới chung phải đình bản, bà lại về Ba Tri, theo gương cha ngày trước mà dạy học, bốc thuốc và sáng tác thơ văn cho tới ngày tạ thế (9/1/1922).

 

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Ảnh: TL

 

Sương Nguyệt Anh thuộc thế hệ nhà thơ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, làm thơ bằng cả chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ. Giọng thơ cổ kính nhưng tha thiết, tràn trề nỗi niềm nhân thế trong sự cảm nhận sâu sắc, có phần bi phẫn mà ngang tàng:

Bể ái sóng ân còn lắm lúc,

Mây ngàn hạc nội biết là nơi.

Một dây oan trái vay rồi trả,

Mấy cuộc tang thương dễ đổi đời.

(Họa thơ ông Phủ Học)

Nhìn cảnh đời ly tán, non nước điêu linh, Sương Nguyệt Anh có những vần thơ xót xa nhưng không yếu ớt, mà cứng cỏi, thể hiện cái tình máu thịt của một con người trong cộng đồng, cái nghĩa khí và trách nhiệm của kẻ sĩ thời loạn giống cha bà khi xưa:

Phong cảnh mặc dầu chia đất khác,

Nắng mưa đâu cũng đội trời chung.

Quê người tạm gởi nhành dương liễu,

Đường hoạn xin tròn phận kiếm cung.

(Tiễn ông Trần Khải Sơ từ Bến Tre đổi về Sa Đéc)

Viết về cuộc đời mình, lời thơ của Sương Nguyệt Anh bao giờ cũng điềm tĩnh nhưng khảng khái và ẩn chứa tự hào riêng của một “trang tiết phụ”, dẫu gặp cảnh đời éo le, nhân duyên trắc trở, bị cuộc sống xô đẩy và dẫu luôn vươn tới cái mới, cái hiện đại thì vẫn giữ được lòng kiên trinh truyền thống - bản tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay:

Ngọc ánh chi nài son phấn đượm,

Vàng ròng há sợ mất màu phai.

Ba giềng trước đã se tơ vắn,

Bốn đức nay tua nối tiếng dài.

Dẫu khiến duyên này ra đến thế,

Trăng thu dẫu xế rạng non đoài.              

 (Họa thơ ông Bái Liêu)

Tình thương, sự hòa đồng và cảm thông, chia sẻ với những người cùng giới, cùng cảnh được thể hiện khá đằm thắm trong thơ Sương Nguyệt Anh. Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp tuyển gọi lính Việt Nam đưa xuống tàu sang Pháp tham chiến. Sương Nguyệt Anh đã phản kháng bằng một bài thơ chữ Hán “Chinh phụ thi” da diết, làm thay lời người vợ than khóc cho cuộc chia ly không hẹn ngày về, cho nỗi nhớ mong khắc khoải (bản dịch tiếng Việt của nhà thơ Nguyễn Đình Chiêm, em trai bà):

Cỏ rạp sân thềm liễu rũ hoa,

Chàng đi bao thuở lại quê nhà.

Nửa đêm trăng xế lòng ngao ngán,

Chiếc gối quyên gào lụy nhỏ sa.

Ải bắc mây giăng che bóng nhạn,

Vườn xuân nắng tạc ủ mày nga.

Nhớ nhau mấy lúc chiêm bao thấy,

Nghìn dặm lang quân biết chăng là?

Sương Nguyệt Anh còn nhiều bài thơ chữ Hán và chữ Nôm như: “Thưởng bạch mai”, “Điếu Khuất Nguyên”, “Vịnh ni cô”, “Ngày Đoan dương”… và một số bài vè: “Vè tiểu yêu”, “Vè thầy Hỷ”, “Vè đánh đề”... Nhìn chung, ngôn ngữ và hình tượng chưa quá độc đáo hoặc mới mẻ nhưng cái tình sâu rộng, nồng nàn, chân thật và sự cảm nhận tinh tế khiến thơ bà mang một nét riêng dễ mến và chinh phục người đọc.

Bằng tất cả tài năng, tâm huyết, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp chung, Sương Nguyệt Anh đã để lại trong tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong cuộc sống đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, tên bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học, hội bút, câu lạc bộ... với niềm trân trọng, tự hào. Nhà thơ Nguyễn Liên Phong (tác giả của "Điếu cổ hạ kim thi tập") đã dành những lời thật xứng đáng khi viết về Sương Nguyệt Anh:

Gương tỏ đời nay trang tiết phụ,

Lâu đài tiếng tốt tạc non sông.

XUÂN HỒNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh