CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:55

Những khuất tất tại Nhà xuất bản Y Học: Các vị trí quan trọng đều là người nhà TGĐ

 

Vợ sang cơ quan chồng rút tiền?
Nghiên cứu hồ sơ, chứng từ, sổ sách mà chúng tôi có trong tay, và thực tiễn điều hành doanh nghiệp của ông Chu Hùng Cường trong 5 năm qua cho thấy rõ nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quản lý, điều hành doanh nghiệp Nhà nước.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tại bản Báo cáo tài chính ghi quỹ tiền mặt của NXB Y học còn gần 7,7 tỷ, nhưng phụ trách kế toán (ông Liêm) và thủ quỹ (ông Hùng, bà Thu) là anh em con cô, con bác nên những người trong cơ quan không biết thực tế còn bao nhiêu. 
Theo đó, tại hồ sơ cung cấp cho PV có chi tiết rất đáng lưu ý, đó là một bản photo được cho là sổ theo dõi tiền quỹ do phòng kinh doanh lập thể hiện việc rút tiền mặt của vợ chồng ông Cường rất nhiều. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 8/2017, vợ chồng ông Cường đã thay nhau rút tiền NXB Y học tiêu riêng lên đến gần 4 tỷ đồng. Cụ thể ngày 15/3 ông Cường rút 2 lần 105 triệu đồng, ngày 16/3 rút 100 triệu đồng, ngày 20/3 rút 2 lần tổng cộng  281 triệu đồng, 23/3 rút 10,4 triệu đồng tiền mua rượu, 29/3 rút 244 triệu (trong đó 4 triệu tiền mua rượu)?

Sổ theo dõi tiền quỹ được cho là do ông ông Đào Thiện Hùng, là em họ lập thể hiện hai vợ chồng ông Cường rút tiền rất nhiều (ông Cường phủ nhận và cho rằng giả mạo)

Hồ sơ cũng thể hiện ngày 1/4 ông Cường rút 50 triệu. Nghiêm trọng hơn, cũng trong ngày 1/4, vợ ông Cường là bà Hạnh đã rút hơn 1 tỷ đồng tiền mặt (1 tỷ 031 triệu đồng). Tiếp đến ngày 3/4 NXB Y học chuyển khoản cho bà Hạnh số tiền 1 tỷ đồng, số dư còn lại của NXB lúc này chỉ còn hơn 1,5 tỷ đồng... và rất nhiều lần rút tiền khác mà chúng tôi không thể nêu ra hết được trong bài viết. 
Sổ theo dõi tiền quỹ còn thể hiện bà Hạnh (vợ ông Cường rút tiiền nhiều lần)
Trong buổi làm việc với PV, ông Cường phủ nhận không có chuyện vợ mình sang rút tiền, và bản photo được cho là sổ theo dõi tiền quỹ mà phóng viên đang có là giả, không có giá trị.
Bị tố dùng chứng chỉ giả, bổ nhiệm người nhà vào các vị trí chủ chốt
Về bộ máy lãnh đạo, sau khi ông Cường được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc NXB Y học từ tháng 11/2013 đã nhận nhiều người nhà là anh em con bác, con chú vào làm việc.
Cụ thể, tại Phòng Kinh doanh, ông Cường phân công ông Đào Thiện Hùng, là em họ tốt nghiệp đại học năm 2013 làm nhân viên kho, ngày 17/4/2017, thì bổ nhiệm làm thủ quỹ. Đến 1/4/2018 bổ nhiệm làm Phó phòng Kinh doanh. Phòng kinh doanh là nơi làm hợp đồng sản xuất kinh doanh, quyết định việc cấp giấy phép, thu tiền, việc làm hợp đồng, giá cả công xuất bản, in, phát hành… tức là đầu mối quản lý tiền, hàng mà lại do 2 anh em quyết định thao túng.
Riêng phòng Kế toán, tháng 5/2015 ông Cường bổ nhiệm ông Phạm Quang Liêm (anh con bác ruột) tốt nghiệp đại học năm 2012, làm trợ lý Tổng giám đốc. 1 năm sau đó (tháng 10/2015) thì bổ nhiệm làm Phó phòng kế toán (phụ trách phòng kế toán), đến nay theo Luật kế toán đã quá hạn nhưng chưa tái bổ nhiệm. Cũng trong tháng 10/2015, ông Cường quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Thu (con chú) từ nhân viên phòng kinh doanh làm thủ quỹ phòng kế toán.
Mặt khác, sau khi lên nắm giữ chức vụ được một thời gian, tháng 10/2014, ông Cường quyết định bổ nhiệm bà Vương Thị Bách mới học hết lớp 6, làm văn thư ở phòng hành chính lên làm Phó phòng Tổ chức hành chính. Đến tháng 11/2015, tức 1 năm sau đó, bà Bách được “ưu ái” phân công Phụ trách phòng Tổ chức hành chính.

Các quyết định bổ nhiệm người thân của ông Cường

Có thể thấy Chủ tài khoản NXB Y học là ông Cường, kế toán trưởng (ông Liêm) là con bác ruột; thủ quỹ (ông Hùng, bà Thu) là con chú, thì việc thao túng, có dấu hiệu hai vợ chồng rút tiền của doanh nghiệp như cuốn sổ theo dõi ở trên là rất có khả năng.
Năm 2013, khi đề bạt ông Chu Hùng Cường lên Chủ tịch-Tổng giám đốc, Bộ Y tế cho nợ chứng chỉ cử nhân hay cao cấp lý luận chính trị, đến nay sau 5 năm ông Cường cũng chưa trả được. Mặt khác, ông Cường còn bị tố không biết bất kỳ ngoại ngữ gì, dùng chứng chỉ ngoại ngữ giả để được học thạc sỹ ở trường Đại học Y tế Công cộng năm 2011.
Về cán bộ công nhân viên, ở 2 Ban biên tập, tinh hoa của NXB Y học là số Bác sĩ, dược sĩ chính quy, học ở các trường trọng điểm, có chuyên môn ngoại ngữ giỏi, giai đoạn trước năm 2014 có từ 12 đến 18 người, nhưng nay chỉ còn 3 bác sĩ và 1 cử nhân Y tế công cộng. Không có dược sĩ đại học.
Về việc bổ nhiệm người nhà, ông Cường cho rằng “luật chỉ cấm bổ nhiệm người thân ruột thịt chứ không cấm bổ nhiệm anh em, họ hàng, đồng thời thừa nhận ông Liêm (phó phòng kế toán) là con bác ruột, còn ông Hùng, bà Thu nếu có cũng chỉ là “anh em, họ hàng xa. Còn trường hợp bổ nhiệm bà Bách (Phó trưởng phòng phụ trách phòng hành chính) ông Cường hồn nhiên cho biết bà Bách đã có "bằng cấp 3). Người ta tố cáo tôi như vậy là “không hiểu luật”, ông Cường nói.
Liên quan đến việc sử dụng chứng chỉ giả, ông Cường thông tin chứng chỉ ngoại ngữ của ông được trường “Sư phạm ngoại ngữ” cấp năm 2010 và có giá trị trong 2 năm. Hiện ông Cường không còn lưu giữ vì đã nộp cho Trường Đại học Y tế Công cộng thời điểm học thạc sĩ năm 2011?

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh