THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:24

Nhịp thời gian

 

- Mày về đây là được tốt đấy, em ạ.

Anh vít cần rượu, ấn cổ tôi xuống, hô: "Phạt!".

Phạt gì chứ phạt rượu cần thì tôi chấp nhận ngay. Tôi đã quá lâu rồi không "trở về", thật đáng phạt lắm. Đáng trách lắm. Nhưng anh lại bảo:

 - Nói là nói thế thôi, chớ hoà bình có cái bận, cái lo, cái khó của người thời bình. Trách nhau làm gì. Đôi khi buồn thì nhét cái buồn trong bụng mình thôi. Ai nhớ thì về. Ai có điều kiện thì về. Còn ai mải làm ăn, quên nhớ bạn, không về được  thì cũng đành nằm mơ thấy nhau cho khoẻ.

Nhớ hồi mới vô Nam, tôi vừa được thuyên chuyển tới tỉnh đội Gia Lai, chưa hiểu gì chuyện "đánh với đấm, địch với ta" thì nhập ngay vào cuộc. Sau trận sốt rét chí mạng tôi phải vào cấp cứu ở bệnh viện đường dây của Binh trạm.

Khi tỉnh dậy, đơn vị cũ đã hành quân vô tút lút trong Nam rồi! Chúng tôi tìm trạm giao liên gần nhất để chờ dịp. Mấy anh em  nhập vào đoàn quân thu dung. Trạm Thu dung có nghĩa là nơi đón các quân nhân bị lỡ đường vào ra, chưa có đơn vị nào tiếp quản. 

Nơi đây tạp nham những điều kiện, hoàn cảnh vô căn cứ dọc đường tuyến trên Trường Sơn. Tất cả đều được dung nạp. Tình cờ nhóm chúng tôi gặp một anh cán bộ khá trẻ, cao to, vai khoác cái ba lô kềnh càng, mặc quần đùi, áo may ô.Nhịp thời gian

Bên hông anh ta đeo trễ cái xanh-tuya Mỹ to đùng, lủng lẳng mấy quả lựu đạn US tròn vo và cái bi đông Mỹ cùng khẩu K59. Chắc là cán bộ to mới được đeo súng ngắn K59 - chúng tôi kháo nhau.

Và nữa, lại có thêm một anh chàng lính trẻ toanh, người dân tộc đeo AK đi cùng. Nhất định "thủ trưởng" là to rồi! Nom trẻ thế mà to thế, thật đáng gờm, đáng nể. Anh ta tay cầm cây gậy mây giống cái ba- toong, đứng trên ụ mối huơ lên, nói to:     

- Thằng nào thích được đi “oánh trận” theo chiến dịch ngay, khỏi phải "nhặt ống bơ" thì theo anh, thằng nào ưng  "tụt tạt" ở dọc đường dây thế này, coi như loại "trâu chậm uống nước đục" thì tùy.

Thế là cánh tôi hua húa theo “thủ trưởng”. Sướng nhất cái khoản không phải làm thủ tục. Tiếp sau đó là không phải lo kiếm ăn từng bữa. Có đơn vị nhận rồi, cứ việc theo các "thủ trưởng" đâu sẽ có đó, chúng tôi cùng xác định.

Cuộc hành quân hơn nửa tháng, đi đến đâu “thủ trưởng” cũng lo được cho chúng tôi có gạo, có muối ăn no. Cứ như rừng và các buôn làng bí ẩn trong rừng là cái kho của riêng anh ta không bằng! Người lính công vụ đi với anh ta cứ lầm lầm lì lì, đeo khoẻ, đi khoẻ, ăn khoẻ số một ấy nói tiếng Kinh chưa thạo lắm.

Anh ta bảo với chúng tôi rằng: "Thủ trưởng là Tham mưu trưởng tỉnh đội!”. Ghê nhỉ. Tham mưu trưởng tỉnh đội to lắm. Được Tham mưu trưởng dẫn về đơn vị, anh em chúng tôi sướng rên, kháo nhau.

Ấy là cả một sự may mắn, vinh dự tự hào rồi, chẳng còn phải băn khoăn gì nữa. Nhưng khi về tới đường dây của tỉnh thì anh ta đem chúng tôi “gởi” cho một trạm giao liên bảo chờ.

Lại chờ! Họ cấp gạo "bọc thép", loại gạo đỏ, hạt to, ninh như ninh ngô cả tiếng đồng hồ mới “bung”, nhai kỹ cũng thấy bùi bùi, ngòn ngọt. Chưa quen ăn loại gạo này, chúng tôi rủ nhau đi "mổ" sắn ở ngoài rẫy.

Đây là từ lóng của cánh lính thu dung chúng tôi. Ăn trộm gọi là "mổ". Người trợ lý cán bộ cùng đi với thủ trưởng Điểm (sau này chúng tôi mới biết tên anh ta là Rơ Lan Thương. người Gia Rai).

Nhưng chúng tôi cứ gọi anh theo cách của chúng tôi là anh Thường! Thường  bảo chúng tôi, ở đây ăn sắn thí xác, không việc gì phải lo "mổ". Anh dặn nhổ cây nào thì lo trồng luôn một hai hom mới, thế vào. Sắn cách mạng, người cách mạng ăn, anh nói thêm. Ăn rồi phải có trách nhiệm trồng chớ, thế mà.

Cứ sau mỗi câu nói anh ta lại đệm thêm "thế mà" nghe rất ngộ nghĩnh.

Đấy, nghỉ được ba ngày thì chúng tôi mất một ngày say sắn lử đử. Chẳng là chúng tôi cứ tưởng cả củ sắn chưa lột vỏ vào nồi luộc lên, chín tới đâu chén tới đó. Chén cho tới khi no kềnh no càng. Sau đó anh nào anh nấy sùi bọt mép nằm vật nằm vẹo, nôn mửa tùm lum.

Nhưng say thì say, chẳng ai bị ngã. Lũ chúng tôi được một bài học nhập môn nhớ đời. Xứ "gạo trắng nước trong" của Tham mưu trưởng là thế này đây! Nó chính là khúc dạo đầu cho muôn vàn cái trò ngớ ngẩn tiếp theo của cánh lính mới đầy háo hức, đầy khát vọng khám phá như cánh tôi.

Theo danh sách hai mốt anh em chúng tôi tự kê khai rồi được Trạm đem đi báo cáo... Ba hôm sau có bốn cán bộ của bốn đơn vị ra nhận quân.

Thế là chúng tôi bị xé lẻ!

Tôi và ba anh nữa được theo BTàu, giao liên mới, người dân tộc BahNar, đưa "ra phía trước" ngay.

Nhóm chúng tôi may mà có anh Rơ Lan Thương cùng về đơn vị.  Theo BTàu truyền đạt thì chúng tôi phải đi chừng nửa tháng nữa mới tới "phía trước". Ôi trời! Nửa tháng nghe sao mà nó đơn giản thế! Anh Rơ Lan Thương bình thản nói, đến đấy là được đánh nhau ngay.

Những ngày cuối năm giá rét. Rừng già hun hút. Bạn bè xé lẻ chia xa. Mọi chuyện đến vừa nhanh vừa gọn lại vừa như có cái gì đó gấp gáp khiến cánh lính mới chúng tôi trong lòng thằng nào cũng trĩu nặng những tâm tư.

Bảo là buồn là chán thì không phải. Nhưng nó cứ thao thiết làm sao! Chúng tôi hùi hụi hành quân theo anh chàng giao liên mới có cái tên là lạ: BTàu. BTàu vừa nhiệt tình chăm chỉ, lại cũng vừa lơ đễnh nhềnh nhàng khiến chúng tôi chẳng còn nghĩ ngợi được gì nhiều.Nhịp thời gian

 

Nỗi thắc thỏm lo âu cũng chỉ là mơ hồ, nghi hoặc. Phải đến cái ngày thứ chín thứ mười, khi đứng trên một mỏm núi cao chất ngất, nhìn xuống một thung lũng rộng mênh mông đì đùng tiếng súng to, tiếng súng nhỏ với hàng đàn máy bay trực thăng của Mỹ sôi réo lên xuống như chuồn chuồn, và bom dựng cột lửa, dựng cột khói, cả khói cháy rừng tạo nên ấn tượng mạnh khiến chúng tôi thực sự  nhận ra  rằng, phía trước có lẽ đã bắt đầu từ đây.

Từ đây chúng tôi là lính chiến! Theo anh Thương, chúng tôi được cử xuống cánh Bắc đường 19 ngay để kịp theo đơn vị vào chiến dịch.

Lại đi! Đời thằng lính chỉ có đi và đi! Chúng tôi gặp nhiều đoàn dân công, toàn người dân tộc gùi đạn, gùi gạo. Có cả ông già. Có cả các chị địu con trước ngực, gùi gạo, gùi đạn sau lưng.

Chúng tôi gặp bữa ăn của họ, toàn ăn sắn. Họ đi trong đêm. Chúng tôi cũng phải đi trong đêm. Cái đêm cuối cùng, BTàu dẫn chúng tôi rẽ vào một hang đá- ở đó có khoảng hơn chục người chờ sẵn.

Họ phân lẻ chúng tôi ra. Một người mới giáp mặt với một người cũ kèm cặp để theo họ xuống ấp. Tôi chẳng hiểu gì, nhưng cũng không dám hỏi. Cái duyên, cái số, cái may là tôi được tiếp tục theo anh Thường cùng hai anh cũ nữa, đó là anh  Ba Hùng và anh Mười Thử.

 Các anh bảo tôi chuẩn bị nhận đạn, nhận súng AK báng gấp mới, thay cho khẩu súng tôi đeo lẵng nhẵng từ miền Bắc vào. Rồi tôi phải bỏ hết các thứ lại, đi chuyến này là đi chiến dịch lớn.

Chiến dịch cuối cùng nhằm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào...

Ấy là câu nói tự tin của anh Thường.

Vâng, tôi chỉ kịp làm theo các anh, và sau đó,  có một việc, ấy là cứ bám chắc lấy Rơ Lan Thương. Anh bảo đi thì đi. Anh bảo nằm thì nằm. Nhất nhất không được sao nhãng. Sao nhãng là lạc. Không thể để lạc. Tôi hỏi ba anh bạn kia của tôi đâu, anh cười, bảo: "Mỗi người đều có người cũ đi kèm, cứ yên tâm!".

Thế này mới gọi là hành quân đêm. Hồi ở Bắc, trên thao trường chúng tôi cũng được tập hành quân đêm, nhưng chả giống tí nào bây giờ.

Tôi nhớ chúng tôi cứ men theo bìa rừng đi xuống. Toàn đi xuống. Tới đêm thứ ba thì dừng lại. Dừng lại để nhường đường cho một đơn vị bạn. Đấy là đơn vị chiến đấu. Một đơn vị bộ đội được ưu tên vượt đường trước.

Tôi chưa có khái niệm "vượt đường". Phải đến lúc đặt chân lên đường nhựa, chạy như bị ma đuổi, đạn địch từ đâu đó bắn ra sát sạt. Chúng tôi vẫn chạy. Tôi mắm môi mắm lợi bám chắc anh Thường.

Anh nằm, tôi nằm theo ngay. Rồi lại chạy. Chúng tôi chạy vào được trong một chân núi thì anh Mười Thử và anh Ba Hùng bảo ngồi chờ. Thì ra tới gần sáng, cả ba tốp đều đã tụ được về một điểm hẹn và chúng tôi nhập vào thành một tốp chừng hai chục người nữa.

Tốp mới này có lẫn lộn cả Kinh cả Thượng. Chúng tôi được trang bị như nhau, gọi cánh Nam. Hai cánh đã hợp thành một ở phía Nam đường để chờ lệnh "đánh tập trung".

Các anh bảo thế thì tôi biết thế. Tôi chưa hình dung được trận đánh sẽ thế nào. Các anh cán bộ họp và phân công nhau. Còn cánh lính mới thì chỉ việc dỏng tai mà  nghe các "bố" dặn dò, khuyên nhủ:

- Các đồng chí bám sát người được phân công kèm mình, rõ chưa?

Vâng. Rõ!

Tôi cứ bám theo cái dáng cao cao, khoẻ như lực sĩ của anh Rơ Lan Thương mà tôi kiên quyết gọi anh là Thường ấy. Và tôi kiên định làm theo các động tác của anh, lòng cảm thấy yên tâm.

Có tới mấy đêm liền mò mẫm lúc lên được những quả đồi trơ trọi, khi đi dọc theo một con suối rầm rì, lúc lại nằm bẹp gí cả tiếng đồng hồ "chờ lệnh". Gọi là đêm, nhưng không bị tối mò mò mà là dưới ánh sáng lúc thì đèn dù, khi thì trên đỉnh một quả đồi nào đó có một loại đèn pha cực mạnh lia qua, lia lại.

Rồi đạn cối. Rồi đạn pháo. Rồi  đạn gì gì đó nổ hai lần ba lần một phát... Có khi đạn súng nhỏ chúng bắn rát rạt cả nửa tiếng đồng hồ liền. Có khi pháo bầy nã từ căn cứ quân sự của chúng ra vùng ven, cũng kéo cả tiếng đồng hồ chỉ nã chụm vào một quả đồi.

Từ chỗ chúng tôi nhìn lên trông rất giống như  phim đánh nhau của Liên Xô. Tôi tuyệt nhiên không nghĩ ngợi gì cả, ngoài vịêc bám chắc Rơ Lan Thương, ngoài việc nhìn theo, bám theo cái bóng cao to khom khom của anh. Lúc nghỉ chân dăm ba phút, chúng tôi tranh thủ đem những nắm cơm mang sẵn ra ăn.

Những nắm cơm gặp trời lạnh cũng cứng ngắc. Cơm nắm ăn với muối hầm, uống nước suối và đi như thụi. Đúng là đi như thụi.

Rồi cũng đến lúc có lệnh dừng lại.

Chúng tôi được phổ biến là phải hành quân tới điểm nhằm đánh hỗ trợ cho chủ lực giải quyết cứ điểm trong Pleiku. Chúng tôi phải vào đến Pleiku đúng giờ "rê". Tôi hỏi anh Hùng giờ "rê" là giờ nào". Anh nói, giờ "rê" là giờ "rê".

Vâng thì thôi, nói thế cũng được. Đánh nhau bí mật đến cùng mà. Chỉ biết chiến dịch này là đánh to. Rốt cục thì chúng tôi được lệnh cởi hết quần áo ngoài, bôi trát người coi như người và đất cùng màu là được.

Khốn nỗi tôi không có quần đùi vì hôm ở trạm thèm chuối quá, gặp đồng bào gùi chuối đi qua, họ muốn đổi lấy cái quần đùi. Tôi bèn chui vào bụi tháo quần dài ra, cởi quần đùi ra, rồi lại mặc quần dài vào.

Đem đổi cái quần đùi  được cả một buồng chuối to đùng... May quá. Anh Thường bảo tôi lấy dao găm cắt vứt bỏ cái ống quần đi, thành ra quần soóc. "Đánh đặc công à?".

Tôi hỏi, Thường nhìn tôi cười khùng khục, rung cả người: "Đánh Mỹ không phải chuyện bình thường đâu, thế mà". Anh nói tiếng Kinh khá sõi.

Vào cái đêm cuối cùng trời mưa lất phất rét cắt da ấy, chúng tôi mò theo ven đồi, có chỗ chui vào khe hõm, có khi trườn dưới khe sâu để tiếp cận mục tiêu. Mục tiêu là vùng sáng là tiếng động của chiến tranh.

Tôi thực lòng, tịnh không biết quân ta thế nào, quân địch thế nào. Anh Thường buộc hộ tôi hai băng AK ngược nhau, anh bảo bắn xong một băng, quay ngược trở lại lắp băng kia vừa nhanh vừa chắc. Mò mẫm suốt từ chập tối cho tới nửa đêm thì được lệnh nằm chờ, khi nào chủ lực họ phát lệnh thì xung phong!

Tôi chỉ nhớ từ phía trước mặt bỗng bùng lên trong đêm một chớp lửa lớn rồi tới tấp phụt lên những vòi lửa khét lẹt, sặc sụa hôi, sặc sụa khói và sau đó là tiếng nổ rung chuyển cả đất trời. Tiếp đến sau đó là tiếng nổ hỗn loạn.

Chớp lửa loá mắt. Đạn không biết cơ man nào là đạn. Đạn của cả hai phía. Đinh tai nhức óc là tiếng đạn và tiếng gầm rít. Tôi cứ thế chạy theo Thường. Anh bắn về phía trước. Tôi bắn theo hết cả băng đạn lúc nào chẳng hay. Tại sao chả thấy các anh kia đâu cả? Tôi quá chăm chú vào Thường nên không biết rằng trận đánh đã diễn ra rồi.

Đánh nhau là thế đấy! Bắt đầu mà cứ như không! Rơ Lan Thương chạy. Tôi chạy theo. Chúng tôi chui vào một cái cống thông qua đường của một con suối. Tôi chui vào theo cái đầu đen đen của Rơ Lan Thương.

