THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 03:35

Nhớ những lần tác nghiệp ở nước ngoài

.

Năm 2001, khi đó tôi còn làm việc ở Tạp chí LĐ & XH,  anh Đỗ Minh Cương, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề ngỏ ý muốn mời một phóng viên đi cùng đoàn Việt Nam sang Thái Lan dự thi tay nghề các nước ASEAN. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đoàn tham gia ở khu vực về cuộc thi tay nghề giỏi, và theo dự kiến đến năm 2003 Việt Nam sẽ đăng cai cuộc thi tay nghề các nước ASEAN.

Lẽ ra cử phóng viên của báo ngành đi thì phù hợp hơn, nhưng do chỗ tôi và anh Cương biết nhau từ lâu, anh Cương lại có ý tín nhiệm tôi về viết lách nên bảo:“Lần này em đi cùng đoàn dự cuộc thi tay nghề ASEAN nhé, về viết bài thì ổn rồi, nhưng Tổng cục muốn phải quay phim nữa,  lấy tư liệu về nghiên cứu xem họ tổ chức như thế nào để 2 năm nữa mình còn làm cho tốt, được không ?”.

Vì muốn đi, nên tôi đánh liều trả lời : “ Vâng anh cứ yên tâm, em sẽ cố gắng”. Về nhà cứ nghĩ mãi, viết bài, chụp ảnh thì ok rồi, còn quay phim thì  làm thế nào đây?. Nhà tôi vốn có hai người em làm phóng viên ở đài truyền hình, tôi hỏi thì được biết: “Máy quay không thể mượn được đâu, theo quy định khi được cử đi quay, thì phòng kỹ thuật mới cho mang đi.

Tác giả (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề và các thí sinh Việt Nam dự hội thi tay nghề thế giới tại Canada, năm 2009.

Còn quay phim thì phải học, ít nhất cũng vài buổi mới biết những điều cơ bản nhất”. Loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng mượn được máy quay cá nhân của anh Ngọc Lợi, nhân viên quảng cáo của tạp chí, sau đó về nhà học quay cả tuần trước khi đi.

Đến Thái Lan, trong suốt nhiều ngày đi lại, phỏng vấn, theo dõi các đoàn thi, có bao nhiêu thứ để viết, chụp ảnh và quay phim. Bên đó họ tạo điều kiện rất thuận lợi cho báo chí hoạt động. Buổi lễ khai mạc và bế mạc được cử hành trọng thể, hoành tráng. Phía cuối hội trường là giàn giáo cho phóng viên các đài truyền hình đặt máy. Gần sát sân khấu họ để một khoảng khá rộng cho phóng viên báo viết, báo nói ngồi bệt (sao cho không che khuất tầm nhìn của quan khách), tha hồ quan sát, chụp ảnh ở mọi góc độ. Tôi có máy quay nhỏ nên ở vị trí đó quay rất thuận lợi.

Sau  một vài ngày tôi viết được tương đối, muốn gửi bài về quá, nhưng hỡi ôi, bây giờ nghĩ lại tôi tự hỏi, không hiểu sao mình lại kém cỏi thế. Tôi không thể gửi bài về nhà được. Ở phòng thông tin của hội thi họ có đặt một số máy tính, tôi vào đó cầm con chuột di di, xoay xoay, không biết sử dụng thế nào, tôi không biết gì về máy tính cả !!! Ở nhà là sếp (Tổng biên tập), cần gì thì viết tay, đánh máy mọi thứ đã có nhân viên rồi, học đánh máy làm gì? (ôi trời !). Thế là ngậm đắng nuốt cay. Thực ra, Tạp chí LĐ & XH ra một tháng 2 kỳ, bài về nhà viết vẫn kịp, nhưng khi đó đã nguội tanh nguội ngắt mọi thông tin rồi. Tôi muốn gửi bài cho Báo LĐ & XH, Báo Lao Động hoặc Tiền Phong. Thật là quá buồn.

Tác giả phỏng vấn lao động Việt Nam trong chuyến tác nghiệp tại Nhật Bản.

Cho đến ngày có kết quả thi cả đoàn Việt Nam vô cùng vui sướng vì lần đầu tiên xuất quân đã gặt hái được thành tích ấn tượng: 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng, 6 giải khuyến khích. Tôi phấn khởi quá, xuống khách sạn gọi điện thoại về cho anh Lê Văn Minh (lúc đó là TBT báo LĐ & XH) nói anh ghi chép lại thành tích để ngay ngày hôm sau đăng lên báo.Lại báo hại tôi, anh Minh nghe thế nào đăng nhầm số các huy chương (2 vàng, 1 bạc, 2 đồng), làm mọi người cứ phê bình mãi. Để chữa cháy tôi gửi ngay tin và ảnh cho báo Lao Động và sáng hôm sau, tin đó được đăng ở vị trí nổi bật trên trang nhất, ai nấy vui vẻ hẳn lên. Tôi cũng đã có vài trăm bức ảnh và cuộn băng hình cùng một số bài viết (dù muộn) về cuộc thi. Sau này, Đài Truyền hình Việt Nam đã sử dụng một số hình ảnh từ đó cho phóng sự về đoàn Việt Nam tại cuộc thi tay nghề ASEAN. Anh Đỗ Minh Cương tỏ ý khen ngợi và còn mời tôi đi vài lần nữa (may quá !!!).

Và sau đó, việc đầu tiên tôi làm là đi học đánh máy tính, cách gửi bài và ảnh như thế nào, cách khai thác tài liệu như thế nào v.v…Thật là một bài học nhớ đời.

Đến năm 2009, tôi lại được Tổng cục Dạy nghề mời đi cùng đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi Tay nghề thế giới tổ chức tại thành phố Calgary, (Canada). Lúc này tôi đã chuyển sang làm việc tại báo LĐ & XH. Trước khi đi mọi kế hoạch đã được định sẵn, cách ngày tôi sẽ chuyển bài và ảnh về. Tôi khá tự tin vào khả năng sử dụng máy tính của mình nên rất yên tâm. Thêm vào đó, Báo LĐ & XH khi đó đã có thể xem trên mạng qua trang docbao.com.vn, nên báo vừa ra tôi đã có thể xem lại từ xa, biết rằng bài vở đã gửi về suôn sẻ.

Tác giả tác nghiệp tại hội thi tay nghề thế giới tại Canada

Để cẩn thận, khi gửi bài về tôi gửi cả cho chị Thu Hà, nhân viên hành chính để nhắc chị Hà kiểm tra xem đã nhận được bài chắc chắn chưa, cùng với đó phóng viên Thiều Văn Lý  không tiếc tiền cũng trao đổi với tôi qua tin nhắn điện thoại về bài vở. Mọi việc cẩn thận chu đáo nên suốt 2 tuần Hội thi diễn ra, Báo LĐ & XH cập nhật khá đầy đủ, phong phú, hấp dẫn mọi tin tức. Thế nhưng vào ngày cuối cùng vẫn có trục trặc xảy ra. Hôm Ban tổ chức công bố kết quả cuộc thi, theo như thường lệ tôi gửi bài và ảnh về nhà. Hộp thư điện tử của báo có 3 địa chỉ. Tôi luôn gửi hộp thư Gmail hoặc yahoo (không gửi hộp hn.vnn.vn), nghĩ rằng gửi vào 2 hộp thư đó sẽ nhanh hơn. Thế mà không hiểu sao mấy anh chị ở phòng thư ký hôm đó lại chỉ xem hộp thư hn.vnn.vn. Và ngẫu nhiên tối hôm đó chị Thu Hà lại về sớm để về quê, nên không check mail. Mấy vị ở phòng thư ký chờ mãi đến 12 giờ đêm cũng không thấy gửi bài nên thay bài khác. Hôm sau, xem báo qua mạng, không thấy gì tôi giật mình viết thư hỏi mới biết rõ sự tình. Thật là tai nạn nghề nghiệp, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Ở cuộc thi lớn này Việt Nam không có huy chương (chỉ có chứng chỉ nghề, gần như giải khuyến khích), nên việc đưa bài muộn không bị để ý lắm, chứ nếu mà có huy chương, thì việc thông tin chậm là lỗi lớn. Khi về, trao đổi với anh chị em ở tòa soạn, mọi người bảo, lần sau nên chat với người thân ở nhà và nhờ gọi điện hỏi là có thể biết thông tin nhanh và chính xác nhất. Tôi lại giật mình vì không chat bao giờ và không biết chat như thế nào. Thế mới biết học bao nhiêu cũng chưa đủ.

Công nghệ thông tin luôn phát triển không ngừng và việc tìm hiểu nó thật mênh mông như biển cả, còn với tôi (chắc chắn là vẫn còn phải học hỏi nhiều), nhưng từ lâu nay kiến thức về công nghệ thông tin đã giúp tôi phục vụ tốt cho công việc. Có được những kỹ năng  ấy là do yêu cầu của công việc bắt buộc, tuy nhiên cú huých chính lại là những lần đi tác nghiệp ở nước ngoài, khi mà chẳng biết dựa vào ai ngoài chính bản thân mình. 

Chuyện nhỏ nói thêm

Trong chuyến đi Thái Lan, mấy anh đã từng sang đó nhiều lần có “chiêu đãi” đoàn một buổi xem sex show, tôi chần chừ chưa dám quyết định có nên đi xem hay không thì một anh bạn người Thái bảo “cũng bình thường thôi mà”, thế là đi. Xem xong, trên đường về cả đoàn bị sốc, không ai nói một lời, riêng với tôi sau hàng tháng trời không trở lại bình thường được. Đây cũng là một ấn tượng mạnh trong chuyến đi Thái Lan ngày đó.

Trần Thị Lộc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh