Tội phạm thanh thiếu niên và những giải pháp phòng ngừa
- Pháp luật
- 13:19 - 18/12/2015
Bàng hoàng những thảm án
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, 3 vụ thảm án xảy ra liên tiếp ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái. Dư luận gọi chúng là thảm án bởi hung thủ đã ra tay một cách tàn độc, nhẫn tâm sát hại cả gia đình mà nguyên nhân, không phải bởi những thù hận tích tụ lâu dài mà chỉ bắt đầu từ những va chạm trong cuộc sống thường ngày.
Vào đầu tháng 7, vụ án nghiêm trọng xảy ra ở bản Phồng, xã Tam Hợp, Tương Dương (Nghệ An) khiến 4 người tử vong gây chấn động dư luận. Nạn nhân đều là người nhà anh Lô Văn Thọ gồm mẹ, vợ và cậu con trai 1 tuổi của anh. Thủ phạm là Vi Văn Hai (20 tuổi). Hai gây án khi đi xin chanh và khai tại cơ quan điều tra là ra tay bột phát vì bị anh Thọ đổ oan có quan hệ với vợ anh và bị tấn công trước. Trước đó, hắn không mâu thuẫn với anh Thọ. Mục đích sát hại mẹ anh Thọ và mẹ con chị Yến là nhằm diệt khẩu. Vụ án diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, nhưng cơ quan điều tra đã nhanh chóng tìm ra thủ phạm. Sự đoàn kết một lòng, mong mỏi nhanh chóng giải quyết vụ án để mang lại sự bình yên cho nhân dân cộng với sự hỗ trợ kịp thời của quần chúng trong việc đưa ra mô tả đối tượng là điểm mấu chốt giúp giải quyết nhanh vụ án đặc biệt nghiêm trọng ở Nghệ An.
Ngay sau thảm án ở Bản Phồng khoảng vài ngày, dư luận bàng hoàng với thông tin 6 người bị sát hại tại căn biệt thự, đồng thời là trụ sở công ty TNHH khai thác chế biến – xuất khẩu gỗ Quốc Anh (Bình Phước). Chỉ 4 ngày sau, 2 nghi can Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê ở An Giang, trú tại Hóc Môn, TP.Hồ chí Minh) và Vũ Văn Tiến (24 tuổi, cùng trú Hóc Môn) bị cơ quan điều tra bắt giữ. Trong vụ án này, các chiến sĩ công an phá án nhanh chóng là nhờ những ứng dụng công nghệ hiện đại. Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, Viện Khoa học hình sự cùng phối hợp với các lực lượng tiến hành khám nghiệm, tìm mọi dấu vết nhỏ nhất của hung thủ để lại. Sau khi sàng lọc, những dấu vết quan trọng được chuyển đi giám định, trong đó có những dấu vân tay khả nghi được chuyển về Trung tâm thông tin tội phạm được đặt tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát. Đặc biệt, việc phát hiện tin nhắn từ một sim rác gửi đến nạn nhân Dư Minh Vỹ chỉ ít phút trước khi bị giết đã mở “nút thắt” của vụ án.
Chưa dừng lại, đến đầu tháng 8 dư luận lại sững sờ với vụ thảm án giết 4 người xảy ra cũng nơi vùng núi cao heo hút ở Văn Yên, Yên Bái. Điều đáng nói là, 4 người bị sát hại cũng trong một gia đình, chủ nhà là anh Trần Văn Long. Lần này, nghi phạm được xác định từ đầu, là Đặng Văn Hùng (SN 1989, có họ hàng với các nạn nhân), sau khi gây án đã dắt theo người yêu là Nguyễn Thị Hán bỏ chạy trốn vào rừng. Nhờ công tác điều tra vụ án ở Yên Bái được đẩy nhanh, chỉ 63 tiếng sau, 2 nghi phạm trên đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.
Chuyên gia lý giải căn nguyên
Trong khi các đồng nghiệp gấp rút điều tra tìm ra hung thủ của các vụ án thì PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) là người dẫn đầu đoàn khảo sát đi tìm hiểu nguyên ngân, điều kiện phạm tội trong những vụ thảm sát trên, với mục đích đưa ra được những đề xuất ngăn ngừa loại tội phạm này. Nói về các hành vi phạm tội của các bị cáo trong 3 vụ thảm án nêu trên, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết: Tội phạm thực hiện hành vi bình tĩnh, với sự lạnh lùng, hung hãm, quyết tâm thực hiện phạm tội đến cùng, phương thức che giấu tội phạm hết sức tinh vi… Điều đó làm quá trình điều tra gặp không ít khó khăn.
Nói về nguyên nhân của việc tội phạm là nhiều người trẻ, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng: Cần nhìn nhận trên nhiều bình diện từ tâm lý, nhận thức, giáo dục, môi trường xã hội, ảnh hưởng của truyền thông. Giới trẻ hiện nay rất năng động, họ năng động trong cả việc tiếp thu những hành vi phạm tội qua truyền thông, internet. Thêm vào đó, trong cuộc sống hiện nay có rất nhiều áp lực, sức ép từ việc làm, khó khăn về kinh tế, vướng mắc trong đời sống, sự phân tầng xã hội diễn ra gay gắt, những mặt tiêu cực của yếu tố thị trường, những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống hàng ngày… đã làm cho một bộ phận dân chúng, nhất là những người trẻ tuổi không thích nghi được.
Trước sức ép đó, người trẻ dễ bị chấn thương tinh thần, không định vị được giá trị cuộc sống, hoang mang, dễ bị tổn thương bởi những tác động từ phía xã hội, chạy theo giá trị ảo… Khi không thỏa mãn được nhu cầu cá nhân, họ mất phương hướng, tiêu cực trong suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những hành động cực đoan, gây tội ác. Cùng với đó là sự hiểu biết về xã hội, pháp luật, ý thức công dân của một bộ phận dân cư còn nhiều hạn chế đã khiến cho một số người hành động phạm tội nghiêm trọng mà không nhận thức đầy đủ về tính chất, hậu quả hành vi của mình.
Theo đại tá Đỗ Cảnh Thìn, hiện tượng tại các thảm án đã đau lòng nhưng nhiều hiện tượng ở các làng xã cũng đau lòng không kém. Sống tại làng xã, nhiều thanh thiếu niên chịu sự ràng buộc của gia đình, quy phạm đạo đức ở làng xã… họ sống rất hiền lành. Thế nhưng khi đi ra ngoài làm ăn, sợi dây gắn kết với gia đình, ràng buộc với làng xã lỏng lẻo. Nhiều người ra ngoài làm ăn nghiện ngập, bệnh tật rồi lại quay trở lại làng xã gây ra hiện tượng làng HIV, làng AIDS… Khi đi thực tế ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa cũng không ít nơi tỉ lệ ly hôn rất cao. Những việc đó tác động tiêu cực đến giới trẻ.
Cùng chung nhận định với ông Đỗ Cảnh Thìn, trong nghị trường của Quốc hội, bà Lê Thị Nga nhận định, các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là thủ phạm trẻ, nhiều đối tượng vị thành niên, là những người bình thường, không phải băng nhóm xã hội đen. Các vụ này không có dự mưu nhưng cực kỳ dã man, tàn ác, giết cả những người vô can như trẻ em, người già.
Theo bà Nga, có những nguyên nhân do sự thiếu sót về quản lý xã hội ở tầm vĩ mô, đó là giáo dục nhân cách, gia đình, cách thức thông tin, rượu bia, ma túy. “Khi những thanh niên chưa có tiền án, tiền sự gây án với phương thức dã man, tàn ác là thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách. Chúng ta chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình” – bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Phòng ngừa bằng cách nào?
Là một chuyên gia tội phạm học, PGS. TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng để hạn chế tình trạng này, cần “nâng cao sức đề kháng cho xã hội” đối với tội phạm bằng nhiều giải pháp. Trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, các chuẩn mực xã hội cho người dân, nhất là người trẻ. Khi người ta nhận định rõ hành vi sai trái bị lên án, nhất định bị xử lý, bị trừng phạt… hẳn người đó sẽ có những điều chỉnh hành vi của mình.
Về chính sách với người chưa thành niên phạm tội, trước nhiều luồng ý kiến cho rằng “phải tăng nặng hình phạt” để có sức răn đe, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, đó là điều đi ngược với xu thế chung của nhân loại. Hình phạt đối với trẻ thành niên là để giáo dục là chính. Vấn đề không phải tăng hình phạt mà cần xử đúng người, đúng tội, kịp thời, nghiêm minh. Cần tuyên tuyền, giáo dục, răn đe để hạn chế các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ phạm tội.
Ngoài ra, đại tá Đỗ Cảnh Thìn cũng cho rằng, cần cụ thể các điều luật, tránh việc áp dụng luật tùy tiện ràng buộc trách nhiệm của những người trong gia đình, cơ quan đoàn thể trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Nếu con cái phạm tội thì bố mẹ không thể vô can… Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới đã có tòa án gia đình. Tòa án đó là một hình thức tổ chức tiến bộ, qua tòa, hành xử của trẻ được phân định rõ đúng sai, có ràng buộc trách nhiệm giáo dục trẻ… Đó là một biện pháp cần thiết để ngăn ngừa hạn chế trẻ phạm tội.
Cũng góp ý về vấn đề này, trên diễn đàn của Quốc hội, bà Lê Thị Nga cho rằng: Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết. Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân. Cần sớm ban hành Luật về phòng chống lạm dụng rượu bia; Luật về sức khỏe tâm thần.
Với Chính phủ, bà Nga đề nghị, cần chỉ đạo ngay các cơ quan có chức năng nghiên cứu tội phạm, nhất là các trung tâm tội phạm học của ngành công an sớm nghiên cứu thực trạng trên để có giải pháp. Bà Nga cũng kiến nghị các vị Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục, Công an, Công Thương, Lao động – Thương binh và Xã hội sớm có giải pháp khắc phục các nguyên nhân thuộc trách nhiệm của ngành mình.
Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần xây dựng Chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.