Nước lõng bõng sền sệt trôi mấy dề rác kèm theo lù lù cái gì đó kìa! Thường nhảy tụt lại! Tôi dựng tóc gáy nép vào thành cống. Trời ạ!  Đó là xác người! Tôi và anh chui sâu thêm vào trong. Trên đầu tiếng xích xe tăng nghiến của địch, tiếng nổ loạn xạ súng cả hai bên.

Đến đoạn này thì tôi chỉ biết rằng, các anh kia chạy hướng nào đó rồi. Cả lũ chúng tôi lạc nhau rồi! Nước suối chảy qua cống ầm ập, rợn người vì mấy cái xác phía ngoài. Rơ Lan Thương kéo tôi tới một cái khe rồi cứ thế leo ngược lên, ngược lên được tới một cái làng hay sao mà toàn nhà dân nhưng cửa đóng kín.

Tiếng súng vẫn hỗn loạn. Chúng tôi vượt qua một bãi trống rồi xuống một bản dân tộc. Thường bảo tôi nằm chờ. Anh vào làng tìm cơ sở, bắt liên lạc. Tôi chưa bao giờ hoang mang đến độ khủng khiếp như thế. Tôi phải nằm một mình giữa bãi chiến trường lạ nước lạ cái, chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy Thường ra.

Trong thâm tâm cảm thấy như mình đang  lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan? Nhưng rồi cái "thế kỷ" dài dằng dặc ấy cũng trôi qua. Thường đột ngột xuất hiện với hai cái gùi và một ít đồ ăn.

Anh bảo tôi cởi quần ra, anh đóng cho tôi cái khố. Lúc này trời trở nên sáng dần. Thế là hai anh em tôi đều đóng khố cởi trần, khoác gùi - súng cho vào trong gùi, phủ chuối mía và sắn lên trên, đi. Đi đâu? Đi về phía sau chớ đi đâu, thế mà. Thường nói. Anh em đơn vị hy sinh lạc nhau hết rồi! Tôi cứ run lên bần bật, chẳng hiểu thế nào!

Đấy! Trận đầu tiên của tôi là thế. Tôi và Rơ Lan Thương đi trong rừng non. Đi men theo những con đường chẳng ra đường suốt chín mười ngày liền. Gặp địch cũng tránh. Gặp dân cũng tránh. Qua mấy cái sông.

Ngược dốc tới một cái rẫy. Đồng bào đang uống rượu cần. Hai anh em vào xin cái ăn. Rơ Lan Thương uống rượu với họ, kể cho họ nghe bằng tiếng địa phương. Tôi uống được một hơi rượu dài vì đói, khát, mệt và dồn sức nên tôi bị ngã gục luôn. Lúc tỉnh dậy thấy được nằm trong căn lán, người nhầy nhụa như bôi mỡ.

Một chị y tá người BahNar ngồi bên bếp lửa giữ tay. Một chị cầm cái nhíp nhổ gai xấu hổ dày đặc khắp từ bụng xuống chân tôi. Tôi hỏi Rơ Lan Thương đâu? Các chị không ai biết. Các chị giải thích cho tôi rõ là, sau chiến dịch, tôi được đồng bào khiêng vào đây. Bây giờ cứ việc nằm im, các chị bôi mật ong cho đỡ nhiễm trùng rồi nhổ hết gai xấu hổ - mà các chị gọi là gai mắc cỡ.

Tôi "bị thương" chính là loại gai chẳng ra gai ấy khiến cả người sưng tấy lên, xót nhoi nhói.

*

Cuộc sống hình như có sự sắp xếp kỳ diệu nào đó đối với số phận một vài con người với nhau. Tôi và Rơ Lan Thương cứ tưởng từ đó lạc nhau. Nào ngờ, sau mấy năm anh em tôi mỗi người về một vài đơn vị.

Thỉnh thoảng hỏi thăm biết tin nhau. Cho đến sau 1975 mới gặp lại nhau ở một đơn vị được tỉnh đội mới thành lập. Anh là chính trị viên, còn tôi đã thành “B” trưởng của anh. Thế mà đã lại thêm một nhịp thời gian nữa.

 Hơn mười năm nữa rồi! Bây giờ anh đã thành già làng! Già Rơ Lan Thương của tôi ơi, biết làm thế nào anh nhỉ? Chúng mình đã thành người già rồi! Thế mà!

Bút ký của Trung Trung Đỉnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh