THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:45

Nhức nhối nạn mua bán trái phép quân trang

Rao bán tràn lan tại chợ đen

Ngày 2/4/2019, qua công tác nghiệp vụ, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng phối hợp Công an TP Hà Nội phát hiện đối tượng Ðào Thị Uyên (quê quán ở thôn Vĩnh Khang, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) sử dụng trang phục sĩ quan quân đội với quân hàm Ðại tá tại khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ, quận Ðống Ða); đối tượng này không xuất trình được giấy tờ liên quan đến quân đội. Tại cơ quan điều tra đối tượng khai là tự mua quân phục, cầu vai, quân hàm, giày, tất… đồng bộ của quân phục sĩ quan cấp hàm Ðại tá, thường xuyên mặc để chụp ảnh với mục đích chỉ để "khoe mẽ". Cục bảo vệ An ninh quân đội đã bàn giao đối tượng Ðào Thị Uyên cho Công an TP Hà Nội tiếp tục điều tra, làm rõ mục đích và hành vi của đối tượng nêu trên.

Sự việc trên một lần nữa khiến dự luận đặt câu hỏi? các bộ quân phục trên từ đâu mà có, để những kẻ giả danh kia có thể dễ dàng có được và sử dụng chúng vào các mục đích riêng của mình như vậy?. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của các lực lượng vũ trang đối với quần chúng nhân dân mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh trong xã hội.

 

Các hoạt động mua bán trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an diễn ra công khai trên mạng

 

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có mặt tại Phố Lê Duẩn (Hà Nội) từ lâu được biết đến với nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm, trang phục bảo hộ lao động. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cửa hàng nơi đây còn cung cấp dịch vụ quân trang, quân dụng của lực lượng vũ trang như công an, quân đội. 

Ghi nhận trên tuyến phố này, không khó để bắt gặp cảnh chủ các cửa hàng ngồi trên vỉa hè, khi thấy khách lại gần liền đon đả mời chào mua hàng. Các sản phẩm quân tư trang quân đội, công an, từ quần áo sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, mũ cối, mũ sỹ quan, dây lưng, giầy quân dụng…đều được bán tràn lan khắp khu phố.

Đa phần những bộ quần áo quân phục được treo tại cửa hàng đều không còn cầu vai, quân hàm, bảng tên, phù hiệu. Tuy nhiên, khi phóng viên vào vai người mua hàng ngỏ ý muốn mua cả bộ đủ phù hiệu cấp bậc và bảng tên. Người bán hàng ngay lập tức nói nhỏ, em muốn gắn sao bậc bên chị có thể làm được hết, dập cả biển tên. Chỉ cần đọc tên và số hiệu là có thể làm được.

Cũng theo bà chủ của hàng này cho biết, giá một bộ quần áo sỹ quan bình thường có giá giao động từ 350 – 400  nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu muốn gắn thêm sao, phù hiệu, bảng tên thì khách hàng phải đặt riêng. Cụ thể, một chiếc biển tên có giá là 200.000 đồng/cái, chị chỉ cần đọc tên và số hiệu 6 số là có thể làm được biển tên. Với quân hàm, cấp thiếu uý được cơ sở trên bán với giá thì 100k, cấp bậc càng lớn thì tiền giá tiền càng cao.

 

Việc kinh doanh quân trang, quân phục ở “chợ đen” vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh xã hội


Để “né” lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, số sản phẩm này thường được cất giữ ở một nơi kín đáo, thay vì bàn bán lộ liễu tại cửa hàng. Chỉ khi nào khách hàng xuống tiền giao dịch chủ cửa hàng mới về kho lấy số quân trang, quân dụng giao cho khách.

Không chỉ có hoạt động mua bán kinh doanh giao dịch quân phục diễn ra tại các cửa hàng, chợ đen. Trong những năm trở lại đây nhiều dân buôn còn sử dụng mạng Internet, mạng xã hội Facebook phục vụ hoạt động kinh doanh quân trang, quân dụng lực lượng Công an. Chính bởi thế mà khi gõ từ khóa liên quan trên trang mạng tìm kiếm google.com.vn, sau ít giây trên giao diện màn hình máy vi tính sẽ hiện ra vô số đường link, trang mạng xã hội chuyên rao bán, cung cấp quân trang, phụ kiện của lực lượng Công an. Hoạt động mua bán trên mạng diễn ra khá sôi động với đủ loại quân trang như: thắt lưng có giá từ 190.000-  280.000 đồng, áo khoác 280.000 đồng/cái, áo thun 190.000 đồng/cái, áo khoác có in logo, mũ thêu logo ngành 120.000 đồng, giày của các lực lượng vũ trang… được công khai rao bán.

Chứng kiến việc mua bán dễ dàng quân tư trang của các lực lượng vũ trang, chúng tôi không khỏi băn khoăn rằng liệu số sản phẩm nếu lọt vào tay đối tượng xấu thì hậu quả của nó sẽ như thế nào?.

Nhiều đối tượng lợi dụng vào mục đích xấu

Theo Nghị định số 29/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21-4-2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2007/NĐ-CP quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, các hoạt động mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân dụng và công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang diễn ra công khai ở nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo nhỏ lẻ, các chợ, trên mạng xã hội, ở phạm vi toàn quốc. Một số đối tượng chống đối, phần tử xấu đã sử dụng trang phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang thực hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí giả danh thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng vũ trang.

 

Quân phục lậu bị nhiều đối tượng sử dụng vào mục đích xấu. Ảnh: Internet


Một số vụ việc điển hình có thể kể đến như: Tháng 12.2017, Công an Quận 5 (TPHCM) tạm giữ Lê Quang Long (34 tuổi, quê Lâm Đồng) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do thiếu tiền, Long đã mua bộ quần áo quân phục công an và giả danh thành Phó Đội trưởng C45 để lừa đảo người mua xe thanh lý với giá 539 triệu đồng. Tại cơ quan công an, Long khai nhận, do thiếu tiền tiêu xài nên đã mua bộ quân phục công an cấp hàm đại úy và bảng tên chức vụ giả là Phó Đội trưởng C45 với giá 1 triệu đồng để lừa đảo;

Tháng 4.2017, Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Hiếu (31 tuổi) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua điều tra xác minh, Hiếu đã mua bộ quân phục giả rồi đến gia đình ông Nguyễn Gia Thắng (xã Thanh Mỹ, Thanh Chương) giới thiệu là “cán bộ công an mật tỉnh Nghệ An” đi truy quét tội phạm trước dịp 30.4. Sau khi Hiếu bị bắt, khám xét tại nhà, cơ quan điều tra thu một bộ quân phục cảnh sát giả, 1 tập giấy biên bản làm việc, 4 tờ giấy giả mạo “lệnh bắt khẩn cấp” do Hiếu tự soạn thảo;

Tháng 6.2017, Công an Thanh Hóa thực hiện lệnh bắt đối tượng giả danh công an để trộm cắp tài sản đối với Quách Văn Ngọc, 26 tuổi, quê huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai nhận để tạo niềm tin với quần chúng nhân dân, đối tượng đã mặc trang phục công an với cấp hàm trung úy rồi đi quanh các dãy nhà trọ trong Khu công nghiệp Yên Phong.

Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về  việc mua bán  quân trang, quân dụng trên thị trường "chợ đen"đang diễn ra tràn lan. Quân trang, quân phục, công cụ hỗ trợ của lực lượng Công an là những sản phẩm được cấp phát theo quy định riêng, không phải là hóa trao đổi mua bán trên thị trường. Các hoạt động mua bán, sử dụng trái quy định đều bị pháp luật cấm. 

 

Mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 10, Nghị định 185, năm 2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Các trường hợp buôn bán quân dụng, thiết bị của công an nhân dân có giá trị từ 3 triệu đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng.

Trường hợp sản xuất, buôn bán quân trang quân dụng số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc đã bị kết án tù nhưng chưa được xóa án tích mà vẫn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm với mức xử phạt cao nhất lên tới 15 năm tù giam.

HẢI ĐĂNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh