Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp
- Văn hóa - Giải trí
- 14:20 - 21/06/2018
Các ấn phẩm báo chí ngày càng đa dạng.
Hiện cả nước có gần 850 cơ quan báo chí với hàng ngàn ấn phẩm khác nhau. Bên cạnh các tờ báo chuyên về kinh tế thì hầu như ấn phẩm báo chí nào cũng có chuyên mục, chuyên trang về kinh tế, doanh nghiệp với rất nhiều mảng đề tài khác nhau như: Khởi nghiệp, làm giàu, gương mặt doanh nhân... Về phía các doanh nghiệp cũng vậy, hiểu được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp lớn đều hình thành bộ phận thông tin, tuyên truyền. Đây chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và báo chí, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, nhà sản xuất, kinh doanh luôn có nhu cầu cung cấp nhanh nhất, đầy đủ và chính xác nhất sản phẩm của mình ra công chúng.
Trong xu thế mới, nhiều cơ quan báo chí đang hoạt động như một doanh nghiệp tự chủ về tài chính. Vì vậy doanh nghiệp không chỉ là đối tượng phản ánh, là đề tài để báo chí khai thác mà còn là đối tác, là nhà tài trợ cho các hoạt động của báo chí. Thông qua đó, báo chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp. Qua báo chí, các doanh nghiệp không chỉ nhanh chóng nắm bắt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế để kịp thời xây dựng chiến lược kinh doanh mà còn có tiếng nói phản biện nhằm đem lại sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của chế độ, chính sách...
Ông Hoàng Trung Quý, Giám đốc Công ty cà phê Đắk Hà cho rằng: "Nhờ báo chí, những sản phẩm của đơn vị mới được người tiêu dùng cả nước biết đến. Bên cạnh sự tiếp nhận tích cực, doanh nghiệp cũng đã nhận được những đóng góp, thậm chí là chê trách, từ đó có được định hướng thị trường, nhanh chóng mang các sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng". Trong nhiều năm liền, doanh nghiệp của ông luôn đặt dài hạn nhiều loại báo chí, đồng thời cũng là đơn vị tiên phong trong việc sử dụng internet, vì vậy đã cập nhật nhanh chóng hầu như mọi chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, kịp thời thay đổi các chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc giúp khách hàng biết đến sản phẩm của doanh nghiệp, tạo niềm tin với người tiêu dùng...
Báo chí là kênh cung cấp thông tin chủ yếu và vô cùng quan trọng về mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Với doanh nghiệp, xây dựng thành công một thương hiệu là không hề đơn giản và cần rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Tuy nhiên, một thương hiệu có thể bị sụp đổ, doanh nghệp có thể bị phá sản nhanh chóng dưới áp lực của dư luận xã hội mà ở đó báo chí đóng vai trò quyết định.
Nhà báo tác nghiệp trên đường phố.
Ông Nguyễn Đại Hải, Giám đốc Công ty hóa chất tại quận 10,TP. Hồ Chí Minh khẳng định: 'Chúng tôi luôn hiểu rõ vai trò to lớn của báo chí đối với việc truyền tải thông tin và định hướng tiêu dùng, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp nào cũng mong muốn nhận được sử ủng hộ của báo chí, đồng thời mong được hợp tác trao đổi thông tin về lĩnh vực kinh doanh của mình. Báo chí là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay".
Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ ràng buộc, khăng khít và hữu cơ, đó là quy luật, là điều không thể phủ nhận và không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn không ít những chuyện đáng buồn. Vẫn còn những hiện tượng cơ quan báo chí, nhà báo cho mình có quyền lực chi phối trong đời sống kinh tế - xã hội. Từ nhận thức này, họ sẵn sàng đưa lên tận mây xanh, “bốc thơm” doanh nghiệp hay bôi nhọ, vùi dập doanh nghiệp vì những mục đích kinh tế.
Hiện tượng báo chí sống “ký sinh” vào doanh nghiệp dù không nhiều nhưng không phải không có. Cùng với đó, việc doanh nghiệp thông qua báo chí để triệt hạ lẫn nhau, lừa dối khách hàng qua các hợp đồng quảng cáo, tài trợ, vinh danh sản phẩm... cũng không hiếm. Đấy là chưa kể nhiều doanh nghiệp luôn dị ứng với báo chí, coi báo chí như thứ gì đó chỉ làm phiền mà không mang lại lợi ích gì.
Để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp, có sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau một cách thiết thực chứ không phải là “bằng mặt mà chưa bằng lòng”, rõ ràng bên cạnh những ràng buộc mang tính chế tài của pháp luật rất cần việc xây dựng lòng tin giữa các bên. Doanh nghiệp nên cởi mở hơn, chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí; về phần mình, báo chí cần thể hiện trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để không có những sự cố truyền thông làm ảnh hưởng không tốt đến doanh nghiệp. Báo chí thời hội nhập đang có sức mạnh hết sức to lớn, với sứ mạng cao cả phải có những đóng góp tích cực của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớm mạnh, đủ sức vươn ra biển lớn. Và khi đó báo chí cũng tạo cho mình vị thế và sự phát triển bền vững, xứng đáng với vai trò xung kích.