THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:52

Tội phạm và những “ông trùm” án ngàn tỉ

 

Theo đó, những khoản tiền thiệt hại cực lớn trong vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB) vừa được Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra. “Ông trùm” trong vụ án này là Phạm Công Danh có tiền án, tiền sự khá “nổi” về lạm dụng, chiếm đoạt tài sản, vậy mà vẫn làm “sếp” tại VNCB và gây ra trọng án.

 

Phạm Công Danh có "bề dày" về tiền án và tiền sự trước khi gây ra những vụ trọng án hàng ngàn tỉ

Tổ kiểm soát bị vô hiệu hóa

Nguồn tin của Báo Lao Động & Đời sống, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án xảy ra tại VNCB và đề nghị truy tố Phạm Công Danh (SN 1965, quê tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm… đã gây thiệt hại hơn 9.133 tỉ đồng trong vụ án này. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng cho biết đã tách nhiều vụ để xử lý bằng những vụ án khác với số tiền thiệt hại cực lớn.

Theo kết luận điều tra, năm 2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương về phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh đã nắm toàn quyền kiểm soát, chi phối TrustBank, sau này đổi tên là Ngân hàng Xây dựng - VNCB. Trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ kiểm soát của NHNN, thì lợi dụng nắm quyền chi phối, Phạm Công Danh - người đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB - đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.

Ngoài Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh còn lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ những người thân, quen của mình đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB (nhóm cổ đông chi phối 84,92%). Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Kết quả điều tra xác định, Phạm Công Danh là “ông chủ” duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp liên quan. Do vậy, nhiều khoản tiền được Phạm Công Danh rút ra từ VNCB và khai là sử dụng để “chăm sóc khách hàng”, duy trì ổn định của ngân hàng, chi vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng bản chất việc làm đó là phục vụ cho lợi ích bản thân Phạm Công Danh.

Bên cạnh đó, các cán bộ nhân viên VNCB gồm 4 bị can bị khởi tố là Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh - từng là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB - đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm….” theo Điều 285 BLHS. Bởi tổ giám sát này đã để cho Phạm Công Danh và các đồng phạm rút số tiền hơn 18.678 tỉ đồng.

Hàng loại phi vụ béo bở

Hành vi của Phạm Công Danh được Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định là phạm vào tội “Cố ý làm trái…”, theo Điều 165 BLHS. Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh xác định cụ thể qua các phi vụ như lập hồ sơ khống về nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 62 tỉ đồng. Phi vụ này, 7 bị can liên quan đã bị khởi tố gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ VNCB), Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Phạm Việt Thép và Lê Công Thảo. Đến phi vụ lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM, gây thiệt hại cho VNCB hơn 181 tỉ đồng, phi vụ này khởi tố 6 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Bạch Quốc Hào và Trần Văn Bình.

Chưa hết, phi vụ lập hồ sơ khống trong vụ thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM, gây thiệt hại cho VNCB 400 tỉ đồng, vụ này khởi tố 5 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Nguyễn Thị Kim Vân. Chưa hết, vụ rút 5.190 tỉ đồng nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích trên các ủy nhiệm chi. Đối với hành vi này đã khởi tố 4 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết. Với hàng loạt phi vụ khác ngoài những phi vụ nêu trên, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây tổng thiệt hại mà Cơ quan CSĐT xác định là hơn 7.037 tỉ đồng. Ngoài ra, hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay…”, theo Điều 179 BLHS trong việc cho 14 Cty vay tổng cộng 5.000 tỉ đồng (chỉ mới tất toán một khoản vay 300 tỉ đồng), đối với hành vi này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 33 bị can.

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong vụ án này chỉ đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến các hành vi rút số tiền hơn 12.057 tỉ đồng của VNCB, trong đó gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.133 tỉ đồng. Đây là hành vi “cố ý làm trái” và “vi phạm về cho vay…”. Ngoài vụ án này, cơ quan điều tra cũng tách những vụ khác để xử lý bằng những vụ án khác sau này đối với Phạm Công Danh và đồng phạm về gây thiệt hại những khoản tiền “khủng” khác nữa, theo xác định ban đầu là có con số tổng cộng lên đến hơn 16.000 tỉ đồng.

 

Dương Thanh Cường.

Những vụ án ngàn tỉ và “ông trùm” tội phạm

Theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, Phạm Công Danh (SN 1965, tại tỉnh Quảng Ngãi) từng mang tiền án, tiền sự. Ngày 20.6.1990, Phạm Công Danh bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt về hàng loạt tội, gồm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” theo Điều 134 BLHS năm 1985, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” theo Điều 135 BLHS năm 1985 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” theo Điều 157 BLHS năm 1985. Kết quả, Phạm Công Danh bị TAND tối cao xử phạt 6 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 135 BLHS năm 1985. Như vậy, trước khi làm “sếp” VNCB, Phạm Công Danh đã có “thành tích” về tiền án, tiền sự, vậy mà không hiểu vì sao, Phạm Công Danh lại được nắm chức vụ, quyền hạn cao đến như vậy, rồi để xảy ra vụ trọng án gây thiệt hại nghiêm trọng như trên?

Dư luận vẫn còn nhớ vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam - Agribank chi nhánh 6, TPHCM và tại Agribank Bình Chánh, TPHCM mà chính Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Cty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) là một “trùm lừa”. Ngày 5.11.2015 vừa qua, TAND TPHCM đã tuyên bản án hình sự sơ thẩm, phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt số tiền của nhà nước lên đến hàng ngàn tỉ đồng (hơn 1.127 tỉ đồng).

Điều kỳ lạ là Dương Thanh Cường cũng có “thành tích” phạm tội trước khi gây ra những cú lừa ngàn tỉ, từng nhận tiền án, tiền sự về nhiều tội. Dương Thanh Cường (SN 1966, người gốc Hoa, tên gọi khác là Mã Cường, ngụ quận 6, TPHCM) từng bị bắt từ những năm 1994. Ngày 27.6.1996, Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, 13 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” và 3 năm tù về tội “trốn thuế”, tổng cộng hình phạt là 20 năm tù.

Điều khiến Dương Thanh Cường khét tiếng thời đó là "thành tích" lừa đảo và phạm nhiều tội cùng lúc, bởi ngày 27.6.1996 Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt như nêu trên, thì chỉ sau đó chưa đầy 2 tháng, tức vào ngày 11.8.1996, Dương Thành Cường lại bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Như vậy, trong năm 1996, Dương Thanh Cường đã cùng lúc bị 2 TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang tuyên phạt với hàng loạt tội danh và tổng hợp hình phạt mà Dương Thanh Cường phải chấp hành là 20 năm tù, thời hạn tù tính từ năm 1994, bởi Cường bị bắt tạm giam sau 2 năm mới đưa ra xét xử. Đến ngày 1.2.2005, Dương Thanh Cường được đặc xá tha tù trước thời hạn tại Trại giam Đồng Tháp.

Ngay sau khi ra tù, Dương Thanh Cường thành lập hàng loạt doanh nghiệp không để kinh doanh mà lại lao vào con đường phạm tội với những cú lừa kinh hoàng hơn, mức độ lừa táo tợn hơn và số tiền lừa chiếm lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh