Nhiều rào cản với sinh viên khuyết tật
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:00 - 02/11/2018
Nhiều cản trở trong việc sinh viên khuyết tật tiếp cận môi trường giáo dục
Chật vật trong việc tiếp cận môi trường giáo dục
Trúng tuyển cùng lúc vào nhiều trường cao đẳng, đại học với điểm số cao nhưng khi tìm đến nộp hồ sơ, Lê Minh Tú, một người bị khiếm thính bẩm sinh tại TP. Hồ Chí Minh liên tục bị các trường từ chối. Có trường còn yêu cầu nữ sinh này nộp gấp đôi khoản học phí quy định nếu đi học cùng với phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu riêng. Sau nhiều lần xuôi ngược, Tú được nhận vào học tại Trường Đại học Văn Hiến. Thế nhưng, khó khăn vẫn còn đó khi suốt mấy tuần đầu, em không thể hiểu thầy cô nói do nhà trường không có phiên dịch hỗ trợ. Phản ánh liên tục, đến nay, Tú đã được nhà trường bố trí cho một phiên dịch riêng.
Không quá chật vật như Tú nhưng việc tiếp cận môi trường giáo dục với Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh viên ngành Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng chẳng mấy dễ dàng. Thường xuyên trễ học do không bắt được xe buýt, mất nhiều thời gian cho việc di chuyển lên lớp học, tiếp thu bài giảng hay nghiên cứu tài liệu là những khó khăn mà nam sinh viên này đang đối mặt hàng ngày. “Là người khiếm thị nên em không thể nhìn thấy các loại tài liệu bằng giấy. Do vậy, việc tìm kiếm, đọc và sử dụng tài liệu đối với em rất khó khăn. Hiện nay, trên các trang mạng hoặc tại các trường chưa cung cấp đầy đủ các loại giáo trình, tài liệu học tập phù hợp với chuyên ngành em theo học và phù hợp với định dạng cho người khiếm thị”, Nguyễn Ngọc Hiệp chia sẻ.
Không riêng gì Hiệp hay Tú mà rất nhiều sinh viên khuyết tật ở nước ta đang gặp phải các rào cản trong quá trình tiếp cận môi trường giáo dục tại giảng đường. Với ba nhóm khuyết tật thường gặp là khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật vận động, các sinh viên này cần rất nhiều sự hỗ trợ từ cơ sở vật chất chuyên biệt cho đến tài liệu học tập, nghiên cứu hay các khóa rèn kỹ năng khác. Thế nhưng, họ vẫn chưa có được những chính sách, chương trình hỗ trợ như mong muốn. Nguyễn Hoàng Lâm (SV ngành Sư phạm) lại gặp một vấn đề khác: “Trước đây em tốt nghiệp cao đẳng và sau đó học liên thông lên đại học. Khi học chương trình liên thông lên đại học thì em học hòa nhập với sinh viên của trường đại học Đồng Nai (trước đó, khi học cao đẳng thì em học đào tạo riêng). Chúng em gặp vấn đề khó khăn là nội dung lớp học sâu quá, có nhiều môn học chúng em không thể theo kịp nên rất mong muốn được hỗ trợ đội ngũ phiên dịch dành cho người khiếm thính trong trường đại học”.
Cần được quan tâm nhiều hơn
TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trăn trở: “Vẫn còn quá nhiều rào cản với các SV là người khuyết tật. Nếu cộng đồng không chung tay, giúp đỡ họ thì cơ hội chinh phục bản thân và tri thức của người khuyết tật sẽ bội phần gian nan”. Chia sẻ về những trải nghiệm của mình, bà Mai cho rằng, cái cộng đồng và xã hội cần thay đổi chính là thay đổi nhận thức về cơ hội cho các SV khuyết tật chứ không chỉ đơn giản mang đến thuận lợi cho các em. Bà cho biết, một trong những câu chuyện khiến bà trăn trở nhiều nhất là trường hợp một SV khuyết tật vận động (con của một cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam) theo học tại một trường đại học Y tại Hà Nội. Do SV này không thể học môn thể dục nên bị lưu ban điểm. Em đã trình bày trực tiếp hoàn cảnh với bà. Sau đó thông qua Vụ Giáo dục Đại học, bà đã chỉ đạo trường miễn cho em không phải học môn thể dục.
Theo ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án “Tiếp cận giáo dục dành cho SVKT” thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, hiện sinh viên khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang chịu nhiều thiệt thòi do thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngay như một việc đơn giản là bố trí phòng học hợp lý nhằm hạn chế đi lại cho sinh viên khuyết tật, nhiều trường còn chưa quan tâm. Hay như việc cung cấp nguồn tài liệu, môi trường hòa nhập cho các bạn khuyết tật, không phải nơi nào cũng làm tốt. Do vậy, cần sớm có những điều chỉnh để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhóm đối tượng yếu thế này.
“Đầu tiên, chúng ta phải nói đến vai trò của việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên khuyết tật. Khi sinh viên khuyết tật chọn được ngành nghề phù hợp với khả năng, năng lực cũng như dạng khuyết tật của bản thân sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Khi cơ hội việc làm cao, các em có thể khẳng định được giá trị bản thân, tự tạo thu nhập nuôi sống bản thân và đóng góp phần nào đó cho gia đình. Các trường cũng cần tạo điều kiện để khi đến trường các sinh viên khuyết tật có môi trường hòa nhập thuận lợi như các sinh viên bình thường khác”, ông Thương đề xuất.
Ông Trần Công Bình, chuyên gia quan hệ quốc tế của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng, cộng đồng xã hội cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn để sinh viên khuyết tật có được môi trường học tập hiệu quả nhất. Trước hết, đó là những hỗ trợ về chi phí học tập, sinh hoạt thông qua các chính sách miễn giảm học phí, trao học bổng khuyến học. Ngoài ra, sinh viên khuyết tật cần tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, giao lưu để rèn những kỹ năng mềm, bổ trợ cho công việc sau này. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử để giúp NKT cảm thấy tự tin, từng bước hòa nhập tốt với môi trường chung quanh.
“Cơ hội học tập ở những bậc học cao hơn đối với người khuyết tật cũng ít hơn. Hiện nay các trường chuyên biệt cho học sinh bậc tiểu học đã khá nhiều, tuy nhiên từ bậc trung học cơ sở thì rất ít chủ yếu các em học hòa nhập ở các trường phổ thông, như vậy cơ hội học tập ở bậc học cao hơn như đại học cho các em rất khó, đặc biệt là với những em khuyết tật dạng nặng”, bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục người khiếm thính (CED) chia sẻ.