Khuất tất trong quản lý tài sản cố định của NXB Y học
Trước tiên, chúng tôi đề cập tới việc di dời trụ sở Chi nhánh NXB Y học tại 669 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP Hồ Chí Minh với diện tích 689m2. Năm 2012, Bộ Y tế thông báo kế hoạch sắp xếp trụ sở tại 699 Trần Hưng Đạo, và có ý định chuyển Chi nhánh NXB Y học về 351/2 đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình, để lại trụ sở cho Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, côn trùng (Viện SR-KST-CT) làm trụ sở.
Chi nhánh NXB Y học trụ sở tại 699 Trần Hưng Đạo, TP. HCM
Ngày 21/6/2013 NXB Y học ra văn bản số 97 gửi lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên trụ sở và đề xuất hai phương án: Phương án 1: Để Viện SR-KST-CT ở liền một khối, Chi nhánh NXB Y học tự nguyện lùi vào phía trong với diện tích tương đương (698m2) theo mặt phố Nguyễn Biểu (chi nhánh 2 mặt tiền). Xin Bộ Y tế đầu tư cho NXB Y học xây dựng nhà 1 tầng trên diện tích mới (300m2) như Chỉ thị 42 của Ban bí thư ghi rõ.
Phương án 2: Chi nhánh NXB Y học xin nhận ¾ ngôi nhà hiện tại theo mặt phố Nguyễn Biểu (Ngôi nhà 2 tầng 698m2 nền, hiện Chi nhánh NXB Y học sử dụng tầng 1, Viện SR-KST-CT sử dụng tầng 2 sau khi phân chia lại. NXB Y học được 522m2, Viện SR-KST-CT được 174m2 và 172m2 đất hiện nay NXB Y học đang quản lý).
Tuy nhiên, khi hai bên đang thương thảo thì đến tháng 10/2013, khi ông Hoàng Trọng Quang, Tổng giám đốc cũ về hưu, tháng 11/2013 ông Chu Hùng Cường được bổ nhiệm thay thế. Sau này ông Cường đã ra Quyết định số 26/XBYH ngày 13/3/2017 thống nhất với Viện SR-KST-CT chuyển Chi nhánh NXB Y học về 351/2 Nguyễn Trọng Tuyển... Đồng thời phối hợp làm thủ tục chuyển giấy quyền sử dụng đất của Chi nhánh tại 699 Trần Hưng Đạo cho Viện SR-KST-CT để bàn giao trụ sở.
Điều lạ lùng, trong quyết định này, ông Cường đã chuyển số tiền 2 tỷ đồng mà Viện Sốt rét hỗ trợ cho Chi nhánh NXB Y học sửa chữa nâng cấp 351/2 Nguyễn Trọng Tuyển, hay thuê trụ sở mới ra NXB Y học ở Hà Nội để chi tiêu vào mục đích khác.
Ông Cường quyết định chuyển 2 tỷ đồng mà Viện Sốt rét hỗ trợ cho Chi nhánh NXB Y học sửa chữa ra Hà Nội để chi tiêu vào mục đích khác.
Sự việc này đã khiến cho bao lãnh đạo các thời kỳ cũng như cán bộ tại NXB sửng sốt, vì không hiểu tại sao ông Cường lại dễ dàng từ bỏ một lô đất vàng, một vị trí đắc địa tại trung tâm TP. HCM để chuyển chi nhánh sang một vị trí xa xôi và bất lợi như thế?
Tuy vậy, cho đến nay hai bên vẫn chưa chuyển nhượng xong với lý do mà ông Cường đưa ra như chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa bàn giao trụ sở mới, không có tiền để chuyển... Việc này khiến cho nhà đầu tư tòa nhà ở 699 Trần Hưng Đạo hiện nay cũng đang gặp không ít rắc rối.
Còn theo Viện SR-KST-CT TP. Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do lãnh đạo NXB Y học không hợp tác. Chính sự việc này cho đến nay đã đẩy các bên liên quan vào thế giằng co, ngày càng đi vào ngõ cụt không có đường ra.
Lấy đất vàng đi góp vốn liên doanh và những điều khoản hợp tác lạ lùng
Tại tờ trình Đề án hợp tác liên doanh dự án xây dựng trụ sở làm việc NXB Y học tại khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi rất khó hiểu về những tài sản được ông Cường “kiểm kê” vào để góp vốn với đối tác. Đây là tờ trình có rất nhiều điểm cần phải làm rõ.
Tờ trình Đề án hợp tác liên doanh dự án xây dựng trụ sở làm việc NXB Y học
Theo đó, vốn cố định của NXB Y học được đặt ở 2 nơi: Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, là 352 Đội Cấn, Ba Đình; 4A Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm và D32 Cầu Giấy. Rõ ràng như vậy nhưng Đề án hợp tác liên doanh dự án xây dựng trụ sở làm việc, ông Cường không nói gì đến trụ sở số 4A Lê Thánh Tông hiện nay đang cho thuê mỗi tháng 100 triệu.
Năm 2007, NXB Y học đã được UBND TP. Hà Nội cấp cho 1.800m2 đất tại khu đất D32, KĐT mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, để làm trụ sở làm việc. Đến năm 2010, NXB Y học đã đền bù, giải phóng mặt bằng với chi phí 5 tỷ đồng và đã có sổ đỏ. Đồng thời đã nộp xong tiền thuế đất giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên kể từ khi ông Cường được bổ nhiệm thì từ năm 2014 đến nay vẫn chưa nộp.
Năm 2014, NXB Y học đã hợp tác với Công ty Cổ phần HAWEE Cơ điện để xây dựng trụ sở làm việc NXB với hình thức đầu tư là hợp đồng liên doanh, liên kết với thời gian 50 năm. Dự kiến quy mô xây dựng là 19 tầng với tổng diện tích xây dựng là 18.419m2. Hình thức góp vốn với hình thức NXB Y học Là chủ dự án, góp vốn bằng toàn bộ giá trị cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn liền quyền sử dụng đất diện tích 1.800m2... Giá trị góp vốn tương ứng 15,79% tổng vốn đầu tư... Còn phía Công ty CP HAWEE Cơ điện tương ứng 84,21% bao gồm chi phí xây dựng và các tài sản khác... Đồng thời NXB Y học chỉ định đơn vị này làm chủ đầu tư xây dựng công trình.
Lô đất D32 cầu giấy hiện đang được quây tôn
Mặc dù trong Tờ trình Đề án hợp tác Hợp tác liên doanh có nêu rõ những hiệu quả KT-XH rất “đáng mừng” như góp phần khai thác hiệu quả sử dụng ô đất D32, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định... đáp ứng nhu cầu làm việc, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu của NXB Y học... Đối với Nhà nước sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể thông qua các loại thuế như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lợi ích trên giấy là vậy, nhưng điều khiến nhiều người phải ngạc nhiên là “sau khi công trình hoàn thành, phía Công ty CP HAWEE Cơ điện chỉ giao lại cho NXB Y học tầng 3, tầng 4, ½ tầng 2 và ½ diện tích tầng 1. Tầng hầm và các không gian khác (trừ lối ra vào đường đi trong hầm) chia theo diện tích sử dụng... Diện tích còn lại "thuộc quyền sở hữu của Công ty CP HAWEE Cơ điện”.
Một điều khoản “lạ lùng” khác, đó là “khi hết thời hạn thuê đất của Nhà nươc, nếu NXB Y học tiếp tục được Nhà nước cho thuê đất thì Công ty CP HAWEE Cơ điện là đơn vị đương nhiên được tiếp tục gia hạn thời gian hợp tác đầu tư kinh doanh. Trường hợp nếu Công ty CP HAWEE Cơ điện không nhất trí với việc tiếp tục gia hạn thì NXB Y học mới được quyền hợp tác với bên thứ ba.
Như vậy, có thể thấy với những điều khoản mang tính “ràng buộc” có chủ ý trên đã biến NXB Y học từ vị thế của chủ sở hữu thành người sử dụng, và khiến cho lợi ích cũng như tài sản của Nhà nước có nguy cơ thất thoát nghiêm trọng. Phải chăng đây là ý đồ nhằm “sang tên đổi chủ” trụ sở làm việc NXB Y học tại ô đất D32 Đô thị mới Cầu Giấy để tư lợi cá nhân?