"Những bông hồng thép" của Quân đoàn 4
- Văn hóa - Giải trí
- 12:49 - 15/10/2015
Tôi gọi là “những bông hồng thép” khi lần đầu tiên chứng kiến 46 nữ vận động viên của Quân đoàn 4 tại Hội thao Võ chiến đấu tay không vừa được tổ chức tại tỉnh Bình Dương.
Từ nhân viên nấu ăn trở thành võ sỹ
Cũng như ở các đơn vị khác, lực lượng nữ ở Quân đoàn 4 chỉ là thiểu số, các chị chủ yếu làm công tác nấu ăn. Nhiều chị đã có gia đình và thậm chí con còn nhỏ. Vì vậy để động viên được quân số nữ tham gia hội thao võ tay không là chuyện không hề đơn giản. Ngoài tâm lý thì tố chất của nữ cũng không thể đòi hỏi quá cao về mặt chuyên môn cũng như thể lực. Thời gian tập trung luyện tập cho hội thao lại rất ngắn, chỉ khoảng hơn 1 tháng. Nhưng điều đó không làm nản lòng lãnh đạo chỉ huy các đơn vị. Và điều quan trọng hơn cả là các chị đều tỏ ra vô cùng quyết tâm khi được đơn vị động viên, tạo mọi kiện để tham gia luyện tập.
Trung tá Đỗ Văn Hợi, trợ lý thể dục thể thao Quân đoàn, Thành viên Ban Tổ chức cho biết: “Võ chiến đấu tay không là môn mới phát triển từ năm 2014, thông qua chương trình tập huấn của toàn quân và hướng dẫn triển khai của Bộ tư lệnh Quân đoàn đến các đơn vị. Qua đó các đơn vị có phương án nghiên cứu nắm bắt tinh hoa võ thuật của bộ đội đặc công, trinh sát, đặc nhiệm, công an nhân dân và xây dựng phương án giáo trình luyện tập. Đây là lần đầu tiên Quân đoàn 4 tổ chức giải Võ chiến đấu tay không mà có nữ tham gia. Và chúng tôi rất vui khi thấy tinh thần quyết tâm cao cùng tâm lý thi đấu hoàn toàn thỏa mái của các vận động nữ”.
Nỗi lo lắng của lãnh đạo và hầu hết các vận động nữ trước hết có lẽ là ở thể lực. Vì ngoài nhiệm vụ vẫn phải hoàn thành mỗi ngày thì việc luyện tập của các chị diễn ra trong thời gian rất ngắn lại chỉ được tập tranh thủ lúc ngoài giờ là chủ yếu. Vì vậy, điều quan trọng hơn cả mà các bộ phận chức năng được phân công là tổ chức huấn luyện thể lực, kết hợp với việc luyện tập kỹ, chiến thuật, các đòn thế, nghiên cứu thế mạnh của từng cá nhân về đòn chân, tay… Có lẽ cũng là lần đầu chị em tham gia giải nên đơn vị xác định không đặt nặng chuyện thành tích và những giải thưởng. Điều này vô cùng quan trọng đến tâm lý của các chị, vì thế những chiếc huy chương vàng lấp lánh mang về ở cuối giải thực sự là những bất ngờ kỳ diệu.
Trung úy Nguyễn Thị Hiền và Trung úy Lê Thị Nguyệt vui mừng dành 2 HCV về cho Trường quân sự Quân đoàn 4
Thăng hoa trên võ đài
Những giây phút căng thẳng hồi hộp, mất ăn, mất ngủ trước lúc thi đấu của những người các nữ vận động viên chưa một lần so găng như tan biến và vỡ òa qua từng trận đấu. Ban giám khảo và khán giả hoàn toàn bị cuốn hút và chinh phục bởi những cú ra đòn chuẩn xác, mạnh mẽ đầy uy lực của chị em. Đó là những hình ảnh hoàn toàn khác biệt với những gì mà cánh mày râu vẫn chứng kiến mỗi ngày. Mồ hôi và những giọt nước mắt khi những chiếc huy chương tỏa sáng trên tay họ.
Cú ra đòn của Trung úy Hoàng Thị Huệ, nhân viên hậu cần Lữ đoàn pháo binh 434 – HCV Hội thao Võ chiến đấu tay không lần thứ nhất
Vui sướng dành huy chương vàng ở hạng cân 57- 60kg, Trung úy Nguyễn Thị Hiền, nhân viên hậu cần Trường quấn sự tâm sự: “Tôi may mắn sự giúp đỡ và ủng hộ của chồng con nên rất an tâm luyện tập, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Dù rất nỗ lực nhưng tôi cũng không tin mình dành được huy chương vàng”. Nước da trắng, dáng dấp thục nữ dịu dàng, Trung úy Lê Thị Nguyệt đem lại cho nhiều người sự ngỡ ngàng khi đoạt HCV ở hạng cân 54 -57kg. Rạng rỡ niềm vui, chị chia sẻ: “Bản thân rất thích tập võ để rèn luyện sức khỏe và để tự vệ nhưng nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì quá trình tập luyện gây nhiều đau nhức, mệt mỏi nhưng quả thật tôi không nỡ phụ lòng nhiệt tình của huấn luyện viên.”
Luyện tập hết mình trước khi lên võ đài
Còn ở hạng cân 51 – 54kg, người con gái xứ Thanh – Trung úy Hoàng Thị Huệ, nhân viên hậu cần của Lữ đoàn pháo binh 434 lại một lần nữa khẳng định sự ổn định của mình bằng chiếc HCV thứ 2 trong cuộc đời so găng của mình. Năm 2014, lần đầu tiên tham dự Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn quân ở Trung tâm huấn luyện quốc gia Miếu Môn đã đem về 1HCV trong tổng số 7 HCV góp phần đưa Quân đoàn 4 đoạt giải nhất toàn đoàn. Nhớ về trận chung kết năm đó, Huệ nói: “Tôi gặp đối thủ đến từ binh chủng Đặc công. Thực sự tôi lo lắm, chị ấy đến từ cái nôi của võ thuật quân đội rất dày dặn kinh nghiệm, còn mình chỉ mới tập được hơn một tháng không biết đánh sao đây? Nhưng tôi xác định đằng nào thì mình cũng thua nên cữ đánh hết mình theo những gì mà huấn luyên viên chỉ dạy, chính vì lẽ đó em đã chuyển được tâm lý thoải mái và dành chiến thắng”.
Công việc hàng ngày của “Những bông hồng thép”
Nhà thi đấu của Quân đoàn 4 như vỡ òa khi chủ nhân của những chiếc HCV, HCB tiếp tục được xướng tên: Dương Kiều Loan, Lê Thanh Bình, Trần Thị Hạnh, Châu Thị Hiền, Vũ Thị Minh Nguyệt, Trần Thị Hương, Trần Thị Hoa, Nguyễn Thị Loan…
Lần đầu tiên Quân đoàn 4 tổ chức hội thao Võ chiến đấu tay không có lực lượng nữ tham gia, dù trình độ, lứa tuổi không đồng đều, nhưng các chị đã để lại ấn tượng thật đẹp với tinh thần “Đoàn kết, trung thực và cao thượng”. Khi tôi hoàn thành bài viết này thì những người phụ nữ của Quân đoàn 4 đã trở về công việc thường ngày của mình. Các chị đang góp phần đảm bảo sức khỏe cho bộ đội bằng những đôi tay khéo léo, họ xứng đáng là “những bông hồng thép” sát cánh cùng đồng đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.