Những điều kiêng kỵ cần tránh khi đi lễ chùa
- Văn hóa
- 13:05 - 28/01/2020
Sắm sửa lễ vật
Chỉ được sắm các lễ chay, không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Bạn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại bàn thờ hay điện thờ.
Khi đến dâng hương tại các chùa bạn chỉ được sắm các lễ chay như: Hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi, chè. Không nên đặt lễ mặn như: Trâu, dê, lợn, thịt gà, giò, ở khu vực Phật điện tức là chính điện, là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi.
Không đi cửa chính vào chùa
Khi bước vào nhà chính của chùa là nên bước vào từ cửa bên, không bước vào cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính.
Cổng chính vào chùa còn gọi là cổng Tam quan, theo quan niệm xưa cửa giữa chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương. Vì vậy nếu để ý bạn sẽ thấy nhiều chùa không mở cửa chính. Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái).
Không đi giày dép vào Phật đường, Tam Bảo
Đi giày dép vào Tam bảo, Phật đường là điều kiêng kị khi đi lễ chùa. Ở hầu hết các chùa ở Việt Nam đều hướng dẫn người đến lễ đặt dép, giày ở ngoài vì khu vực Tam bảo, Phật đường là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng Phật… Không được làm ồn hoặc nói những lời bất kính. Đặc biệt, cần tránh thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật, Thánh…
Không đi cắt ngang mặt những người đang quỳ lạy
Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
Không dùng miệng thổi tắt hương/nến
Tuyệt đối tránh việc châm hương sau đó thổi tắt bằng miệng. Hãy nhẹ nhàng dùng tay phẩy nhẹ.
Không tùy tiện nhét tiền công đức
Trong chùa luôn có nơi đựng tiền công đức rõ ràng và dễ nhìn. Nếu muốn góp tiền giọt dầu, công đức cho tăng chúng, đệ tử của Phật, hãy đặt vào các vị trí được chỉ dẫn đó. Tại các lễ chùa, hiện tượng này hiện này đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra nhiều nơi.
Không chạm, sờ vào tượng Phật
Nhiều người vẫn có những quan niệm hết sức sai lầm rằng sờ mó, xoa tiền hay chạm vào tượng Phật sẽ được nhiều lợi lộc, sức khỏe. Không hề có chuyện như vậy. Những hành vi bất kính như vậy chỉ làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, linh thiêng vốn có nơi cửa Phật.
Không ăn mặc xuề xòa hoặc phản cảm
Chùa là nơi linh thiêng thờ phật, là cõi thanh tịnh vài vậy khi bạn đi lễ chùa cần chú ý về trang phục của mình. Khi vào chùa bạn cần mặc quần áo dài, kín cổ, giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở hang, lòe loẹt.
Không tự ý chụp ảnh/quay phim tượng Phật
Chụp ảnh là điều kiêng kỵ khi đi lễ chùa bởi chùa vốn là nơi thờ Phật, chốn linh thiêng. Đồng thời, khi đứng khấn vái, bạn cũng không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo sang một bên. Đặc biệt là chụp những bức ảnh tạo dáng không lịch sự, trang nghiêm.
Cầu nguyện
Dưới đây là những điều không được cầu khi đi chùa lễ Phật ai cũng phải tránh nhé:
Đừng cầu thân thể không bệnh khổ, vì không bệnh khổ thì lòng tham sẽ dễ sinh. Muốn lấy thuốc lành trị bệnh khổ, thì nên thực hành giác ngộ giải thoát khỏi thế giới này.
Đừng cầu không khó khăn, vì có khó khăn thì đạo tâm mới kiên cường.
Bước qua được khó khăn thì con đường càng lớn, mỗi lần vượt qua trở ngại thì bầu trời càng cao rộng hơn.
Đừng cầu tâm không khúc mắc, vì tâm không khúc mắc thì ngạo mạn dễ sanh.
Không cầu lợi về mình, chấp trước vào mình dễ sinh vào ba cõi xấu.
Nguyện chịu bệnh khổ thế chúng sinh, khiến họ đều được thân tâm an lạc.
Không cầu làm việc mong dễ thành công vì người ở trong cảnh thuận lợi khó tu hành.
Nghịch cảnh thuận cảnh không phân biệt, việc thành việc bại đều như nhau.
Không cầu danh lợi, tham muốn danh lợi dễ đọa vào luân hồi.
Không cầu mong báo đáp, vì muốn người báo đáp thì con đường làm ơn đã sai lệch.
Tùy duyên dứt nghiệp đoạn sanh tử, không nợ không thiếu sống an nhàn.
Oan ức không cầu biện bạch, nhẫn nhục chịu đựng trả món nợ xưa.
Không cầu người khác giúp mình, tự lực cánh sinh không nên phan duyên.