THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:08

426 tỷ đồng hỗ trợ người tàn tật và trẻ mồ côi

 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Mỹ; Thứ trưởng  Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Hằng; lãnh đạo, nhân viên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng lãnh đạo các ban, ngành và 130 đại biểu các địa phương cùng tham dự hội nghị.

Đổi mới phương thức tiếp cận người khuyết tật và trẻ mồ côi

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Đình Liêu nhấn mạnh: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng kết quả vận động quỹ Hội năm 2015 đạt 426 tỷ đồng là một con số thể hiện sự chủ động, quyết tâm của toàn hệ thống Hội. Xu hướng đưa hoạt động bảo trợ theo cách tiếp cận mới dựa trên quyền đã đi vào chiều sâu, mang tính bền vững đang dần thay thế cách trợ giúp theo chiều rộng, mang tính từ thiện, nhân đạo đơn thuần. Hoạt động trợ giúp ngày càng mở rộng đối tượng, phạm vi, số lượng; trị giá hoạt động có chất lượng, hiệu quả, mang tính bền vững ngày càng nâng lên. Hội đã chủ động xây dựng các chương trình, dự án với số liệu cụ thể, minh chứng rõ ràng. Thuyết phục nhà tài trợ bằng chất lượng hoạt động, tính minh bạch, hiệu quả, cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản hơn. Hội đã có nhiều sáng kiến trong việc phát triển thêm nhà tài trợ mới, tiềm năng, nhiều tổ chức quốc tế mới đã hợp tác với Hội.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH cho các cá nhân có thành tích xuất sắc.

 

Trình bày Báo cáo tổng kết năm 2015, nhiệm vụ năm 2016, ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch  Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: Năm 2015, tổng quỹ cả nước do Hội chủ trì, điều phối hoạt động đạt 426 tỷ đồng. Trong đó, vận động nguồn trong nước chiếm 80%, vận động nguồn nước ngoài chiếm 20%. Ngoài ra, Hội đã phối hợp với các đơn vị khác thực hiện nhiều chương trình trợ giúp với tổng trị giá 61 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ cho Hội hoạt động và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao là 38,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9% so với quỹ Hội. “Kết quả vận động quỹ năm 2015 vượt so với năm 2014 là 69 tỷ đồng cho thấy nỗ lực rất lớn của các tổ chức Hội. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, công tác vận động nguồn lực đã thể hiện sự sáng tạo, cách làm mới, gắn tuyên truyền, nâng cao nhận thức với việc thu hút tài trợ, ủng hộ của cộng đồng”, ông Lương Phan Cừ nhấn mạnh.

2,6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi được hưởng lợi

Nhờ vận động được nguồn quỹ trên đây, các tổ chức Hội từ trung ương đến địa phương đã tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm của Hội và tổ chức nhiều hoạt động khác thiết thực, hiệu quả, trợ giúp cho hơn 2,6 triệu lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác. Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền đã chi cho hoạt động mà Hội trực tiếp chủ trì, điều phối là 420 tỷ đồng.

Hơn 11.000 người khiếm thị, người cao tuổi đã được hỗ trợ phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể. Phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 728 người khuyết tật vận động. 482 người được hỗ trợ phẫu thuật tim trong đó phần lớn là trẻ em. Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 289.000 lượt người. Tặng thẻ BHYT cho 52.000 lượt người... Đã có 10.800 người khuyết tật được tặng xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ khác cho và 4.000 người được nhận xe đạp.

 

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại Quảng Ninh.

 

Về trợ giúp cải thiện sinh hoạt khác, Trung ương Hội và các hội ở các địa phương đã xây mới, sửa chữa 1.400 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Hỗ trợ xây dựng 744 đường tiếp cận dành cho người khuyết tật. Hỗ trợ xây dựng 532 công trình vệ sinh; Trợ cấp thường xuyên cho 21.400 người; Tặng 14.500 suất học bổng, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 425.000 lượt người. Ngoài ra, Hội tham gia hỗ trợ xây cầu, làm đường, tặng góc học tập, hỗ trợ học đường... Các tổ chức Hội đã dạy nghề cho 3.300 người khuyết tật, trong đó có khoảng 70% được tạo việc làm, có thu nhập. Hỗ trợ vốn làm kinh tế cho 1.100 người; có 678 hộ gia đình được hỗ trợ vật nuôi.

 Năm 2015, các tổ chức Hội đã triển khai hỗ trợ khuyết tật, trẻ mồ côi tại 73 xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp cho 10.000 lượt người hưởng lợi với tổng số kinh phí 29,3 tỷ đồng. Chương trình đã góp phần tích cực, có hiệu quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Ngoài các nhóm hoạt động trên, một số tổ chức Hội đã thực hiện hoạt động khác như: tặng máy tính, dụng cụ sản xuất, cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo, nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già, người nghèo, trợ cấp đột xuất, hỗ trợ mai táng, ủng hộ đồng bào bị bão lũ.…. với tổng số tiền là 50 tỷ đồng. Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, các hoạt động tư vấn, phản biện đối với chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi. Một số tỉnh, thành Hội tổ chức trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Nhân dịp này, Bộ LĐ-TB&XH đã tặng Bằng khen cho 5 cá nhân thuộc Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có thành tích xuất sắc trong năm 2015. Đồng thời tặng Bằng khen cho 2 cá nhân và 1 tập thể thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có thành tích thực hiện đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn.

 

Năm 2016, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồi côi Việt Nam đặt mục tiêu vận động quỹ đạt trên 150 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ vận động được tổ chức dạy nghề cho 1.500 người; phẫu thuật mắt cho 4.500 ca; phẫu thuật phục hồi chức năng và phẫu thuật tim cho 1.200 ca; tặng 6.000 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp; tặng 1.500 xe đạp, 6.000 suất học bổng; hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại 70 xã xây dựng nông thôn mới và một số hoạt động khác như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế, xây dựng, sửa chữa nhà tình thương….

Vân Khánh/ Báo Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh