THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:33

Nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong xã hội

Hội nghị về xâm hại trẻ em được tổ chức tại TP. Huế sáng 20/3

Sáng 20/3, tại TP. Huế, Bộ Công an và Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Công an về ban hành “Hướng dẫn công tác phòng ngừa, nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”.

Trung tá Phạm Mai Hiên – Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an báo cáo Hội nghị cho biết, trong những năm qua, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp các Bộ, ngành thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, giải pháp trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến trẻ em. Hầu hết các các vụ án liên quan đến trẻ em đã được công an phát hiện, điều tra xử lý nghiêm theo luật định. Tuy nhiên, một số vụ XHTDTE chưa đạt kết quả như mong muốn.

Theo số liệu thống kê, năm 2018, trên toàn quốc phát hiện 1.592 vụ xâm hại trẻ em với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, trong đó: số vụ XHTDTE là 1.269 vụ (chiếm 82% so với số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Các địa phương xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em, như: Hà Nội, Đắc Lắc, Tây Ninh, TP. HCM, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bình Phước,…

Đại tá Đặng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, số vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên thực tế thậm chí còn cao hơn con số đã phát hiện như đã nêu.

Theo Trung tá Hiên, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là XHTDTE thời gian qua nổi lên một số vấn đề, như: hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra mọi lúc, trong gia đình, ngoài xã hội, trong nhà trường, đối tượng thực hiện hành vi thường là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em, là người thân trong gia đình, người quen biết, hàng xóm,…Qua nắm bắt tình hình cho thấy, tình trạng bạo lực gia đình, cố ý gây thương tích cho trẻ em,…tuy có giảm về số vụ, song xảy ra một số vụ có tính chất rất nghiêm trọng đã ảnh hưởng xấu, gây dư luận hoang mang, bức xúc trong xã hội.

Trong năm 2018, cơ quan công an đã xử lý 538 vụ án hình sự, 55 vụ hành chính về tội phạm xâm hại trẻ em; đang điều tra xác minh 127 vụ.

Đại tá Hồ Sỹ Niêm – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho rằng, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; công tác phòng ngừa xã hội có bước chuyển biến rõ nét, nhất là trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, một số địa phương công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em chưa đạt được sự quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, nhiều vụ XHTDTE bị tồn đọng, chậm trễ, kéo dài hoặc không khởi tố điều tra được gây bức xúc dư luận xã hội cũng như “nóng” trên các phương tiện truyền thông, do nhiều nguyên nhân, để lại hậu quả lâu dài, rất khó khắc phục cho trẻ em.

Vì vậy, trong thời gian tới, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra các vụ tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và XHTDTE nói riêng, đồng thời thực hiện nguyên tắc điều tra, xử lý nghiêm tội phạm XHTDTE, gắn với các mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em, không để các em bị tổn thương,…Hội nghị đã cùng thảo luận, phân tích, đưa ra nhiều biện pháp, cách thức thực hiện nhiệm vụ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh