Những địa điểm du Xuân Canh Tý 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh
- Văn hóa
- 01:02 - 20/01/2020
Đường Hoa Nguyễn Huệ
Với chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh - Vững tin tiến bước", Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020 được thiết kế thành 3 phân đoạn chính, gần 130 linh vật chuột được tạo hình độc đáo xuất hiện trải dài gần 700m trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Năm 2020 chứng kiến sự hội ngộ kỳ diệu giữa năm bắt đầu một thập kỷ mới (chu kỳ 10 năm) theo Dương lịch và năm bắt đầu một chu kỳ 12 giáp mới theo Âm lịch – con giáp Tý. Vì thế, tạo hình linh vật của năm được xem là linh hồn, cũng là phân cảnh kiến trúc được trông đợi nhất tại Đường hoa năm nay.
Thể hiện đúng ý nghĩa của lễ hội Tết cổ truyền, sắc thái văn hóa truyền thống được thổi vào hình tượng chú Chuột năm Canh Tý thông minh, linh hoạt và đoàn kết gắn với các chủ đề về con người, văn hóa của vùng đồng bằng sông nước Nam bộ và môi trường xã hội hiện đại hiện lên sinh động, tươi vui.
Đường Hoa Nguyễn Huệ Xuân Canh Tý 2020 sẽ chính thức mở cửa để người dân Thanh phố cũng như du khách tham quan từ ngày 28 tháng Chạp tới ngày mùng 6 tết.
Hội Hoa Xuân Tao Đàn
Xuân Canh Tý 2020 là năm thứ 40 Công viên Tao Đàn (số 55C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1) tổ chức Hội Hoa Xuân. Để người dân thưởng lãm khi vui xuân, Hội Hoa Xuân được tổ chức từ ngày 19/01 đến ngày 30/01.
Cổng Nguyễn Thị Minh Khai được thiết kế hình tượng cánh chim hòa bình vỗ cánh tung bay để kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cổng Cách Mạng Tháng Tám lấy ý tưởng cành mai Xuân dáng rồng bay để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; cổng chính Trương Định chọn bố cục cách điệu số 40 để kỷ niệm 40 mùa hoa phục vụ nhân dân vui Xuân.
Theo kiến trúc sư Hồ Vĩnh Anh cho biết: "Bên trong Hội Hoa Xuân có rất nhiều tiểu cảnh độc đáo, mới lạ như thiết kế trần nhà xanh với các cây mọc ngược xuống để khách tham quan thưởng lãm và chụp hình; cầu treo hoa di chuyển lên xuống rất sinh động, bắt mắt. Các bộ sưu tập cây kiểng cũng đặc sắc hơn các năm như bộ lan hài ở Đà Lạt, bộ mai hình dáng lạ từ Long An, cây hồng cổ thụ thân gỗ đến từ Đồng Nai hay mô hình cây mai ghép từ thân cây vú sữa để tạo mùi thơm lâu... Nhìn chung tất cả mọi ý tưởng đẹp, lạ từ trong thiết kế nay đã thành hiện thực để chào đón khách".
Hội Hoa Xuân Phú Mỹ Hưng
Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Canh Tý sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 29 Tết (ngày 17/01 đến 23/01/2020). Riêng các hạng mục Đường xuân, Bến xuân, Vườn xuân sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 25 đến hết ngày mùng 5 Tết.
Với chủ đề của Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng Tết Canh Tý 2020 "Rước Lộc Đồng Hoa". Đây tiếp tục là một chủ đề tiếp nối trong loạt đề tài "Hoa đồng cỏ nội" mà Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng đã đăng ký bản quyền và thực hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua.
Lễ hội Mai Phú Quý
Lần đầu tiên được tổ chức, Lễ hội hoa Xuân hoành tráng nhất Việt Nam đang diễn ra (từ ngày 14/01 đến ngày 29/01) tại Công viên ánh sáng rộng 36hata thuộc khuôn viên Vinhomes Grand Park, quận 9. Với chủ đề "Mai Quý Quý", người dân thành phố có dịp chiêm ngưỡng 1.000 gốc mai quý hiếm thuộc hàng cổ thụ khoe sắc vàng rực rỡ.
Với quy mô "khủng" nhất từ trước đến nay, "Mai Phú Quý" đã được xác lập kỷ lục "Lễ hội hoa mai lớn nhất Việt Nam". Đặc biệt, những người yêu hoa sẽ có dịp chiêm ngưỡng những cây mai quý, thuộc hàng cổ thụ cả "trăm năm tuổi" với chiều cao lên tới 2,5m.
Bên cạnh đó, cư dân Thành phố và du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng đại cảnh hoa ấn tượng được kết từ hơn 100.000 giỏ hoa muôn sắc màu. Vườn hoa Đào miền Bắc cũng đã được tái dựng tại khuôn viên. Bãi biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Chợ Hoa Tết Công viên 23/9 và Công viên Gia Định
Đây được xem là hai chợ hoa tết lớn nhất Thành phố từ trước tới nay, các loại hoa, cây kiểng từ khắp các miền đất nước đã được các nhà vườn chuyển về để phục vụ người dân Thành phố từ ngày 23 tháng chạp tới trưa ngày 30 tết.
Không chỉ để mua sắm những chậu hoa về chưng tết, chợ Hoa Tết cũng là nơi để người dân và du khách có thể thưởng lãm, chụp cho mình những tấm hình đẹp lưu giữ kỷ niệm Xuân Canh Tý 2020.
Chợ Hoa Tết "Trên bến dưới thuyền"
Dù chợ hoa nhộn nhịp, đông đúc "trên bến dưới thuyền" nhưng vẫn tìm được linh hồn truyền thống của phố chợ, chính là nét dung dị, sự bình an như là chốn quay về nơi vườn tược, sông nước của nếp quê mộc mạc miền Nam Bộ khi xưa.
Khu chợ ven sông dài khoảng 3km thuộc phường 11, 13, 14 - quận 8, như là nét chấm phá bình lặng trong một bức tranh tổng thể của một thành phố đầy năng động.
Chẳng ai biết chợ hoa Tết bến Bình Đông có từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi tàu thuyền trên kênh Tàu Hủ lưu thông vào Chợ Lớn, dịp Tết đến là hoa trái khoe sắc trên bến lẫn dưới thuyền. Bến Bình Đông ngày Tết không hẳn là chợ nổi trên sông nhưng nó vừa mang vẻ đẹp của một chợ hoa truyền thống ở đồng bằng Nam Bộ vừa mang nét đẹp dung dị của khu chợ nổi trên vùng sông nước miền Tây thân thuộc được hòa vào trong không gian nhộn nhịp của một thành phố năng động bậc nhất…
Không khí nhộn nhịp, vui tươi mà rất thân thuộc bởi sự bình dị, cái tình giữa người bán và khách du xuân. Chợ hoa Tết "Trên bến dưới thuyền" (đường Trần Xuân Soạn, quận 7) đặc biệt chính là nhờ nét dung dị, dịu dàng rất riêng, không hòa lẫn của một thành phố năng động. Mà ở đó, nhiều thế hệ người dân Thành phố mang tên Bác xem là chốn bình yên để quay về mỗi khi Tết đến xuân về.