THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:52

Nữ công nhân tuổi 40: Canh cánh lo thất nghiệp

 

Cửa hẹp cho lao động U.40

Mặc dù pháp luật quy định nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo cho lao động nữ nhưng thực tế, lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sản xuất luôn đối mặt với nhiều nguy cơ bị tổn thương: Có mức thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận chính sách ưu đãi đối với lao động nữ còn nhiều vướng mắc.

Đấy là chưa kể, một số Cty tìm cách chấm dứt Hợp đồng lao động với lý do thay đổi cơ cấu sản xuất. Đơn cử gần đây, một Cty ở quận 9, TP HCM sa thải khoảng 700 công nhân, điều đáng nói, phần lớn là lao động nữ trên 40 tuổi. Đây là câu chuyện của rất nhiều lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất. Sau 40 tuổi, lao động nữ luôn canh cánh nỗi lo mất việc. “Sau 40 tuổi, các công ty chỉ thuê người lao động làm thời vụ, hoặc đi giúp việc nhà, rất khó để xin việc vào một công ty nào đó. Đến độ tuổi 40, đã không đáp ứng được yêu cầu của công việc theo dây chuyền, do độ chính xác không còn, mắt kém, cũng không còn độ nhanh nhẹn… Khi ấy, quả thật là bế tắc trong mưu sinh đối với công nhân nói chung, công nhân nữ nói riêng”, một chuyên gia chia sẻ. 

Cán bộ nhân sự của một số doanh nghiệp cũng thừa nhận, khi đã bước qua tuổi 35 đối với nữ và khoảng 40 tuổi đối với nam thì sẽ khá khó khăn để tìm việc mới nếu như bị mất việc, đặc biệt là lao động phổ thông trong những ngành cần sức khỏe nhiều hơn là kỹ thuật. Theo đó, giới hạn độ tuổi “vàng” là từ 18- 35, trong đó ưu tiên cao nhất vẫn là tuổi 18- 30.

Về điều này bà Phạm Minh Hà, nguyên Chủ tịch Công đoàn, kiêm Phó phòng Tổ chức Hành chính Cty dệt Minh Khai cho biết, nhiều lao động nữ trong Cty đã xin nghỉ hưu trước tuổi vì không chịu được áp lực công việc. Đa phần các nữ công nhân, đến tuổi 40 đã khó có đủ sức khỏe để làm ca đêm. Bên cạnh đó, phần do tuổi tác, phần do ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp (thị lực giảm, đau lưng do ngồi nhiều…) nên các thao tác của các nữ công nhân trở nên chậm chạp, làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền.

Tuy nhiên, đối với họ, về “hưu” chỉ trên danh nghĩa, còn phần lớn trong số họ vẫn tiếp tục phải làm nhiều công việc khác nhau như làm tạp vụ, phụ giúp bán hàng hoặc trông trẻ... để có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng đa phần các công nhân chỉ được đào tạo ngắn, đúng 1 công đoạn, nên kể cả các công nhân lành nghề, ở một ngành nào đấy, họ cũng chỉ thuần thục mỗi công đoạn của họ mà thôi. Về điều này, các nữ công nhân thừa nhận: “Tiếng là làm nghề may, nhưng gần chục năm, tôi chỉ biết làm mỗi một công đoạn…”

Khó tìm việc khi đã lớn tuổi

 “Nhưng cũng có tình trạng, vì khó khăn, người lao động xin nghỉ việc trước tuổi, hưởng chế độ “một cục”, rồi lại quay lại Cty khác, ký tiếp Hợp đồng lao động để vừa có tiền chế độ, vừa có tiền công”, bà Hà cho biết.

Chị Kim từng làm công nhân may cho biết, trong thời gian làm việc tại xí nghiệp, có những lúc tôi đã phải dừng việc do huyết áp tăng, chóng mặt, mệt mỏi. Trước đây tôi chỉ làm công nhân may, nên khi về hưu không biết làm gì thêm. Bây giờ có muốn làm thêm cũng khó vì sức khỏe không cho phép. Làm công nhân may rất vất vả, tù túng. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp nên tôi bị thoái hóa chùm dây thần kinh cột sống, đau đầu gối, viêm phế quản, mắt kém, bướu cổ và huyết áp cao”.

Chị Phạm Phương Hương, cán bộ tuyển dụng của Công ty N.T.K (Khu công nghiệp Loteco), cho hay ở độ tuổi 36 trở đi năng suất lao động có thể bắt đầu giảm, nhất là lao động ở một số ngành nghề nặng nhọc. Chất lượng và năng suất lao động cũng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, đặc biệt là những ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, như: điện tử, cơ khí, lắp ráp... Chính vì vậy, sẽ là không may nếu người lao động bị mất việc ở độ tuổi từ 36- 40 trở đi. 

Trong khi đó, ông Lâm Thanh Thu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp hiện nay vẫn khan hiếm lao động, nhưng các doanh nghiệp đều duy trì một nguyên tắc chung là không tuyển dụng lao động lớn tuổi (quá 35 tuổi) để không ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm. Những lao động đã ngoài 40 tuổi trở đi, khi mất việc nếu không tìm được việc trong các doanh nghiệp thì chỉ còn lựa chọn một số việc khác như lao công, buôn bán, giúp việc nhà hoặc ở nhà làm nội trợ.

Hiện một số Liên đoàn Lao động các tỉnh, cũng rất chủ động tìm nguồn việc để hỗ trợ cho công nhân, tuy nhiên theo các chuyên gia tại Hội thảo, để làm được điều đó, thực sự không dễ, khi lao động đã ngoài tuổi 40.

P.V/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh