THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:31

Những bí kíp giúp cha mẹ kết nối với teen

Những thay đổi về tâm lý tuổi mới lớn

Trẻ nhỏ dễ bảo, dễ chiều và gần như nghe lời cha mẹ tuyệt đối, tuổi teen thì khác. Ở tuổi này, trẻ bắt đầu có chính kiến, thích khẳng định cái tôi của bản thân, thích tự do, thậm chí nổi loạn. Do sự hoạt động mạnh mẽ của hormone giới tính, trẻ có thể trở nên nhạy cảm hơn, dễ cáu gắt hoặc buồn bã, hay lo âu và suy nghĩ, chỉ một câu mắng của cha mẹ hoặc thầy cô cũng có thể khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương sâu sắc.

Tuổi mới lớn, trẻ bắt đầu để ý đến hình thức bên ngoài, sợ bị người khác chê béo, chê xấu, luôn cảm thấy không hài lòng về bản thân. Trẻ cũng thường lo lắng về việc mình học chưa thực sự giỏi, sợ bị người khác đánh giá thấp hoặc đưa ra các nhận xét tiêu cực.

Một số trẻ trở nên cẩn trọng khi giao tiếp với mọi người, thậm chí với cả cha mẹ. Một số trẻ bắt đầu cảm Những bí kíp giúp cha mẹ kết nối với teen thấy “rung rinh” trước bạn khác giới, muốn được cha mẹ tôn trọng quyền riêng tư, nhưng đôi khi trẻ càng muốn được riêng tư thì cha mẹ lại càng quản chặt hơn.

N.A, một học sinh lớp 9 cho biết: Từ lúc dậy thì, bố mẹ và mọi người bảo em bị tự kỷ nên em không dám tiếp xúc ai. Thực ra, em không ngại gặp ai, chỉ là chủ đề mà người lớn hay nói không phải là chủ đề em quan tâm. Người lớn rất hay bình luận và phán xét người khác. Bố thường chê em học dốt, bà nội bảo em béo, thực sự em không mấy hứng thú khi nói chuyện với bố và bà.

Còn T.M, một học sinh lớp 10 kể: Ngoài chuyện học hành, bố mẹ chả bao giờ hỏi em các chuyện khác. Em có mượn điện thoại mẹ nhắn tin vài lần cho bạn, mẹ bảo em “nứt mắt đã yêu đương vớ vẩn” và cấm em không được động vào điện thoại nữa.

Đôi khi trẻ không muốn tâm sự với cha mẹ vì cha mẹ chưa thực sự thấu hiểu trẻ. Ảnh minh họa

Đôi khi trẻ không muốn tâm sự với cha mẹ vì cha mẹ chưa thực sự thấu hiểu trẻ. Ảnh minh họa

Chia sẻ của N.A và T.M chỉ là những tâm tình nhỏ mà đôi khi các bậc phụ huynh không quan tâm, để ý. Là cha mẹ, bạn đã thực sự hiểu những đứa trẻ tuổi teen của mình?!

6 cách đơn giản giúp cha mẹ kết nối với teen

Có vô số bí kíp để kết nối với trẻ tuổi teen rất dễ thực hiện mà nhiều khi cha mẹ không chú tâm, đã bỏ lỡ.

Nói yêu con mỗi ngày

Khi teen còn là một đứa trẻ, ngày nào chúng cũng được cha mẹ “rót mật” vào tai bằng những lời yêu thương tha thiết: “Bố/ mẹ yêu con nhất trên trần đời”/ “Công chúa/ hoàng tử bé bỏng của bố/ mẹ đâu rồi”… Ấy vậy mà, khi đứa trẻ ấy trở thành một chàng trai và cô gái mới lớn, chúng không còn được nghe thường xuyên những lời yêu thương như thế nữa. Dù trẻ đã lớn nhưng vẫn là con của bạn, và cho dù chúng có lớn nhường nào thì vẫn thích được cha mẹ nói yêu thương mỗi ngày.

Cùng con ăn bữa cơm gia đình

Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không có nhiều gia đình hiện nay duy trì được. Nhiều teen ăn bán trú bữa trưa ở trường hoặc không ăn bán trú thì sẽ về nhà ăn cơm một mình, các bậc cha mẹ thường ăn cơm trưa tại cơ quan. Còn bữa tối, để kịp học thên, trẻ sẽ ăn sớm hoặc muộn hơn mọi người trong gia đình. Do đó, một bữa cơm chung có đầy đủ các thành viên đôi khi là một điều rất khó. Tuy nhiên, nếu cha mẹ thực sự muốn ăn cơm cùng con, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp công việc và thay đổi thời gian biểu một cách linh hoạt.

