Những chuyến tàu vươn khơi bám biển
- Tây Y
- 13:30 - 09/06/2015
Đang khẩn trương chuyển nốt số ngư cụ, đá lạnh, lương thực lên tàu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi dài ngày, ngư dân Trần Nghĩa, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng quả quyết “Lệnh cấm của Trung Quốc không hề làm chúng tôi nao núng, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục ra khơi bám biển bởi đó không chỉ là bảo vệ ngư trường của Việt Nam mà còn là chuyện sinh kế, mưu sinh của gia đình nhiều đời nay.”
Tại Âu thuyền Thọ Quang, ngư dân Đà Nẵng đang khẩn trương chuyển ngư lưới cụ lên tàu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi bám biển
Không chỉ đối với anh Nghĩa, biển đối với ngư dân Đà Nẵng ngoài ý nghĩa tinh thần còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất của những người dân nơi đây. Không ít gia đình sống bằng nghề đi biển, có của ăn của để cũng nhờ vào những chuyến biển dài ngày, thậm chí có những gia đình nhiều đời sống bằng nghề đi biển. Trong đó, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, nơi Trung Quốc đang đưa ra lệnh cấm phi lý vốn là ngư trường truyền thống bao đời nay của những ngư dân Miền Trung.
Anh Trần Văn Mười, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, chủ tàu DNa 90567, một con tàu được xếp vào hàng lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng chia sẻ, với ngành nghề câu mực khơi, ngư trường truyền thống của tàu DNa 90567 là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ. Trung bình mỗi năm, anh cùng các bạn tàu đi khoảng 3 chuyến, mỗi chuyến kéo dài khoảng 3 tháng. Chính vì vậy, việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm ngay trên ngư trường truyền thống là hết sức vô lý.
Theo những ngư dân nhiều năm đi biển, thời điểm mùa hè thường là mùa ở vịnh Bắc Bộ có nhiều cá. Những ngày này, không chỉ ngư dân Đà Nẵng mà ngay cả những chủ tàu của các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, hiện đang neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang cũng đang khẩn trương chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết, sẵn sàng cho chuyến vươn khơi dài ngày.
“Lúc đầu chúng tôi cũng có chút lo lắng vì một số bạn tàu cho biết, khi ra ngư trường đánh bắt, tàu Trung Quốc xua đuổi rất dữ, nhất là khi gặp được luồng cá nên cũng khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định vẫn sẽ tiếp tục ra khơi, thậm chí kêu gọi cả các bạn tàu cùng vươn khơi vừa đánh bắt, vừa kết hợp bảo vệ chủ quyền” - Ngư dân Nguyễn Dũng, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP. Đà Nẵng cho biết, “Lệnh cấm của Trung Quốc là hết sức phi lý vì đó là ngư trường truyền thống của chúng ta lâu nay, việc ngư dân chúng ta khai thác, đánh bắt hải sản ở vùng biển này là một hoạt động bình thường.” Ông Lĩnh cũng cho rằng, để thuận lợi hơn, ngư dân cũng nên ra khơi đánh bắt theo nhóm, tổ, đội để có thể hỗ trợ nhau trên biển. Đồng thời, phải thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng Việt Nam, nhất là khi có những tình huống xấu xảy ra.