Nhiều rào cản trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho nhóm yếu thế
- Pháp luật
- 19:07 - 22/09/2021
Hội thảo đã đánh giá quá trình triển khai trên thực tế Luật Trợ giúp pháp lý và các chính sách liên quan; xác định những khoảng trống và rào cản trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý (DVHTPL) đáp ứng nhu cầu của nhóm yếu thế và vai trò của các tổ chức xã hội trong hoạt động này; đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách và pháp luật, tổ chức thực hiện phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu và chất lượng DVHTPL của nhóm yếu thế, góp phần nâng cao hệ thống tư pháp tin cậy và dễ tiếp cận.
Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn về công tác trợ giúp pháp lý cho nhóm yếu thế, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Oanh cho biết, nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, nhóm dễ bị tổn thương về tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý còn rất lớn nhưng nguồn lực để triển khai còn hạn chế.
Nguồn lực nội tại của Trung tâm Trợ giúp Pháp luật (TT TGPL) tỉnh, địa phương không thể thực hiện hiệu quả và đáp ứng đầy đủ cho cộng đồng; cần phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bên liên quan (chính quyền, tổ chức đoàn thể, chuyên môn, dự án phi chính phủ…)
Do đó bà Oanh đề xuất, cần có những phương pháp và tiếp cận hiệu quả trong viêc tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp tới người dân, theo từng nhóm người, từng đối tượng và từng dân tộc, tôn giáo khác nhau. Đồng thời, cần xây dựng một mạng lưới hỗ trợ và tư vấn pháp luật rộng khắp, nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ tư vấn từ đó hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng; Hình thành lên các nhóm cộng đồng, trang bị kiến thức và kỹ năng về tư vấn pháp luật nhằm rút ngắn khoảng cách về kiến thức pháp luật trong cộng đồng…
Tại Hội thảo, TS.Tạ Thị Minh Lý – Nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam nêu ra những hạn, khó khăn của các tổ chức xã hội trong thúc đẩy hỗ trợ pháp lý như: Thiếu cơ sở nguồn lực và hạn chế trong năng lực hành chính, tài chính, tổ chức và kỹ thuật; Hạn chế trong triển vọng chiến lược và mối liên kết với các bên liên quan khác; Chỉ tạo ra được những tác động quy mô nhỏ; Tập trung vào các mục tiêu không dễ đo lường thực tế/ phát triển/XH/ hơn là những kết quả dễ nhìn thấy được; Phụ thuộc rất lớn vào một hoặc một số ít các nhà lãnh đạo, và dễ bị các tổ chức lớn hơn chiếm lấy; Thiếu người có chuyên môn pháp luật/ không có kỹ năng tư vấn pháp luật…
Thông qua hội thảo, các bài học kinh nghiệm sẽ được tổng hợp và đóng góp cho quá trình thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 do Bộ Tư pháp thực hiện. Các đối tác nhận tài trợ của JIFF sẽ chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý, thực trạng nhu cầu dịch vụ hỗ trợ pháp lý (DVHTPL) và mức độ đáp ứng nhu cầu của hệ thống cung cấp DVHTPL cho các nhóm yếu thế, đặc biệt là hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) của Nhà nước.