Khi ăn cơm cùng con, cha mẹ không nên chỉ mải miết nghe thời sự trên tivi hay “dán” mắt vào điện thoại. Bạn đi làm cả ngày và con cũng đi học cả ngày, chỉ có buổi tối để cả nhà đoàn tụ, tất cả các thành viên cần tập trung cho bữa ăn. Cha mẹ vừa ăn vừa có thể tranh thủ hỏi han con chuyện bạn bè và học hành trên lớp. Tránh chỉ trích hay phê bình con trong bữa ăn, nếu không hài lòng điều gì về trẻ, cha mẹ nên để sau bữa ăn hãy góp ý.

Cùng con làm một điều gì đó

Nhiều phụ huynh làm bạn cùng con bằng cách rủ con tham gia một hoạt động nào đó. Ví dụ, hai mẹ con có thể cùng nhau đi bộ quanh công viên gần nhà sau giờ tan học; hai bố con có thể cùng nhau chơi đánh cầu lông hoặc cờ vua vào cuối tuần. Hoặc chỉ đơn giản là tháng một lần bạn đưa con đi xem phim ngoài rạp, để cho con được quyền lựa chọn phim mà con thích. Các hoạt động này giúp cho cha mẹ và con cái xích lại gần nhau hơn.

Làm bạn với teen không khó nếu như cha mẹ thực sự hiểu con. Ảnh minh họa

Làm bạn với teen không khó nếu như cha mẹ thực sự hiểu con. Ảnh minh họa

Tôn trọng các sở thích cá nhân của con

Nhiều cha mẹ nổi đóa khi thấy con thần tượng K-Pop hoặc thích một ca sĩ Âu - Mỹ nào đó ăn mặc trông rất kỳ quái. Hãy nhớ lại thời đi học của bạn, có phải bạn cũng từng thích một nghệ sĩ nào đó trông thật khác biệt và tiên phong. Mỗi một thế hệ sẽ có một sở thích và quan điểm sống khác nhau, đừng bắt trẻ phải sống giống như bạn, và bạn càng không nên cấm đoán hay chỉ trích trẻ. Bạn chỉ nên can thiệp khi trẻ quá sa đà vào chuyện thần tượng mà quên việc học. Ngược lại, nếu có thể, cha mẹ hãy thử tìm hiểu về những đam mê và sở thích của trẻ, có khi bạn lại thấy “nghiền” cũng nên.

Kết bạn với con trên mạng xã hội

Một số teen chặn Facebook của cha mẹ và họ hàng hoặc nếu kết bạn chúng sẽ hạn chế cha mẹ đọc một số bài viết của mình hoặc dùng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau để “ẩn mình” trước cha mẹ. Bạn đừng vội tức giận khi bị con làm ngơ, không kết bạn trên không gian mạng không có nghĩa là bạn không thể giao tiếp và làm bạn cùng con ngoài đời. Tuy nhiên, nếu có thể, hãy gửi lời mời kết bạn tới tài khoản mạng xã hội của con. Một lời mời chân thành và kiên trì có thể khiến cho trẻ suy nghĩ lại. Việc cha mẹ có thể kết nối với con trên không gian mạng sẽ giúp cho bạn hiểu hơn về con mình. Tuy nhiên, hãy dõi theo con một cách âm thầm, đừng nhảy vào bình luận trong mọi bài viết của trẻ, điều này sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng cha mẹ đang theo dõi và kiểm soát các hoạt động trên mạng xã hội của trẻ.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tạo nhóm gia đình trên Messenger hoặc Zalo để liên lạc với trẻ một cách nhanh chóng và thuận tiện khi cần.

Không né tránh chủ đề giới tính khi trò chuyện với con

Khi con bạn dậy thì, chúng rất tò mò về vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản, cha mẹ hãy chủ động trò chuyện với con về vấn đề này. Nếu trẻ cảm thấy e ngại, bạn có thể cung cấp cho con các tài liệu đáng tin cậy về đề tài này để trẻ tham khảo. Đừng để con loay hoay trưởng thành mà không có sự đồng hành của cha mẹ.

Tuy nhiên, có một số quy tắc bạn nên đặt ra để trẻ không vượt quá giới hạn. Ví dụ, con có thể đến nhà bạn chơi hoặc mời bạn về nhà nhưng không nên ở cùng bạn khác giới trong phòng riêng, con có thể có tình cảm với bạn khác giới nhưng không nên quan hệ tình dục trước 18 tuổi…

Yêu thương và tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ là điều cần thiết nhưng để con an toàn và phát triển lành mạnh, điều này còn quan trọng hơn.

BÌNH YÊN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh