THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:01

Lao động nữ vẫn nhiều thiệt thòi

 

Thiệt thòi trong chế độ thai sản

Chị Trần Thị Phương Trang ở phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu,  dẫn theo con gái 3 tuổi đến tìm kiếm thông tin tuyển dụng tại Trung tâm Giới thiệu việc làm. Chị Trang cho biết, trước kia chị từng làm bộ phận buồng khách sạn với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng. Từ khi lập gia đình và sinh con, chị phải nghỉ việc. Khi con gái đến tuổi đi nhà trẻ, chị muốn kiếm công việc phù hợp để đi làm, nhưng mấy tháng rồi vẫn chưa có chỗ nào nhận. “Quá trình tìm việc rất khó khăn. Có nơi đưa ra yêu cầu tôi không đáp ứng được, có nơi nhận vào làm thì mức lương quá thấp” - chị Trang cho biết

 Bà Cao Thị Thanh Hà, Trưởng Ban nữ công, LĐLĐ TP Vũng Tàu cho biết, bên cạnh những DN chú trọng quan tâm đến chế độ chính sách tốt đối với lao động nữ thì nhiều nơi việc thực hiện các chế độ chính sách đối với lao động nữ vẫn chưa bình đẳng. “Qua kiểm tra đối với DN đông lao động nữ cho thấy, vẫn còn nhiều DN vi phạm pháp luật lao động đối với lao động nữ về chế độ thai sản, độ tuổi tuyển dụng, quy định thời gian có thai và sinh con...”, bà Hà nói.

LĐ nữ vẫn chưa được đối xử công bằng và chịu nhiều thiệt thòi hơn so với LĐ nam

Dẫn chứng cho thực tế này, bà Hà cho biết, luật đã quy định thời gian nghỉ thai sản trước 2 tháng và lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày nhưng nhiều DN không thực hiện. Trường hợp này thường rơi vào những DN nợ BHXH. Thực tế trong tuyển dụng, DN cũng đưa ra những yêu cầu thể hiện sự bất bình đẳng đối với lao động nữ...

Bà Nguyễn Phước Mạnh, Trưởng Ban nữ công LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho hay, thúc đẩy và thực hiện các quyền của lao động nữ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của chị em luôn là mối quan tâm hàng đầu và là một trong những ưu tiên trong hoạt động nữ công. Tuy nhiên, theo bà Mạnh, nhiều DN vi phạm pháp luật lao động, Luật Bình đẳng giới đối với lao động nữ. “Ngay từ thông báo tuyển dụng, lao động nữ thường bất lợi hơn lao động nam, như độ tuổi trẻ hơn, có ngoại hình và thể lực tốt... thậm chí một số DN còn yêu cầu lao động nữ cam kết thời gian lấy chồng và sinh con cùng với các yêu cầu khác...”, bà Mạnh cho biết.

Chịu thiệt trong thu nhập

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: Một số DN không ký hợp đồng lao động, không xác định thời hạn đối với lao động nữ, khi lao động nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng hết hạn hợp đồng thì DN không giao kết tiếp, trong khi đó Luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ khi đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi... “Đã có nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản do hợp đồng lao động bị chấm dứt. Theo quy định, lao động nữ khi mang thai được nghỉ 5 lần để đi khám thai theo định kỳ. Song, nhiều DN không cho lao động nữ được hưởng lương, hoặc thưởng chuyên cần trong những lần đi khám thai”, ông Kiệt thông tin.

Về mức lương của lao động nữ làm việc trong các ngành dệt may, da giày - những ngành sử dụng đông lao động nữ cũng thường thấp hơn so với một số ngành nghề công nghiệp khác. Trong khi đó, cường độ làm việc của người lao động ở những ngành nghề này khá cao, việc trả lương chưa tương xứng với giá trị lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của lao động nữ.

Tại hội thảo tiêu chuẩn lao động quốc tế về tiền lương và thu nhập nhằm mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và việc làm bền vững, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điều tra thực tế phân biệt đối xử trong tiền lương và thu nhập của người lao động cả nước cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ luôn thấp hơn nam; tiền lương của lao động nữ cũng thấp hơn so với lao động nam. Ở các nhóm trình độ càng thấp, mức độ chênh lệch tiền lương giữa nữ và nam càng cao. Đối với các nhóm không có bằng cấp, tiền lương bình quân hàng tháng của nữ chỉ bằng 72% so với nam.

Kết quả nghiên cứu của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, phụ nữ khó khăn hơn nam giới trong việc tiếp cận với giáo dục đào tạo, lựa chọn ngành nghề và cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. 

MINH CHÂU/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh