THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:29

Nhiều trường hợp đặc biệt tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu năm 2023

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm Mẹ Việt Nam anh hùng tham dam dự Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm Mẹ Việt Nam anh hùng tham dam dự Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao; được các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sâu rộng như: Lễ dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, viếng đài liệt sĩ, các hoạt động tưởng niệm tại các di tích lịch sử cách mạng, các căn cứ địa cách mạng, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách...

Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2023 là sự kiện quan trọng, nằm trong tổng thể các hoạt động kỷ niệm thiết thực, sâu rộng đang diễn ra trên khắp cả nước. Hội nghị tôn vinh 300 tấm gương tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền, dân tộc, thành phần, tôn giáo, đại diện cho 9,2 triệu người có công trên toàn quốc.

Đó là 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có Mẹ tuổi đã cao như Mẹ Nguyễn Thị Điềm 98 tuổi, Mẹ Ngô Thị Diện 97 tuổi - những người Mẹ cao cả, xứng đáng 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khen tặng cho người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

“Chúng ta rất trân trọng và cảm phục khi được tiếp đón mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Điểm. Mẹ là đại biểu cao tuổi nhất, năm nay tròn 98 tuổi. Chúng ta vô cùng cảm phục và biết ơn mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hữu Tài, 83 tuổi, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại Sài Gòn. Người đã mất đi người chồng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và mất đi người con trong cuộc chiến tranh biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế. Với ý chí kiên cường bất khuất của mình, Mẹ giấu nước mắt để tiếp tục cùng đồng chí đồng đội tham gia hoạt động cách mạng, bản thân mẹ là thương binh, đã chịu nỗi đau của cơ thể khi hứng chịu bom rơi, đạn lạc trong quá trình hoạt động và trong thời gian bị địch bắt, tù đày”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xúc động tri ân.

Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tuổi cao tham dự Hội nghị.

Bà Mẹ Việt Nam anh hùng tuổi cao tham dự Hội nghị.

Hội nghị cũng đã tôn vinh các Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh, bệnh binh tiêu biểu. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang  Hồ Đức Vai (người dân tộc Pa Kô, ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) mang trên mình thương tật. Ông là một trong những đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên ở miền Nam được phong Anh hùng lực lượng vũ trang (vào năm 1965); người đã từng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ, gia đình ông có đến 3 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Họ là biểu tượng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn, tấm gương cho sự chiến đấu ngoan cường, mưu lược một thời của dân tộc. Hay như đại biểu Ngô Tùng Chinh (TP Hồ Chí Minh), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị địch bắt tù đày.

Hội nghị trân trọng được đón tiếp đại biểu Phan Thị Ngọc Tươi, người nữ Anh hùng lực lượng vũ trang kiên trung, là thương binh, đã từng bị địch bắt, tù đày. Bà là sĩ quan cao cấp của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Khi mới 13 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Sau thời gian huấn luyện, bà chính thức trở thành chiến sĩ của đơn vị T30 an ninh tỉnh Bến Tre và liên tiếp lập được nhiều chiến công vẻ vang cho cách mạng trong thời kỳ đó.

Tới dự Hội nghị năm nay còn có vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Cách (Gia Lộc, Hải Dương), người chưa bao giờ có đủ thời gian hạnh phúc trọn vẹn bên người chồng thân yêu của mình. Hai người chưa kịp có với nhau người con nào, hiện tại bà vẫn đang sống một mình cùng với sự đồng cảm, đùm bọc của gia đình, làng xóm. Bà đã “biến đau thương thành hành động”, ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong, và trở thành tấm gương tiêu biểu ở địa phương.

Đại biểu Quách Hồng Cư (SN 1951), người thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đến từ quê hương Thái Bình. Trở về với đời thường, ông đã thành lập và phát triển công ty với các lĩnh vực vận tải, kinh doanh xăng dầu, khách sạn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, với doanh thu hàng tỷ đồng. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ủng hộ địa phương hàng trăm triệu đồng để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới.

Đại biểu Kiều Thị Phương, khi mới 17 tuổi, đã xung phong tham gia du kích tại địa phương. Đến khi chưa tròn 20 tuổi, trong một trận chiến khốc liệt, bà đã phải hứng chịu những viên đạn xuyên qua cơ thể của mình, vĩnh viễn mất đi một phần thân thể ở hông trái với 50% thương tật. Dù đi lại vô cùng khó khăn, nhưng bà vẫn tiếp tục hoạt động, cống hiến cho cách mạng cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Sau giải phóng, bà Phương cùng gia đình lại vào kinh tế mới tại tỉnh Đắk Lắk, tham gia công tác phụ nữ tại địa phương, làm chi hội trưởng trong thời gian được 30 năm. Bà luôn phát huy tình thần đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, sống gương mẫu tại địa phương.

Và còn rất nhiều những tấm gương đại biểu tiêu biểu khác về dự Hội nghị Biểu dương năm nay. Đó đều là những người đã phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vượt qua bệnh tật, làm giàu cho bản thân, gia đình, tham gia đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội, đất nước; nhiều cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nhân rộng các mô hình hiệu quả giúp đỡ cộng đồng, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, qua 6 năm triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng, cả nước đã giải quyết được căn bản trên 7.000 hồ sơ. Trong đó, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đặc biệt có những trường hợp hy sinh từ thời kỳ chống Pháp, có trường hợp hy sinh cách đây 91 năm, đến nay mới đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, như trường hợp cụ Phạm Khánh (ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Hay liệt sĩ Trang Hồng Vinh (quê huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), nguyên là hiệu tín viên (báo vụ viên), hy sinh năm 1953, nằm ở Chiến khu R, nhưng không còn đồng đội, hồ sơ, chứng cứ. Cho đến sát ngày diễn ra Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2023, với rất nhiều những nỗ lực của các cơ quan chức năng, liệt sĩ Trang Hồng Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ xác nhận và trao Bằng Tổ quốc ghi công trong niềm vui vô hạn của thân nhân và ngành Bưu chính Viễn thông.

THẢO VI (lược ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh