THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:07

Những cựu chiến binh và hành trình tìm kiếm, lưu giữ kỉ vật chiến tranh

Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Phú Xuyên, Hà Nội) là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam, được thành lập bởi tấm lòng, công sức và tâm nguyện của  cựu chiến binh Lâm Văn Bảng và rất nhiều đồng đội của ông. Nguyên là cựu tù binh Phú Quốc thời chống Mỹ, cứu nước, bị giam cầm và chứng kiến đồng đội của mình phải chịu đựng đòn roi tra tấn của kẻ thù, sống sót trở về, ông Lâm Văn Bảng có ý tưởng phải thành lập một nơi để lưu giữ những kỷ vật thời chiến tranh và tưởng nhớ, tri ân các đồng đội đã ngã xuống.

 "Khi bị địch bắt và giam cầm, tôi được tận mắt chứng kiến rất nhiều đồng đội bị tra tấn, tù đày có những người đã hi sinh ngay sau những màn tra tấn khủng khiếp của quân địch… những ký ức đó nó cứ trăn trở, ám ảnh tôi suốt cuộc đời", ông Bảng kể lại.

Những cựu chiến binh và hành trình tìm kiếm, lưu giữ kỉ vật chiến tranh - Ảnh 1.

Ông Lâm Văn Bảng và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày do ông sáng lập

Sau ngày trở về, (năm 1973, theo Hiệp định Paris) cho tới năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 208 quản lý đường bộ), khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ,  đơn vị của ông phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu, sau khi vớt lên, rút thuốc, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. "Sau đó tôi bất chợt nghĩ rằng, góc khuất của cuộc chiến tranh đó là máu xương của người chiến sĩ, những người đồng đội của tôi... May mắn hơn nhiều anh em khác là mình có ngày về nên tôi luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội đồng thời phơi bày những tội ác của kẻ thù cho mọi người biết. Nhất là những hình ảnh đồng đội bị tra tấn, vì vậy mà tôi quyết tâm đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ …" - ông Bảng nói.

Nói về hành trình đi tìm kiếm những kỷ vật chiến tranh, ông Bảng cho biết, khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là tuổi cao, sức yếu việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần "4 tự" là tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm nên những khó khăn đó dần qua đi. Ban đầu gia đình, làng xóm chưa hiểu hết nên không tán thành, chính vì vậy khi sưu tầm các kỷ vật về chỉ để vào phòng truyền thống diện tích vẻn vẹn 12m2 tại gia đình. "Sau này, đi tới đâu tôi cũng mang kỷ vật đi cho anh em xem. Từ đó cũng để giới thiệu với mọi người hiểu, góp sức cho công việc ý nghĩa đó", ông Bảng kể.

Thời điểm đó, ông đã đi khắp mọi miền đất nước, tìm kiếm các di vật chiến tranh từ đồng đội và gia đình các liệt sĩ còn lưu giữ. Ban đầu, bảo tàng chỉ là một Phòng truyền thống các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, sau này, khi các đoàn khách đến tìm hiểu, tham quan càng đông, hiện vật sưu tầm và hiến tặng ngày càng nhiều, phòng truyền thống được nâng cấp thành Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. Từ ngôi nhà gỗ đầu tiên được tặng đến các tủ trưng bày được hỗ trợ hoặc mua thanh lý với giá rẻ, rồi công sức lao động của các thành viên tham gia, bảo tàng dần dần mở rộng, hình thành các khu trưng bày theo chủ đề như Khu địa ngục trần gian, Khu hiện vật ngoài trời, Khu trưng bày hình ảnh, mô hình thủ đoạn tra tấn và chứng tích tội ác chiến tranh …

Tháng 10/2006, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chính thức ra đời với hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật, hình ảnh của các chiến sĩ, đồng đội trao tặng lại. Trải qua 15 năm thành lập, Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày đã làm tốt công tác sưu tầm, thu thập và bảo quản hiện vật; góp phần lưu giữ lại truyền thống cách mạng của các thế hệ chiến sĩ trong chiến tranh. Đến nay, Bảo tàng đang trưng bày, lưu giữ và tái hiện hơn 4.000 hiện vật và được chia thành 10 khu khác nhau để giúp cho du khách dễ tham quan, tìm hiểu.

Những cựu chiến binh và hành trình tìm kiếm, lưu giữ kỉ vật chiến tranh - Ảnh 2.

Những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến được tái hiện trong Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày

Mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Đó có thể là câu chuyện về lá cờ Tổ quốc bằng máu của ông Nguyễn Thế Nghĩa – một cựu chiến binh ở Bắc Giang hiến tặng cho bảo tàng. Khi trao tặng lá cờ này, ông Nghĩa rưng rưng, dặn dò ông Nguyễn Văn Bảng: "Đây là sinh mạng chính trị cả đời của tôi, trong lúc mọi người đang mưu sinh với cuộc sống, người ta xe hơi nhà lầu, tôi chỉ có lá cờ này như mạng sống của mình thôi…". Sự độc ác của quân thù và sự bất khuất của chiến sĩ ta cũng được tái hiện rõ trong từng hiện vật tại bảo tàng, đó là những chiếc thùng phuy chỉ vừa một chiến sĩ ngồi rồi chúng dùng búa gõ trên đỉnh cho tới khi đinh tai nhức óc, trào máu mắt, máu miệng. Đó là chuồng cọp, căn hầm cầm cố tù nhân hàng tuần không được tắm rửa...

Cùng với hệ thống bảo tàng công lập, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ nhiều hiện vật, là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bảo tàng còn phối hợp các bảo tàng công lập như Phòng không, không quân, Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh tổ chức các đợt triển lãm, trưng bày hiện vật… phục vụ tuyên truyền các ngày lễ lớn của đất nước. Trong 15 năm qua, Bảo tàng đã đón nhiều đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước và hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, gặp mặt giao lưu; tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Ngoài ra, Bảo tàng đã vận động quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa cho thân nhân gia đình liệt sĩ, tổ chức quy tập hài cốt các anh hùng liệt sĩ tại đảo Phú Quốc; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, vận động, quyên góp hàng, tiền mặt ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, tặng quà bộ đội Trường Sa…

Không "hoành tráng" như Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhưng ăn phòng nhỏ rộng  gần 20m2 của gia đình cựu chiến binh  Bùi Văn Bình ở khu 3, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ hiện cũng đang lưu giữ và trưng bày rất nhiều những kỷ vật mang nặng những giá trị lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Từng, trực tiếp nhiều lần tham gia khâm liệm, chôn cất đồng đội hy sinh tại mặt trận, ông Bùi Văn Bình vẫn nhớ khi chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, anh em thường nhắn với nhau  "Mai này đất nước thống nhất, ai còn sống nhớ phải về đây thắp hương cho những người nằm lại...". Lời nhắn nhủ đó thôi thúc ông quyết tâm làm một "bảo tàng" trưng bày kỉ vật trong chiến tranh. Đó cũng là việc làm tri ân, thực hiện lời hứa với đồng đội.

Những cựu chiến binh và hành trình tìm kiếm, lưu giữ kỉ vật chiến tranh - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Bình giới thiệu những kỷ vật chiến tranh mà ông sưu tầm được

Từ năm 2013 đến nay, ông Bình đã lặn lội khắp mọi miền tổ quốc,  sưu tầm được hơn 600 kỷ vật; ông sắp xếp ngăn nắp, khoa học trên những chiếc giá gỗ và tủ kính trong ngôi nhà của mình. Đó là những chiếc bình tông, ăng-gô; Vỏ các loại đạn pháo; những chiếc áo chấn thủ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; Bản đồ thời chiến; Những lá thư viết vội của người chiến sĩ gửi về hậu phương; Nhiều vật dụng với đời sống của bộ đội một thời khói lửa; Chiếc chóe đựng cơm được tiện bằng gỗ mít trong thời kỳ cải cách ruộng đất; chiếc xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Chiếc la bàn, tấm bản đồ sân bay quân sự… Đặc biệt, có nhiều chiến lợi phẩm được bộ đội ta sáng tạo làm thành những đồ dùng hữu ích, như: Chiếc ghế làm từ xác máy bay B-52, chiếc ca uống nước, chiếc lược, bình hoa làm bằng các loại vỏ đạn pháo của địch…

Ngoài việc sắp xếp, bảo quản cẩn thận các kỉ vật, ông Bình còn chụp ảnh lưu vào 3 cuốn album với đầy đủ các thông tin.  Hằng tháng, ông trích một phần tiền lương hưu, cùng chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp các nẻo đường để sưu tầm hiện vật chiến tranh... Dù trời mưa hay nắng, khi có thông tin là ông lại ba lô, khăn gói lên đường, tìm đến tận nơi có kỉ vật chiến tranh. Có nơi ông phải lặn lội tìm đến 4 lần mới  thuyết phục chủ nhân của những kỷ vật này đồng ý để ông mang về trưng bày. Hằng năm cứ đến dịp lễ, Tết, Ngày giải phóng miền Nam (30/4), Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), căn phòng nhỏ của gia đình ông là nơi thường xuyên tham quan gặp gỡ, giao lưu của các cự chiến binh, các em học sinh và nhân dân địa phương… Tuy "bảo tàng" của ông chỉ rộng hơn 20m2 nhưng đã trở thành "địa chỉ đỏ", nơi thường xuyên gặp gỡ, giao lưu của các cựu chiến binh và nhân dân địa phương; là lớp học giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ lịch sử chiến đấu hào hùng của cha ông …

Trên mảnh đất hình chữ S hôm nay, còn rất nhiều những "bảo tàng" lưu giữ những kỷ vật chiến tranh như thế được chính những ngươi lính năm xưa sưu tầm, lưu giữ và trưng bày. Họ tìm kiếm và gìn gữ những kỷ vật của thời chiến không chỉ để tri ân những đồng đội đã ngã xuống mà còn còn góp phần tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, giáo dục cho lớp trẻ về lòng tự hào, tự tôn và truyền thống dân tộc mà không sách vở nào thay thế được.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh