THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:02

Những bóng hồng đạp sóng vươn khơi

Khi những bà nội trợ… ra khơi

Là dân miền biển nên cuộc sống của chị Ri cũng bám lấy biển, mặc dù đã tuổi lên bà, nhưng hằng ngày chị vẫn cùng chồng vươn khơi bám biển. 53 tuổi, bây giờ trong thôn chị là một trong những “lão làng”, kinh nghiệm đi biển của chị không thua kém gì cánh đàn ông.

Những ngày đầu tháng 11, khi tiết trời đã bắt đầu chuyển gió, biển vồ vập những cơn sóng dữ, ngư dân phải neo thuyền, chờ trời yên biển lặng mới tiếp tục công việc. Nhà chị Ri nằm sâu trong hẻm nhỏ ở cuối thôn, căn nhà cấp 4 chật chội trong đó lỉnh kỉnh những lưới, cần câu... những dụng cụ phục cho việc đánh bắt cá. Những ngày biển động, không thể đi biển chị ở nhà vá lưới. Thấy nhà báo đến, chị xởi lởi: “Chú ngồi chơi đợi tôi tí, vá cho xong cái chỗ rách này rồi muốn hỏi chi tôi cũng nói”.

Khi đi biển những phụ nữ như chị Ri đều làm tất cả mọi công việc cùng chồng.

Cũng như những người dân miền biển, chị Ri có dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen, chắc nịch. Năm 20 tuổi, chị lấy chồng, rồi từ đó nghề đi biển bám riết lấy chị cho đến tận bây giờ. Hơn 30 năm đi biển, những ngày đầu là những ngày ác mộng của chị, những cơn say sóng nhiều lúc tưởng như không vượt qua được. Thế nhưng, vì cuộc sống chị lại cam chịu để đứng lên, bây giờ không có cơn sóng nào có thể quật ngã được chị. Vừa rót nước mời khách, chị vừa tiếp chuyện: “Lần đầu tôi đi biển thì lại gặp biển động, tàu thuyền rung lắc, say sóng gần chết. Lần đó tôi nghĩ, nếu chuyến ni về được đến nhà chắc tôi không bao giờ đi nữa. Khổ lắm, đi xe mà say xe thì còn đỡ, chứ đi tàu thuyền thì cực trăm lần”.

Cũng giống như chị Ri, chị Nguyễn Thị Liên, 43 tuổi, ở cùng thôn, cũng có đến 20 năm làm ngư phủ. Những ngày đầu con thuyền cứ tròng trành như trêu đùa chị,  những cơn say sóng ập đến rồi quật ngã chị ngay chính trên con thuyền của mình. Nhưng cái tính kiên cường, chịu khó, chịu khổ của dân miền biển đã giúp chị thắng lại những cơn “thịnh nộ” của biển. Chị Liên kể: “Đứng trong thuyền mà cứ tưởng như mình đang bay, lúc thì nó nghiêng bên này, lúc nó nghiêng bên kia. Lắc lư theo nó một hồi là nằm vật ra giữa sàn lúc nào không hay, rồi nôn ói tứ tung như say rượu. Nhưng tôi được cái lì, càng làm khó làm khăn tôi là tôi cứ bám lấy, đi miết rồi sóng biển cũng chịu thua tôi”.

Lớn tuổi hơn chị Ri, chị Liên- nhưng thâm niên nghề đi biển lại có phần ít hơn. Đó là bà Hoàng Thị Cảnh, năm nay 60 tuổi, thế nhưng đến mùa đi biển bà cũng theo chồng vươn khơi. Hỏi: “Sao bà không ở nhà nghỉ, đi biển chi cho cực?” Bà móm mém nhai trầu, trả lời: “60 tuổi những vẫn còn khỏe lắm, tôi mới đi biển 15 năm. Đi mà phụ giúp chồng. Đi miết rồi cũng quen nên có sợ chi tuổi già với tuổi trẻ”.

Vì biển động không thể ra khơi, chị Ri đành ở nhà vá lại những chiếc lưới đã bị rách, chờ biển lặng sóng lại vươn khơi.

 

Thân gái giữa đại dương

Khi nhắc đến phụ nữ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những người chân yếu, tay mềm, quanh năm quẩn quanh trong nhà nội trợ. Thế nhưng, ít ai biết rằng nhiều phụ nữ ở miền biển đã vượt qua cái định kiến con gái chân yếu tay mềm đó để vượt sóng ra khơi, lênh đênh trên biển nhiều ngày, thậm chí là cả tháng trời để đánh bắt cá. Chị Ri có 5 người con, bây giờ mỗi đứa đi mỗi nơi lập nghiệp, không đứa nào theo nghề làm biển. Thế nhưng, cả 5 đứa con, lúc còn nằm trong bụng mẹ đứa nào cũng đã được chị cho ra khơi.

Chị Ri tâm sự: “Biết rằng có bầu mà đi biển là khổ và nguy hiểm nhưng không đi thì không có cái ăn. Lúc mang bầu tôi vẫn đi mãi cho đến 7-8 tháng, sắp sinh mới ở nhà. Chứ cả 9 tháng mà ở nhà thì lấy chi mà ăn. Cũng may trời thương nên đứa nào yên ổn”.

Khi đứa đầu mới 1 tuổi, chị gởi cho bà nội để ra khơi cùng chồng. Chuyến đi nào cũng vậy, biệt mù trên biển cho đến cả nửa tháng trời mới được về thăm con. Rồi những chuyến biển sau, chị vác dụng cụ đi trước thì đứa con lại chạy theo sau gọi mẹ, nó cứ bám lấy chị không muốn xa, nhưng rồi chị lại gạt nước mắt mà gởi con lại để ra biển.

Tôi hỏi chị Ri: Thường thường những phụ nữ theo chồng ra khơi sẽ làm những việc gì? Chị nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi rồi trả lời: “Chú đừng nghĩ phụ nữ chúng tôi đi theo chồng chỉ để cơm nước, không phải đâu. Chuyện gì đàn ông làm được trên biển chúng tôi đều làm được hết, chồng mệt nghỉ ngơi, thì tôi lái tàu. Chồng lái tàu thì tôi kéo lưới, nhưng bữa nay có sức máy rồi nên cũng đỡ cực, chứ như lúc trước thì kéo đến rã rời chân tay. Trên thuyền chỉ có hai người nên thay phiên nhau làm, người làm việc này, kẻ làm việc kia. Nặng nhọc giống nhau cả”. Nói rồi chị chìa bàn tay cho tôi xem, bàn tay đầy những vết chai sần, sạm đen đi nắng gió vì vị mặn của nước biển.

Chiều về, những người phụ nữ vẫn miệt mài làm cho xong công việc của mình để kịp về chuẩn bị bữa tối cho chồng con. Con thuyền neo ngoài khơi cứ tròng trành theo con sóng, những phụ nữ miền biển ở đây thường ví von mình như những con thuyền, luôn lắc lư, tròng trành trên sóng biển không một phút được lặng yên.

 

Mỗi chuyến đi của họ từ 10 đến 15 ngày mới vào bờ. Thuyền nhỏ, nên mỗi chuyến ra khơi của ngư dân ở đây chỉ có hai người, hoặc là anh em, hoặc là vợ chồng. Cứ mỗi chuyến ra khơi, sau khi trừ chi phí họ thu được từ 5 đến 10 triệu đồng, nhiều lúc thất bát không có đồng nào.

HÀ ĐẠO - ĐẮC THÀNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh