CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:00

Những hệ luỵ của việc bỏ nhà đi bụi

 

“Buồn” là đi... bụi

Tháng trước, tôi nhận được một lá đơn đề nghị giúp đỡ của vợ chồng chị Kim và anh Tú (trú Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) về việc cháu Hồng (đã đổi tên nhân vật), nữ sinh đang học lớp 11, con ruột của chị Kim bỏ nhà đi theo bạn xấu hơn 1 tuần chưa về nhà. Lá thư của chị chỉ 1 trang giấy nhưng chứa đầy sự nghẹn ngào và cả những lời tự trách bản thân. Theo chị Kim, vợ chồng chị ly dị đã lâu, chị có chồng mới và cháu Hồng sống cùng mẹ, thời gian gần đây cháu có nhiều biểu hiện buồn bã, rồi theo bạn xấu bỏ nhà đi. Gia đình tổ chức đi tìm, đưa cháu về khuyên can nhưng rồi cháu vẫn tiếp tục đi và giờ đây thì không còn liên lạc được nữa.

Lần này cháu bỏ nhà đi và vứt cả số điện thoại, các tài khoản mạng xã hội như: Facebook, Zalo cũng trong tình trạng “khóa” gia đình không có cách nào liên lạc được  đành đến cơ quan công an trình báo sự việc nhưng vẫn không có thông tin gì về Hồng. Tuy nhiên, điều may mắn là sau hơn 3 tuần đi “bụi” vào tận tỉnh Bình Dương, Hồng và bạn hết tiền nên gọi điện về nhà cầu cứu. Biết được tin vợ chồng chị Kim đã mua vé máy bay tức tốc vào Bình Dương đón con về. Chia sẻ với chúng tôi, chị không giấu nổi niềm vui nhưng cũng kèm theo một nỗi buồn mà không biết phải dùng từ nào để tả: “Cháu nói không còn khả năng học nữa nên chắc gia đình sẽ xin cho cháu đi làm việc gì đó. Mà giờ cũng chẳng biết xin ở đâu vì cháu còn nhỏ quá…”.

                                                                      Lực lượng CA nắm thông tin về một bé gái bỏ nhà đi bụi.


Cũng là đi bụi, nhưng khi được gia đình nhờ bạn bè đi tìm về thì bé L. (trú Q. Hải Châu) lại lao vào đánh bạn vì cho rằng đã lừa mình để cha mẹ “bắt” về nhà. Số là trước đó L. bỏ nhà đi bụi, sống lang thang tại các quán Internet. Sau nhiều ngày không thấy con về, mẹ bé L. nhờ người thân, bạn bè đi tìm giúp. Qua đó, bé Q.T (bạn của L.) đã liên lạc được và biết L. đang cần tiền để chi tiêu cá nhân nên báo cho gia đình L. biết và hẹn đến trước cổng trường THCS Nguyễn Huệ (đường Quang Trung, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) để đưa tiền. Tuy nhiên, khi phát hiện có người nhà đi theo, L. cho rằng Q.T lừa lọc mình nên lao vào đánh đập, cấu xé bạn đến khi nhiều người vào can ngăn thì mới chịu thôi. Hay như trường hợp của Đ. (trú P. Thanh Bình, Q. Hải Châu), khi mới học lớp 8 đã có người yêu và thường xuyên vi phạm pháp luật. Khi biết được tin ba mẹ sẽ đề nghị đưa đi trung tâm giáo dưỡng (chỉ là đe dọa), Đ. đã “nhanh chân” bỏ nhà đi nhiều ngày không chịu về. Chỉ sau khi Đoàn thanh niên phường và quận vào cuộc tìm hiểu, khuyên giải thì em mới chịu về nhà…

Trước đó không lâu, CAP Thạch Thang (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cũng làm rõ đối tượng lừa chiếm đoạt chiếc điện thoại hiêu Iphone 5S của anh Mai Thanh V. (1992, trú Q. Hải Châu) là Trịnh Thị T.L (1997, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và Phan H.Q (1994, cùng trú P. Hòa An). Được biết, cha mẹ ly T.L ly hôn nhau từ lúc em mới lên 7 tuổi và được đưa về sống với bà ngoại ở P. Hòa An. Do thiếu thốn tình cảm, sự chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ nên học hết lớp 6 thì em bỏ học rồi lêu lổng cùng bạn bè và thường xuyên bỏ nhà đi bụi. Để có tiền chi tiêu, T.L lập nick Facebook, Zalo… lấy các tên khác nhau để làm quen với những người trên mạng.

Do bỏ nhà đi bụi dài ngày, không có nơi tá túc nên T.L chuyển về ở với bạn gái tên V. (là người yêu của H.Q). Cả 3 cùng chung sống tại nhà trọ gần khu vực bến xe Trung tâm Đà Nẵng, mọi chi tiêu đều do Q. lo liệu. Tuy nhiên, do hết tiền nên T.L và H.Q đã nghĩ ra kế lên mạng xã hội để tìm gặp một số người quen nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi lập kế hoạch xong xuôi, T.L chủ động hẹn anh V. rồi giả vờ mượn điện thoại của anh này sau đó cùng với H.Q đi tìm mối bán chiếc điện thoại nói trên để dùng vào việc trả tiền nhà trọ, mua thức ăn...

 

Nhóm trẻ đi bụi và trộm cắp tài sản 

Nguy cơ sa chân vào tệ nạn

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong 6 tháng năm 2015 của CATP Đà Nẵng cho thấy, qua công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy trong 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp là phổ biến (chiếm 94,2%), sử dụng heroin chiếm 3,3% và sử dụng cần sa chiếm 2,5%; số tái nghiện chiếm 36,5%, mới nghiện chiếm 56% và người ngoài thành phố chiếm 7,5%. Người sử dụng tập trung độ tuổi thanh, thiếu niên (chiếm 91,5%), trong đó, đáng lưu ý dưới 18 tuổi có 43 trường hợp (tăng 30%), học sinh, sinh viên sử dụng trái phép chất ma túy có 15 trường hợp (giảm 120%) và nữ giới chiếm 6,9%.

Theo nhận định của CATP, tình hình người nghiện trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng (tăng 6,7% so với năm 2014) và ngày càng trẻ hóa, tập trung ở độ tuổi thanh thiếu niên (chiếm tỷ lệ 62,5%, tăng 3,5% so với năm 2014). Và một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là do các em thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy. Bên cạnh đó, một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, không quan tâm quản lý, giáo dục con cái cũng là nguyên nhân để các em sa vào ma túy...

 

Mới 15 tuổi nhưng N. đã có “thâm niên” sử dụng ma túy đá.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Quận đoàn Hải Châu cho biết, để giúp đỡ các em thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Thành đoàn, Quận đoàn Hải Châu cũng đã có nhiều hoạt động như: tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, phối hợp với các ban, ngành đến tận từng nhà gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em để có hướng kèm cặp, giúp đỡ…

Để đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, giúp đỡ những em thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói riêng, những năm qua các lực lượng, ban ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội đến cán bộ, công nhân viên chức và các tầng lớp xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống, kiểm soát tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn… nhưng tình hình vẫn còn những diễn biến phức tạp, số người vi phạm pháp luật trong đó có thanh, thiếu niên vẫn nhiều, điều này chính là một vấn đề bức xúc của xã hội đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của tất cả hệ thống chính trị.

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh