THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:49

Như Bình: Người đàn bà đẹp viết văn

Tập sách “ Bùa yêu” mang đậm dấu ấn nữ tính của Như Bình trong văn chương.

Nhiều người cho rằng, chỉ có những người đàn bà thất vọng về bản thân, về cuộc sống mới chọn nghiệp viết văn. Thế nhưng, Như Bình lại là người đàn bà quá đẹp. Cái đẹp ấy, từ lần nhìn thấy đầu tiên, đến bây giờ sau hơn 10 năm không hề phai, thậm chí còn mặn mà, quyến rũ hơn. Đã từ lâu tôi muốn viết về người đàn bà đẹp, đôn hậu, giàu nghị lực có nghề làm báo viết văn đó, nhưng chưa có dịp. Cho đến cuộc ra mắt sách của Như Bình tại Art café Laca (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội), và nghĩa cử tặng nhuận bút sách của chị cho các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, thì tôi thấy không thể không nhắc đến chị...

Như Bình sinh ra và lớn lên ở Cẩm Bình - vùng đất hiếu học của Hà Tĩnh, nơi có ai muốn vượt lên số phận đều phải nhờ vào sự chăm chỉ học hành, và quan trọng là dám ước mơ. Hồi nhỏ, Như Bình thích học văn và mơ ước trở thành cô giáo dạy văn, khi lớn chị còn ước được làm diễn viên điện ảnh... Nhưng sau tốt nghiệp đại học, Như Bình vẫn còn lông bông, lang bang, chưa biết chọn nghề gì, theo đuổi giấc mơ nào. Đến khi Như Bình viết xong truyện ngắn đầu tay, gây được tiếng vang, thì con đường sự nghiệp cầm bút dường như đã chọn và đưa chị đi cho đến hôm nay. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét: “Những tác phẩm đầu tay luôn hé lộ phẩm chất, tài năng, hoặc dấu hiệu để dự đoán về tác giả của nó trong tương lai, từ cách đây 20 năm cho đến những truyện ngắn gần đây của Như Bình, cho thấy con đường trong tâm hồn của Như Bình không hề thay đổi, bút pháp nhuần nhuyễn hơn, cái nhìn sâu sắc và đa diện hơn…”.

Cho dù đến nay, cuộc sống của Như Bình so với những năm tháng trước đây, khi chưa về Hà Nội, đã thay đổi, đã khá lên rất nhiều về vật chất, nhưng Như Bình vẫn là Như Bình của những ngày còn gian nan, vất vả ở Hà Tĩnh. Đẹp hơn, sang trọng hơn, nhưng nữ nhà văn vẫn còn nguyên cái nhìn rất nhân văn với những cảnh đời, những số phận thiệt thòi, bất hạnh... Nhìn Như Bình bên ngoài Tòa soạn (Báo Văn nghệ Công An) vẫn là một người rất mơ mộng. Những trang viết của Như Bình cũng mang vẻ đẹp của tác giả, ngôn ngữ trau chuốt, có nhạc tính và giàu trí tưởng tượng. Từng giữ một số chuyên mục "hot"  trên tờ An ninh Thế giới (ANTG) -  Giữa tháng, Cuối tháng, rồi Thư ký tòa soạn (TKTS) tờ Cảnh sát toàn cầu (CSTC), hiện là Trưởng Ban TKTS Báo Văn Nghệ Công an (VNCA)- tờ báo có lượng phát hành rất lớn và luôn hết ngay trong ngày phát hành, nhưng Như Bình vẫn ra sách thường xuyên.

Như Bình kể rằng: Từ Hà Tĩnh ra, về làm việc ở ANTG là một áp lực lớn. Áp lực về tất cả đối với chị, một người phụ nữ ba con, công việc chính là viết văn, làm chương trình (CT) văn nghệ thiếu nhi trên truyền hình (TH), giờ phải bơi trong một biển công việc mới, trở thành phóng viên chính của một tờ báo lớn như vậy (có thời lượng phát hành trên dưới 70 vạn bản), chị phải thay đổi gần như 180 độ về mọi mặt, nhưng chị cảm ơn những năm tháng sống trong áp lực ấy…

Nhà văn Như Bình ký tặng sách cho độc giả.

Như Bình viết rất khỏe. Không kể 3 đầu sách truyện ngắn xuất bản thời còn ở Hà Tĩnh, từ khi ra Hà Nội đến nay, trong vòng 12 năm, Như Bình xuất bản thêm được 12 đầu sách, trong đó có 2 tập ký chân dung viết về những văn nghệ sĩ nổi tiếng được bạn đọc đón nhận, 4 tập phóng sự viết về chân dung tử tù và những nỗi đau số phận. Đó là những chân dung tội phạm, quá trình sa ngã, suy đồi dẫn đến cái ác.

Những tập sách viết về tử tù, tù nhân - những phạm nhân thi hành án trong trại giam, đã mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về tội phạm, một góc nhìn nhân văn hơn, sẻ chia hơn. Ngoài ra, Như Bình còn có 6 tập sách viết về những câu chuyện khó tin nhưng có thật, một trong những chuyên mục được nhiều độc giả quan tâm ở trên tờ ANTG cuối tháng. Văn của Như Bình có sức gợi, giọng kể của Như Bình chân tình, đầy lôi cuốn. Mỗi trang viết, mỗi cái nhìn về con người của Như Bình như thể chị đã khám phá ra một góc mới của tâm hồn trong chính bản thân tác giả và nhân vật của chị.

Đọc những trang viết của Như Bình thấy rõ ở đó sự chia sẻ và tính cảnh báo. Chia sẻ và cảm thông với những tâm hồn lầm lỡ, những thân phận rơi vào cảnh tù đày, vào cái án tử, hay thông qua số phận của những phạm nhân với câu chuyện trượt ngã của họ, chị đã đồng thời cảnh báo xã hội, những cảnh báo cấp thiết và quan trọng. Chị cho rằng, giai đoạn viết chỉ để giải tỏa bức xúc, ẩn ức cá nhân đã qua lâu rồi. Những trang viết của Như Bình cũng có sức hút với phụ nữ. Phụ nữ ở thời đại nào cũng thiệt thòi, Như Bình viết để an ủi họ cũng như tự an ủi mình. Chị là mẹ của ba đứa trẻ đang tuổi ăn học, công việc ở cơ quan đầy ắp, nhưng nữ nhà văn đã sắp xếp một cách khá khoa học nên việc chung, việc riêng đều hoàn thành xuất sắc.

Người ta vẫn bảo, đàn bà có sắc đẹp khó giữ mình. Nhan sắc cứ tự nhiên có một sức hút kỳ lạ đối với bên ngoài, và nó có thể làm nát vụn người đàn bà đó. Để chống lại sự “tan nát ngọt ngào”, người đàn bà đẹp cần phải có sự tỉnh táo và nghị lực mạnh mẽ. Mỗi lần nhìn Như Bình, tôi cứ tự hỏi, chị sẽ làm thế nào, có đủ nghị lực không, có tỉnh táo được không? Đem câu hỏi đó đến cho như Bình, chị cười hiền: “Đã từ lâu tôi tự nhủ, cần phải biết đủ và bằng lòng trong những gì mình có, giờ sự lựa chọn của tôi là sống im lặng với tổ ấm của mình, nếu cần, có thể lãng quên bản thân, tước bỏ đi một số nhu cầu, yêu gia đình và hết lòng cho con cái… Chỉ có điều tôi không bao giờ thôi nung nấu sáng tác”. Nói rồi, chị đọc hai câu thơ: "Người chân thành lòng thơm như gấc/ thần thái ngọt mềm như một giấc thanh sâu ...".

 Gặp Như Bình ở buổi ra mắt sách, một lần nữa tôi ngạc nhiên về vẻ đẹp đôn hậu, kiều diễm và lâu bền của Như Bình. Chợt nhớ câu chị đã nói với tôi hôm trước: “Con người, không có ai là hoàn hảo. Quan trọng là mình phải tu sửa mình mỗi ngày. Mỗi ngày mình cố gắng sống tốt, sống chân thành và chia sẻ với cuộc sống, mình sẽ cảm thấy bình an hơn, hạnh phúc hơn”. 

TRẦN THỊ HƯỜNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh