THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:26

Nhọc nhằn những nữ công nhân ở làng gạch

 

Trong cái mưa lạnh căm căm của những ngày cuối năm, dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 1A đi qua xã Quỳnh Văn, Quỳnh Thạch, hình ảnh hàng chục chị em phụ nữ chân trần, mũ trùm, nón đội bên dây chuyền sản xuất gạch táp lô. Chẳng ai bảo ai, thành thói quen, lẫn trong tiếng động cơ gầm rít từng đợt mỗi khi những viên gạch ra khuôn, họ nối tiếp nhau thực hiện từng phần việc đã được “lập trình” sẵn.

Những nữ công nhân vận hành máy đóng gạch

“Nghề này tuy vất vả nhưng cũng giúp cho không ít chị em chúng tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Lúc nông nhàn không biết phải làm gì nên có rất nhiều phụ nữ trong làng rủ nhau đi đóng gạch táp lô thuê cho các chủ cơ sở trong xã. Bây giờ, chị em cũng rất thành thạo trong thao tác vận hành máy móc” – Chị Lan, ở xóm 4, xã Quỳnh Văn năm nay tuổi đã ngoài 40 vội vã lau những giọt mồ hôi trên trán nói với chúng tôi.

Cũng nhờ nghề đóng gạch, nhiều chị em phụ nữ ở các xã như Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn của huyện Quỳnh Lưu và phường Quỳnh Xuân của thị xã Hoàng Mai không phải tha phương cầu thực mỗi khi mùa màng thất bát như trước kia. Trước đây, ngoài việc mỗi năm 2 vụ mùa cấy hái thì người nông dân chẳng có nghề phụ để làm. Đàn ông trong làng thì đi làm thuê, phụ hồ, bốc vác… khắp trong Nam, ngoài Bắc. Còn với phụ nữ, chủ yếu phải ở nhà chăm sóc con cái, gia đình nên rất hiếm thời gian để đi làm ăn xa. Vì thế, cuộc sống sinh hoạt cũng thêm phần eo hẹp khi không có nghề nào kiếm thêm thu nhập ngoài mấy sào ruộng và trông chờ vào tiền từ chồng đi làm ăn xa gửi về. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ có nghề đóng gạch táp lô, họ đã có thêm thu nhập ngay tại chỗ mà không phải tha hương cầu thực.

Những phu nữ đóng gạch táp lô xi măng ở xã Quỳnh Văn

Chị Hương, ở xã Quỳnh Thạch đã có “thâm niên” hơn 4 năm làm nghề đóng táp lô cho biết: “Nghề nông của chị em ở đây nói vất vả là có nhưng khi mùa màng xong xuôi cũng chẳng biết làm gì cả. Gặp vụ thất bát thì cũng phải tất tả ngược xuôi đi làm thuê ở khắp nơi. Bây giờ, có nghề đóng gạch táp lô trong làng, nhiều gia đình cũng có tiền từ làm công để dành dụm cho con cái ăn học. Tuy không phải là nghề chính nhưng nó lại bù cho cuộc sống hàng ngày phải bán mớ rau, cân gạo ở ngoài chợ mới có thức ăn cho gia đình như trước”. Hiện nay, gia đình chị có 5 miệng ăn, 2 đứa con lớn đang học đại học nên việc chi tiêu hàng tháng cũng phải bỏ ra 5 đến 6 triệu đồng. Tuy mỗi ngày, chị Hương cùng với nhóm phụ nữ khoảng 6 người nữa làm khoán cho chủ cơ sở sản xuất táp lô nhưng thu nhập cũng chỉ 100.000 đến 150.000 đồng. Theo chị Hương, nghề này cũng có mùa. Thời điểm càng vào mùa nắng nóng, nghề đóng gạch này lại càng nhộn nhịp, rôm rả như trẩy hội. Còn mùa mưa, chị em chỉ còn cách ngồi trong nhà ngóng ra hiên cửa.

Nhắc tới nghề này ở Quỳnh Thạch, Quỳnh Văn, cánh lái xe tải chở gạch táp lô đi tiêu thụ ở khắp nơi thường gọi những nơi này là làng phu nữ đóng gạch. Thoạt đầu, chúng tôi cũng hơi tò mò nhưng khi đến đây mới thấy lời của họ mô tả về làng gần như 100% phụ nữ làm nghề đóng gạch táp lô là có thật. Bụi bặm, tiếng máy gầm rú từ sáng tới tối nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ, vật lộn để mưu sinh kiếm sống.

“Đàn ông chủ yếu đi làm ở mỏ khai thác đá hoặc công trình xây dựng lương cao hơn. Nếu đàn ông mà ở nhà làm nghề này thì không tương xứng với công sức lao động. Thành ra, chị em chúng tôi ở nhà cũng chỉ biết bám trụ mà bòn công những lúc nông nhàn thôi” – Chị Hoài, làm thuê cho một cơ sở đóng gạch ở xóm 6, xã Quỳnh Văn tâm sự. Nghe nói vậy, chúng tôi cũng thấy có lý khi họ đưa ra một phép tính đơn giản là một người đàn ông nếu ở nhà nghề này thì cùng lắm công cao nhất cũng chỉ 150 ngàn đồng, còn nếu đi phụ hồ, làm mỏ khai thác đá…thì công nhiều hơn gấp đôi. Lâu dần thành phong trào, đàn ông ở những xã này đều “nhường” nghề đóng gạch táp lô cho phụ nữ.

Làng đóng gạch táp lô hoạt động nhộn nhịp với công nhân toàn là phụ nữ

Theo thống kê thì hiện nay, chỉ tính riêng xã Quỳnh Văn đã có hơn 100 hộ tham gia sản xuất gạch táp lô, với 156 máy đúc khuôn, gần 200 máy nhào trộn xi măng tập trung ở các thôn ven Quốc lộ 1A. Mỗi dây chuyền gồm máy đúc khuôn, máy nhào xộn xi măng cần nhân công từ 4 đến 6 người tham gia. Vì vậy, ở xã Quỳnh Văn hiện nay có hàng trăm phụ nữ bám trụ với nghề này đã nhiều năm nay.

Ông Lê Tiến Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết: Địa phương đang tập trung khuyến khích phát triển nghề đóng gach táp lô xi măng để góp phần tạo việc làm cho người dân, tăng thu nhập cho trên 1000 lao động. Hiện nay, một số thôn đã được công nhận làng có nghề, tiến tới kiến nghị lên các cấp để quy hoạch, xây dựng thành làng nghề. Với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng, nghề sản xuất gạch táp lô đã góp phần cải thiện đời sống kinh tế của xã. Nghề này mỗi năm trung bình đóng góp từ 3 – 4% GDP của địa phương.

Khi chúng tôi đề cập tới vấn đề quy hoạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn lao động và hành lang an toàn giao thông, ông Uy cho biết thêm: “Thời gian qua, xã đã quy hoạch đưa các cơ sở sản xuất táp lô xi măng vào khu vực lèn thuộc xóm 11, 12 và 13 xa khu dân cư và Quốc lộ 1A. Hiện tại chỉ còn khoảng gần 50 cơ sở sản xuất gạch táp lô dọc theo 2 bên Quốc lộ 1A. Sắp tới chúng tôi sẽ di chuyển toàn bộ vào khu vực lèn để đảm bảo hành lang an toàn giao thông và tránh gây ô nhiễm ở khu dân cư”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh