CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:48

Nhớ những ngày tác nghiệp ở Trường Sa

.

Ngay sau khi rời cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) trên tàu 996 đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó Tư lệnh Vùng 4 Quân chủng Hải quân cho biết: “Con tàu này làm; cầu nối đất liền với Trường Sa đã 21 năm, nó chứng kiến rất nhiều cuộc gặp mặt xúc động, và kiên cường vượt bao sóng dữ để Trường Sa không bao giờ xa”.

Buổi sáng đầu tiên trên tàu, bận rộn nhất có lẽ vẫn là các phóng viên, một nhóm đang phỏng vấn Đại tá Lê Bá Sổ (Sau chuyến công tác ông Sổ được phong Thiếu tướng) Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa lần này; nhóm khác với máy quay, máy ảnh, ghi âm vây quanh Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó trưởng đoàn công tác. Người hỏi, người chụp ảnh, người tranh thủ lôi laptop ra gõ bài kịp gửi về tòa soạn khi tín hiệu 3G vẫn còn…Đêm đầu tiên trên biển, chúng tôi còn cảm nhận được ánh đèn tỏa sáng từ mỏ dầu Bạch Hổ. Nhưng qua hết khu vực này biển trở nên mù mịt, xung quanh chỉ mênh mông, mông lung. Ngày ở trên biển như dài hơn. Gần 200 con người, già trẻ, nam nữ đủ cả, nhưng chả ai say sóng như lời dọa về cái sự “mật xanh mật vàng” của những người đi trước. Biển xanh kỳ lạ làm choáng ngợp tầm mắt suốt ngày đầu ra biển và sẽ theo suốt những ngày còn lại của hải trình.

Tác nghiệp tại đảo chìm Thuyền Chài B.

Điểm tới đầu tiên của đoàn công tác là đảo Đá Lát. Cánh nhà báo được ưu tiên xuống những chuyến xuồng đầu tiên. Áo phao, nai nịt gọn gàng, đồ nghề gọn chặt trong "túi bảo hiểm" xuống xuồng theo hướng dẫn, giúp đỡ của các thủy thủ, chúng tôi 10-15 người một chuyến vào đảo. Xuống xuồng, lên đảo, hay lên nhà giàn DK là đã "tốt nghiệp" "khóa huấn luyện cấp tốc" cho "những người cầm bút, cầm máy ảnh". Các nhà báo, không ai bỏ lỡ cơ hội lên đảo tác nghiệp, dù có điểm đảo sóng dữ, chỉ một số đồng chí lãnh đạo đoàn công tác, cùng các phóng viên "đối tượng ưu tiên" lên đảo. Sự may mắn do nghề nghiệp mang đến làm tăng "trách nhiệm nghề nghiệp, nghĩa vụ công dân" của người cầm bút ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Hầu như bước chân lên mỗi đảo, nhất là các đảo lớn có dân ở như Trường Sa Lớn, với phóng viên chụp ảnh, hỏi han, ghi chép và dĩ nhiên người nào cũng tranh thủ “tìm kỷ niệm”: nhặt san hô, vặt quả bàng vuông. Cái gì cũng lạ, cũng đẹp nên phải tranh thủ “bấm” tất. Như nhà báo Tiến Luyến với máy to vật vưỡng, mới ngày thứ 3 của chuyến đi, đã khoe với tôi: “Hiện trong laptop của tớ đã có khoảng 3000 cái ảnh”. Thất kinh. Bên cạnh những niềm vui “được mùa” cũng phải chia sẻ với không ít phóng viên bị tai nạn nghề nghiệp. Hôm ở đảo Đá Tây, phóng viên Anh Tuấn báo Lai Châu mải mê “săn” cảnh gà trên đảo, bất ngờ trượt chân ngã xuống biển làm máy móc bị ướt hết, mặt va vào đá sưng vù…Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp trong chuyến hành trình là việc, đưa tin bài ảnh về đất liền do phạm vi phủ sóng thông tin còn hạn chế và thời tiết khắc nghiệt.

 Ở Trường Sa Lớn, có lẽ buổi chiều tối là lúc nhộn nhịp hơn cả. Những người lính đá bóng, đá cầu, cắt tóc..., người ngồi dưới tán cây gọi điện hỏi thăm người thân, nhóm lính khác nhặt rau, làm cơm... Các hộ gia đình tíu tít đón những đứa trẻ từ trường về. Đảo nhỏ thanh bình lại rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Trong suốt 12 tiếng đồng hồ trên đảo, ngoài việc được tận hưởng cảm giác yên bình của Trường Sa, chúng tôi có tới thăm chùa Trường Sa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sa, giao lưu với quân và dân thị trấn...Đúng 22 giờ đêm, chúng tôi được lệnh lên tàu, rời đảo Trường Sa Lớn. Những bước chân ngập ngừng lên tàu; những cái ngoái đầu ngoảnh lại, môi mím chặt nhìn về hướng ngọn quốc kỳ; những cái bắt tay, vòng ôm rất vội... diễn ra đột ngột từ những cảm xúc tự đáy lòng. Con tàu 996 của chúng tôi lại rẽ sóng ra khơi, tới những hòn đảo khác của Trường Sa.

Cập mạn Nhà giàn DK 1/20

Buổi lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tôi thấy trên những gương mặt màu đồng hun của lính, những giọt nước mắt… khoảnh khắc thiêng liêng đầy xúc động trong lễ tưởng niệm. Tiếng còi tàu kéo ba hồi bi tráng, tiếng khóc, cùng với nhạc Hồn tử sĩ sâu lắng trầm hùng quyện mùi khói hương và hình ảnh những người Việt đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc khiến buổi lễ trở nên cảm động, thiêng liêng…,

Tạm biệt Trường Sa, con tàu đưa chúng tôi xuôi về phía Nam lên thăm hai nhà giàn DK1/9 và DK1/20. Nhìn những nhà giàn lênh khênh giữa biển mà thấy cảm phục những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữa trùng khơi. Những cuộc gặp gỡ vội vã, chưa kịp hỏi tên tuổi, quê quán và chỉ nắm tay nhau, đã vội vã, bịn rịn chia tay. Con tàu kéo còi chào nhổ neo về đất liền, những người lính hải quân áo trắng vẫn đứng trên nhà giàn vẫy mãi... Trong chuyến đi đầy kỷ niệm ấy, với tôi, những ngày có mặt trên con tàu 996. Đó là bài học của tinh thần phục vụ, đoàn kết, gắn bó và chia sẻ mọi khó khăn, mọi thiếu thốn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Trung tá Nguyễn Văn Đoàn, Thuyền trưởng tàu 996 cho biết, tuyến hành trình suốt gần nửa tháng của đoàn công tác, đã qua 1.200 hải lý, tương đương 2.000km trên biển. Để đảm bảo an toàn cho các đoàn công tác, sau mỗi chuyến đi, cán bộ chiến sỹ trên tàu phải chuẩn bị chu đáo một cách tuyệt đối từ công việc bảo dưỡng, sửa chữa, vệ sinh trên tàu, không để bất cứ một sự số kỹ thuật nhỏ nào xảy ra. cũng như từng thành viên trong đoàn công tác để hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất là mang “hơi ấm đất liền” đến với Trường Sa.

Tham gia đoàn công tác có nhiều nhà báo, bằng sự trải nghiệm của mình nhiều người tâm sự: Trường Sa là nguồn cảm hứng vô tận để làm nên những tác phẩm cho riêng mình. Với tôi một phóng viên Báo LĐ&XH lần đầu tiên ra đảo, Trường Sa sẽ ở mãi trong tôi và chuyến đi cùng tàu 996 thực sự là chuyến đi lớn trong đời.

Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh